Động lực của vùng đông

VIỆT QUANG 23/06/2018 18:15

LTS. Các dự án trọng điểm đang được triển khai tại vùng đông Quảng Nam mở ra cơ hội thay da đổi thịt cho vùng đất nơi “đầu sóng ngọn gió”. Bức tranh về một vùng đất hội tụ, phát triển năng động đang dần hình thành với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; nhiều dự án du lịch đưa vào hoạt động đã xôn xao dấu chân người. Cư dân vùng đông, nhiều người cũng đã tìm thấy chốn an cư lâu dài và những khởi đầu thuận lợi cho cuộc mưu sinh. Tuy nhiên, động lực của vùng đông dù đã nhìn thấy nhưng còn quá nhiều việc để làm, đó là đảm bảo để người dân ra đi nhường đất cho dự án với sự hài lòng cao nhất; là tạo ra môi trường xã hội với những cuộc đời sống bình an trong những giá trị về vùng đất và thiên nhiên được gìn giữ...

Đường trục chính từ ngã tư Lạc Câu đến đường ven biển 129 tạo sức bật cho khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương.Ảnh: Q.V
Đường trục chính từ ngã tư Lạc Câu đến đường ven biển 129 tạo sức bật cho khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương. Ảnh: Q.V

PHÁT TRIỂN CHUỖI ĐÔ THỊ

Vùng đông của tỉnh với trung tâm là xã Bình Dương (Thăng Bình) đang được đầu tư để phát triển mạnh về đô thị trong thời gian tới.

Đường trục chính từ ngã tư Lạc Câu đến đường bộ ven biển 129 đã hình thành. Con đường nối vùng đông với vùng trung và vùng tây của tỉnh qua trung tâm là xã Bình Dương. Riêng tại xã Bình Dương, con đường như xương sống kết nối khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương với khu tái định cư ven biển và nhiều dự án khác như khu nghỉ dưỡng cao cấp Bình Dương, khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Quảng Nam, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội. Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, du lịch, dịch vụ, thương mại là điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng đông Thăng Bình trong thời gian tới bởi có thể tận dụng địa thế trong cụm đô thị động lực Hội An - Duy Xuyên - Thăng Bình - TP.Tam Kỳ - Núi Thành. Các dự án trọng điểm đang được đầu tư ở các xã Bình Dương, Bình Minh và sắp đến là Bình Hải, Bình Sa, Bình Nam (Thăng Bình) sẽ là cơ sở để huyện thực hiện. Trong tầm nhìn dài hạn, Thăng Bình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển với sản phẩm chủ lực là du lịch biển. Thăng Bình sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn, kết hợp hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa xây dựng hạ tầng kinh doanh thương mại hiện đại với mở rộng và phát triển các cơ sở hiện có. “Từ năm 2010 đến nay, địa phương tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới resort nghỉ dưỡng, hệ thống dịch vụ khách sạn, nhà hàng. Các công trình dịch vụ khác như khu vui chơi, giải trí, thể thao, khu hội nghị, các khu tập kết phương tiện đường thủy như tàu, du thuyền trên sông, nhà hàng nổi cũng sẽ được kêu gọi đầu tư phục vụ phát triển du lịch” - ông Phan Công Vỹ nói.

Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương đã căn bản hoàn thành, đưa vào sử dụng trong phạm vi 20ha, bố trí tái định cư ổn định cho các hộ dân chịu ảnh hưởng của các dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và đường bộ 129. Một số hạng mục điện, nước, cảnh quan, cây xanh, công viên sẽ được kiện toàn, tạo nên bức tranh khởi sắc, mới mẻ cho chuỗi đô thị Bình Dương trong nay mai. Xa hơn, các dự án trọng điểm ở vùng đông sẽ được khớp nối, hoàn thiện, gắn kết qua việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, là đòn bẩy để phát triển chuỗi đô thị vùng đông trong thời gian đến. Theo đó, các tuyến giao thông chính tại đô thị Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Khu kinh tế mở Chu Lai, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, sân bay Chu Lai sẽ tiếp tục được chỉnh trang, khớp nối. Tỉnh chú trọng khai thác hiệu quả các tuyến đường thủy nội địa, hạ tầng cảng Kỳ Hà - Tam Hiệp, sân bay Chu Lai cũng như nạo vét các tuyến sông Cổ Cò, Trường Giang để phát triển đường thủy nội địa kết hợp tăng cường thoát lũ, cải thiện môi trường và đặc biệt là phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, vùng đông nói chung, xã Bình Dương nói riêng đang thay da đổi thịt từng ngày. Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An đã tạo nên sự thay đổi đáng kể cho vùng đất. Cả một vùng cát trắng bấy lâu nay đã chuyển mình, tạo thành một “lâu đài” du lịch, dịch vụ thực sự. Từ đây, hàng nghìn lao động ở các khu vực xung quanh sẽ có việc làm mới, thu nhập ổn định. Từ đây, các dự án khác cũng sẽ được khởi công, hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển rộng khắp trong thời gian đến sẽ tạo nên chuỗi đô thị vùng đông liên hoàn, hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. “Nông dân nói chung, các ngư dân nói riêng ở các xã bãi ngang ven biển thuộc vùng đông vẫn còn phải sinh kế với ngư nghiệp, đánh bắt hải sản ven bờ thiếu hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Sự phát triển chuỗi đô thị vùng đông sẽ tạo sinh kế mới, bền vững hơn cho họ trong thời gian đến. Một bức tranh năng động của vùng đông đang dần thành hình” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.

VIỆT QUANG

VƯỚNG MẶT BẰNG

Trên địa bàn xã Bình Dương (Thăng Bình) có nhiều dự án trọng điểm đang đồng loạt triển khai, nhưng tiến độ thực hiện chậm  chủ yếu do vướng mặt bằng.

Người dân đã xây dựng nhiều phòng trọ trong vùng dự án đã công bố quy hoạch.Ảnh: Q.V
Người dân đã xây dựng nhiều phòng trọ trong vùng dự án đã công bố quy hoạch.Ảnh: Q.V

Chậm tiến độ

Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đã công bố quy hoạch từ năm 2009 với diện tích lên đến 680ha, thuộc 2 huyện Thăng Bình và Duy Xuyên. Trên địa bàn xã Bình Dương, từ năm 2011 đến năm 2014, Nhà nước triển khai thu hồi đất, bồi thường mặt bằng khoảng 15,3ha và bố trí tái định cư cho 16 hộ dân với 26 lô tại khu tái định cư cài ghép và khu tái định cư trung tâm Bình Dương. Đến đầu năm 2016, dự án này được điều chỉnh quy hoạch, phạm vi trên địa bàn xã Bình Dương là 196,6ha. Theo kế hoạch, trong năm 2017, dự án được triển khai tại khu C3 trên địa bàn thôn 5, xã Bình Dương là 20ha. Tuy nhiên, đến nay, các ngành chức năng mới trình phương án thu hồi đất, phương án bồi thường, bố trí tái định cư để UBND huyện Thăng Bình có cơ sở phê duyệt theo quy định. Ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho rằng, dự án triển khai chậm khiến địa phương gặp khó về quản lý hiện trạng đất đai vì người dân trong vùng dự án có nhu cầu lớn về xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế. Khó mạnh tay xử lý vi phạm về xây dựng vì người dân phải mưu sinh hằng ngày trong khi dự án lại triển khai ì ạch. Đáng nói hơn, nhiều hộ dân phản đối dự án vì cho rằng mức bồi thường thấp. Cụ thể, nhiều hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên đến hàng nghìn héc ta sử dụng lâu dài nhưng khi thu hồi chỉ được bồi thường có 300m2 đất ở.

Công ty CP Đầu tư & phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng để triển khai dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Ông Huỳnh Bửu - Tổng Giám đốc công ty cho biết, đã thực hiện xong công việc của mình trên phạm vi khu C4, bàn giao cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, một số hộ dân ở thôn 5 mặc dù đã nhận đầy đủ tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng vẫn tái chiếm đất để sản xuất, cản trở thi công dự án. Trước tình trạng này, công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương đối thoại, vận động, giải thích đến từng hộ thu dọn hoa màu, bàn giao mặt bằng nhưng nhiều hộ vẫn cố chấp. Ông Võ Tú Sơn (thôn 5, xã Bình Dương) là một trong những hộ chưa bàn giao một số mặt bằng để nhà đầu tư thi công dự án. Ông Sơn cho biết, đã thống nhất với ngành chức năng về một số phương án bồi thường, đã nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, với một số phương án khác, ông không thống nhất khi cơ quan chức năng không bồi thường, hỗ trợ đối với phần tài sản, đất đai của gia đình. “Tôi không bàn giao đất đai không phải là do tôi chống đối chủ trương của Nhà nước. Chỉ là vì những gì thuộc về gia đình tôi thì cơ quan chức năng phải bồi thường chứ không thể viện dẫn lý do này khác mà khước từ” - ông Sơn nói. Ở thôn 5, xã Bình Dương, đến thời điểm này nhiều hộ chưa bàn giao đất đai vì cho rằng bồi thường không công bằng, chịu thiệt khi không được công nhận nhiều diện tích đất đai họ được quyền sử dụng từ mấy chục năm nay. Vướng mắc này được UBND xã Bình Dương giải thích là mặc dù người dân trồng trọt, canh tác và xây dựng bấy lâu nay nhưng do thất lạc nên hồ sơ đất đai của họ không đầy đủ, không có cơ sở để bồi thường.

Bất cập

Dự án khu tái định cư ven biển Bình Dương có diện tích 228ha, được công bố quy hoạch chi tiết 1/500 cho giai đoạn 1 là 61,4ha vào năm 2010. Từ đó đến nay đã thực hiện công tác kiểm kê. Ngày 11.4.2017, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã phối hợp với UBND huyện Thăng Bình, UBND xã Bình Dương công bố quy hoạch với quy mô 228ha cho cả 2 giai đoạn. Tuy nhiên, kết thúc buổi công bố đã không thông qua biên bản, hồ sơ pháp lý liên quan chưa đảm bảo. Vì vậy, UBND xã Bình Dương chưa thống nhất hồ sơ bàn giao cũng như nhận mốc ngoài thực địa. Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2017, dự án thực hiện với quy mô 19,31ha, tuy nhiên mới chỉ triển khai 5,5ha đến thời điểm này. UBND xã Bình Dương phối hợp với đơn vị bồi thường tổ chức họp xét nguồn gốc đất ở và nhà ở cho 28 hộ gia đình có đất và nhà ở bị ảnh hưởng. Đến nay hồ sơ đã hoàn thiện nhưng chưa thu hồi đất. Ông Hoàng Văn Tửu - Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương đề xuất UBND tỉnh sớm có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu tái định cư ven biển Bình Dương và công bố quy hoạch, cắm mốc thực địa và cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan đến công bố quy hoạch dự án đảm bảo theo đúng trình tự, quy định, giúp địa phương thuận tiện hơn trong quản lý hiện trạng, đất đai.

Dự án chưa công bố quy hoạch, chưa cắm mốc thực địa trong khi người dân trên địa bàn lại có nhu cầu lớn về xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sinh hoạt, sản xuất nên đã có đến 73 trường hợp xây dựng nhà ở, phòng trọ trong vùng dự án. Trong số đó, UBND xã Bình Dương đã lập biên bản, xử phạt hành chính và buộc 8 hộ phải tháo dỡ công trình. Cái khó nằm ở chỗ còn đến 65 trường hợp đã xây dựng trên đất ở nhưng chưa thể xử lý. Về điều này, ông Phan Thanh Vân nêu ý kiến: “Điều 49 Luật Đất đai 2013 nêu rõ rằng trong trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Rất mong UBND tỉnh xem xét người sử dụng đất ở xã Bình Dương được quyền tách thửa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các vị trí còn lại nằm ngoài kế hoạch sử dụng đất năm 2018”. Ông Hoàng Văn Tửu còn đề xuất các bên liên quan có kế hoạch phân kỳ đầu tư, cấp phép có thời hạn đối với các khu vực chưa triển khai dự án để người dân được phép xây dựng, giải quyết nhu cầu bức thiết. Cùng với đó, xem xét, giải quyết nhu cầu xin đi trước của người dân để họ có thể an cư ở khu tái định cư trong thời gian tới. “Mong UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp rà soát, khoanh vùng những khu vực thuộc dự án sẽ sắp được xây dựng để người dân được biết không xây dựng nhà ở, công trình” - ông Tửu nói.

QUANG VIỆT

QUẢN LÝ CHẶT HIỆN TRẠNG ĐẤT ĐAI

Đất đai, hiện trạng được quản lý chặt chẽ là cơ sở để các dự án trọng điểm ở vùng đông được đẩy nhanh tiến độ.

Người dân xây dựng nhà ở trong khu vực dự án khu tái định cư ven biển Bình Dương và không được UBND huyện Thăng Bình cấp phép.Ảnh: Q.V
Người dân xây dựng nhà ở trong khu vực dự án khu tái định cư ven biển Bình Dương và không được UBND huyện Thăng Bình cấp phép.Ảnh: Q.V

Vùng đông của tỉnh có vị trí chiến lược; các dự án lớn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để thuận lợi trong việc giải tỏa mặt bằng, triển khai dự án, công tác quản lý hiện trạng đất đai được xem là nhiệm vụ quan trọng. Ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương (Thăng Bình) cho rằng, thời gian tới, UBND xã củng cố Tổ quản lý hiện trạng các dự án trên địa bàn, phân công chặt chẽ nhiệm vụ cho từng thành viên. Theo đó, công việc của từng cán bộ phải thường xuyên, năng động, qua đó kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; chuyển đổi mục đích đất trái phép; lấn, chiếm đất trái phép; xây dựng, cơi nới nhà ở, vật kiến trúc, trồng cây lâu năm trong vùng dự án đã công bố quy hoạch. “Ở dự án khu tái định cư ven biển Bình Dương, 2 trường hợp xây dựng trái phép đã tự tháo dỡ công trình khi chúng tôi trao đổi, giải thích, vận động. Ở dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có 4 trường hợp xây dựng trái phép, sau khi vận động, 1 hộ đã tháo dỡ công trình, 3 hộ còn lại đang được vận động và hứa sẽ tháo dỡ trong thời gian tới nên chưa quyết định cưỡng chế” - ông Vân nói.

Dự án khu tái định cư ven biển Bình Dương hiện có 2 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cho 2 giai đoạn. Ngày 28.9.2017, UBND tỉnh có công văn điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án này và Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã có báo cáo kết quả thẩm định về điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, đến nay, cả 3 đồ án, 2 đồ án trước và đồ án điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa được phê duyệt nhưng chính quyền địa phương vẫn phải quản lý quy hoạch. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân tăng cao. Trong năm 2017, UBND huyện Thăng Bình đã nhận được 30 trường hợp người dân đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Các trường hợp này có vị trí xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án khu tái định cư ven biển Bình Dương nên UBND huyện Thăng Bình không cấp giấy phép xây dựng. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân trong vùng dự án, thuận lợi cho công tác quản lý hiện trạng đất đai, đồng thời hạn chế khiếu nại, khiếu kiện của người dân, ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành liên quan khẩn trương thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án, giao cho chủ đầu tư, các bên liên quan tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc, dựng pano quy hoạch ngoài thực địa. Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan rà soát kế hoạch thực hiện dự án, hướng dẫn địa phương cấp phép xây dựng cho người dân theo luật định. Kết quả rà soát cần được xác định cụ thể trên bản vẽ và cắm mốc ranh giới ngoài thực địa. “Khu vực đã có công bố quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất thì UBND tỉnh cho phép tạm dừng việc thực hiện quy hoạch xây dựng để quản lý theo hiện trạng và cấp giấy phép xây dựng chính thức cho nhân dân” - ông Hồng Quốc Cường nói.

Theo đồng chí Phan Việt Cường - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trên cơ sở Kết luận số 25 của Tỉnh ủy về định hướng, giải pháp thực hiện các dự án trọng điểm ở vùng đông cũng như kết luận của đoàn công tác Tỉnh ủy với lãnh đạo huyện Thăng Bình, xã Bình Dương, Ban Thường vụ Đảng ủy xã cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung đến từng cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận cao nhất để triển khai thuận lợi các dự án có mặt trên địa bàn. “Để hạn chế tình trạng người dân cho rằng mức bồi thường đất đai, vật kiến trúc, cây trồng lâu năm thấp thì chính quyền xã, huyện phối hợp chặt chẽ với đơn vị thực hiện bồi thường tổ chức công khai phương án tạm tính cho bà con nhân dân chịu ảnh hưởng trong vùng dự án để tham gia ý kiến, bổ sung, chỉnh sửa phương án bồi thường hợp tình, hợp lý hơn” - đồng chí Phan Việt Cường nói.

ĐĂNG CAO

VIỆT QUANG