Đầu tư giao thông vận tải Nông Sơn: Chưa đáp ứng kỳ vọng

CÔNG TÚ 24/07/2018 14:17

Dù nỗ lực đầu tư, bức tranh hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) ở huyện Nông Sơn vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cầu Ông Ba Chiếu trên tuyến ĐH1.NS thường xuyên bị chia cắt do ngập lụt. Ảnh: C.TÚ
Cầu Ông Ba Chiếu trên tuyến ĐH1.NS thường xuyên bị chia cắt do ngập lụt. Ảnh: C.TÚ

Phát triển nhiều loại hình

Dưới sự hỗ trợ của cấp trên và nội lực của chính mình, hạ tầng GTVT trên địa bàn huyện Nông Sơn đã được chú trọng đầu tư. Kết quả, hàng trăm tỷ đồng kiên cố hóa nhiều tuyến giao thông nông thôn (GTNT), đường huyện (ĐH), nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ (ĐT). Đặc biệt, tháng 3.2017, dự án nâng cấp, mở rộng ĐT610 hoàn thành, chính thức mở “nút thắt” đoạn tuyến km25+608 - km39+200 qua xã Duy Phú (Duy Xuyên), vượt đèo Phường Rạnh đến xã Quế Trung (Nông Sơn). Công trình đưa vào sử dụng đồng thời với cầu Giao Thủy đã tạo nên trục dọc huyết mạch mới phía tây bắc: ĐT610 - cầu Giao Thủy - ĐT609B - quốc lộ (QL) 14B ra TP.Đà Nẵng. Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh An từng chia sẻ, cung đường thông suốt mở ra cơ hội đổi thay cho Nông Sơn, nơi sở hữu tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch - dịch vụ hay công nghiệp. Ngày 4.10.2017, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 2823/QĐ-BGTVT chuyển liên tuyến đường nối từ cảng Cửa Đại đến giáp đường Đông Trường Sơn dài 73,5km thành QL14H (hiện trạng các tuyến: ĐT603B, ĐT608, ĐH3.DX, ĐT610 và ĐH2.NS). Như vậy, ĐT610 và ĐH2.NS thuộc địa bàn Nông Sơn tiếp tục có cơ hội chuyển mình về quy mô.

Trước khi ĐT610 được nâng cấp, ĐT611 từ Quế Sơn vượt đèo Le vào sâu địa phận Nông Sơn cũng đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng. Cung đường xuất phát tại QL1 đi về miền núi giảm hẳn độ nguy hiểm qua những vị trí cong cua, đèo dốc. Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Nông Sơn - ông Trương Ngọc Vũ thông tin, trên địa bàn có tổng cộng 14 tuyến ĐH, trong đó có 2 trục xương sống điển hình là ĐH1.NS, ĐH2.NS và nhiều tuyến GTNT khác. Hiện thực hóa các đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH và GTNT của tỉnh, địa phương đã triển khai hiệu quả theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khi đường sá ổn định, giao thông cũng gặp nhiều thuận lợi; ngoài xe khách các tuyến cố định từ Nông Sơn đi: Quế Sơn (ĐT611) - Đà Nẵng, Quế Sơn (ĐT611) - Tam Kỳ; một tuyến xe khách cố định khác xuất phát Nông Sơn - đèo Phường Rạnh (ĐT610) ra Đà Nẵng cũng được đưa vào khai thác phục vụ nhân dân. Thành công với taxi Đại Lộc và Vu Gia, một doanh nghiệp ở Đại Lộc tiếp tục về vùng đất mỏ đầu tư hãng taxi mang thương hiệu Nông Sơn...        

Nhiều rào cản

Chạy ven sông Thu Bồn, tuyến ĐH1.NS là trục giao thông huyết mạch của huyện Nông Sơn qua địa bàn các xã Quế Trung, Quế Ninh, Quế Phước, Quế Lâm. Nhưng theo ông Trương Ngọc Vũ, tuyến xương sống dài hơn 19km này có bề rộng chỉ 3,5m không đáp ứng được sự đi lại của khoảng 18 nghìn dân ở những địa phương nêu trên. An toàn giao thông không đảm bảo; việc phát triển kinh tế, nhất là kinh tế rừng bị kìm hãm bởi hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu chung. Cư trú tại thôn Khánh Bình (xã Quế Ninh), bà Nguyễn Thị Hoài cùng người dân nơi đây đã từng nhiều lần khổ sở bởi sự lưu thông trắc trở do đường sá chật hẹp, chỉ cần cơn lụt nhỏ là ĐH1.NS bị chia cắt do nước tràn qua cầu Ông Ba Chiếu. Cử tri địa phương đã kiến nghị các cấp không biết bao nhiêu lần song chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Một cán bộ Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Nông Sơn cho hay, nước không chỉ ngập sâu tại cầu Ông Ba Chiếu mà những cây cầu khác trên tuyến là Nà Ban, Mu Rùa, Trùm Ná, Vườn Dừa, Bà Trọng chung tình cảnh tương tự. “Nếu không có sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, huyện không đủ khả năng để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường này” - vị cán bộ này nói.

Một thực trạng khác đang ảnh hưởng đến độ an toàn khi lưu thông trên ĐT611, đoạn qua đèo Le đó chính là mương thoát nước nằm quá sâu so với bề mặt đường. Chính vì vậy, tỉnh cần nghiên cứu, tham mưu nâng cao lòng mương lên, bố trí thêm tường hộ lan, cọc tiêu đoạn qua thôn Đại An (xã Sơn Viên). Một tồn tại nữa mà Báo Quảng Nam từng nhiều lần phản ánh, nhu cầu qua lại thôn Đại Bình bằng đò ngang của nhân dân và du khách rất lớn nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Tuy nhiên, chỉ bến Đại Bình là có phép, còn bờ Trung Phước 1 chưa được cấp phép hoạt động. Lãnh đạo Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Nông Sơn cho biết, ngành chức năng đã không ít lần đề nghị UBND xã Quế Trung khẩn trương phối hợp, làm việc với Sở GTVT để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để được cấp phép. Mới nhất vào ngày 9.5 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Trung đã có văn bản gửi UBND xã Quế Trung yêu cầu thực hiện theo thông báo của Sở GTVT, hạn cuối đến hết ngày 10.6.2018 nhưng tiến độ quá chậm. Nhân đây, Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở GTVT quan tâm, xem xét mở lớp đào tạo chứng chỉ người lái phương tiện cho người có nhu cầu trên địa bàn.

Tại trung tâm huyện Nông Sơn, hạ tầng đường bộ qua chợ Quế Trung chưa đảm bảo gây khó khăn cho việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Vốn dĩ là chợ xã, nhưng kể từ khi chia tách thành huyện mới, chợ Quế Trung trở thành nơi giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa chính của Nông Sơn. Tình trạng nhân dân lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán không thể giải quyết triệt để. Địa phương đã quy hoạch, có nhà đầu tư đến đặt vấn đề xây dựng khu dân cư phố chợ mới nhưng không thể triển khai do vướng quy định. Không dễ gì có doanh nghiệp tìm về khu vực miền núi để đầu tư, nên huyện rất mong UBND tỉnh có hướng tháo gỡ...

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ