Lo từ cao tốc

CÔNG TÚ 07/08/2018 07:04

Ảnh hưởng từ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dẫn đến nhiều tồn tại liên quan, kể cả phát sinh vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra, chỉ đạo VEC giải quyết những tồn tại của dự án cao tốc. Ảnh: C.TÚ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra, chỉ đạo VEC giải quyết những tồn tại của dự án cao tốc. Ảnh: C.TÚ

Nhiều tồn tại    

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận 7 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam dài gần 92km (km7+900 - km99+200). Trong đó, đoạn sử dụng vốn JICA (Điện Bàn - Phú Ninh) đã đưa vào khai thác sử dụng; đoạn vốn WB (Phú Ninh - Núi Thành) cơ bản hoàn thành tuyến chính. Qua rà soát của Sở Giao thông vận tải (GTVT), đầu tháng 8 này còn một số vị trí vướng mắc trên các tuyến đường ngang, đường gom dân sinh, cống chui, kè gia cố hạ lưu cầu, cống, suối, đường vuốt nối với đường cao tốc chưa bàn giao xong mặt bằng. Cụ thể: mở rộng đường vuốt nối với cao tốc tại các nút giao Hà Lam (Thăng Bình), Tam Kỳ (Phú Ninh); 5 vị trí trên đường ngang cống dân sinh; 6 vị trí gia cố hạ lưu cầu, cống. Chưa kể, dọc tuyến chính còn thiếu 122 đoạn hàng rào bảo vệ với tổng chiều dài 25,230km. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, đồng thời đề nghị đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) phải phối hợp chặt chẽ để thực hiện hoàn thành trong quý III-2018. “Mặt bằng chậm do điều chỉnh thiết kế có phát sinh và mới bàn giao cọc mốc sau, chủ yếu bàn giao bổ sung trong năm 2018. Lo tập trung làm trên tuyến chính để kịp hoàn thành thông xe, một số nhà thầu lơ là việc thiết kế và thi công các tuyến đường ngang, đường gom nên chậm phối hợp để triển khai khiến mặt bằng chưa khai phóng hết” - Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh An nói.

 Đáng chú ý, nhiều trường hợp, vị trí bị ảnh hưởng thiệt hại hoa màu, đất sản xuất và nứt nhà trong quá trình thi công gây ra nhưng chưa được giải quyết, khắc phục. Theo thống kê, hơn 250 hộ bị ảnh hưởng nứt nhà chưa nhận được tiền bồi thường. Phần lớn tồn tại vừa nêu thuộc trách nhiệm của các nhà thầu. Cạnh đó, họ cũng chưa thi công hoàn thành tại hơn 57 vị trí trên các đoạn đường vuốt nối, đường gom dân sinh, đường ngang vào cống chui, gia cố hạ lưu công trình cầu, cống (chưa kể đoạn qua huyện Núi Thành) và hoàn trả đường giao thông và kênh mương thủy lợi. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cần chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đơn vị thi công tập trung phối hợp cùng địa phương kiểm tra lại cụ thể để giải quyết. Trường hợp đã được bàn giao mặt bằng, đại diện chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thi công hoàn thành dứt điểm đường ngang, đường gom, cống chui, cống thoát nước, kè gia cố cầu, cống trước ngày 30.8 năm nay.

Lo an toàn giao thông

Làm việc với Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phê bình VEC và nhà thầu do chậm giải quyết tồn tại gây ảnh hưởng đến ATGT, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự không hài lòng về chất lượng và tiến độ thi công công trình, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư đôn đốc, thúc đẩy nhanh thi công, hoàn thành công trình để ngày 2.9 thông xe và đưa vào vận hành.

Làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT cuối tuần qua, lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị khi thông tuyến cao tốc mà chưa hoàn thành bồi thường nứt nhà, khắc phục xói lở hạ lưu cầu, cống thoát nước, bồi lấp đất sản xuất, xây dựng đường gom, hàng rào bảo vệ hai bên thì chưa tổ chức thu phí đoạn Phú Ninh - Núi Thành. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình khẳng định, việc thi công dự án cao tốc để lại nhiều bài học, mà hạn chế của khâu khảo sát là một ví dụ điển hình. Như đoạn qua Duy Xuyên, khảo sát xong rồi cho rằng không cần nổ mìn, song thực tế thi công lại phải áp dụng biện pháp này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh. “Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo VEC giải quyết đường gom dân sinh, nứt nhà dứt điểm từng trường hợp một” - ông Phan Thái Bình nói. Có thể khẳng định, hàng rào bảo vệ đường cao tốc là hạng mục khiến nhiều người lo ngại nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Theo đại diện chủ đầu tư, phần vốn WB còn thiếu 33 đoạn hàng rào với 11,866km. Đưa vào khai thác từ tháng 8 năm trước, vậy nhưng phần vốn JICA hiện trống 89 đoạn với chiều dài 13,364km. Đi thị sát trên công trường, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, không có hàng rào bảo vệ, xe khách đang chạy với tốc độ cao mà va phải động vật như chó, heo bất thình lình băng qua thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. “Đến lúc đó, các anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khuyến cáo.  

Ngoài hàng rào bảo vệ, vấn đề ATGT tại đoạn tuyến kết nối cao tốc cũng mang đến nhiều nỗi lo khi đưa toàn bộ công trình vào vận hành. Lúc đó, lưu lượng ô tô, đặc biệt là ô tô tải lên - xuống đông đúc thì tình trạng quá tải thêm trầm trọng. Hiện nay, đoạn quốc lộ 40B kết nối từ đường cao tốc xuống quốc lộ 1 và đường ven biển dài 12km (km1+700 - km13+765) do Ban Quản lý dự án 5 làm chủ đầu tư đã lập hồ sơ dự án nâng cấp, mở rộng với quy mô nền rộng 12m, mặt đường rộng 11m. Riêng đoạn km12+10-km13+765, hồ sơ lập đưa ra 2 phương án cắt ngang: chọn nền 12m hoặc 9m. Đây là trục ngang kết nối trực tiếp với đường cao tốc, người và đặc biệt là xe khách, xe tải có tải trọng lớn lưu thông gây ách tắc, mất ATGT. Thực tế thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra. Chính vì vậy, Quảng Nam kiến nghị chấp thuận phương án thiết kế đoạn dài 1,75km này có quy mô nền đường 12m để đồng bộ toàn tuyến, không tạo thêm “nút thắt cổ chai” mất ATGT. Nếu kinh phí phát sinh, địa phương sẽ bổ sung thêm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, kinh phí 200 tỷ đồng Trung ương đã bố trí cho dự án thì nhất quyết không được tăng thêm. Nếu muốn mở đoạn 1,75km còn lại có mặt cắt 12m, Bộ GTVT đồng ý và đề nghị UBND tỉnh xin ý kiến HĐND tỉnh có nghị quyết thông qua để bổ sung kinh phí.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ