Kết nối đông tây

CÔNG TÚ 21/06/2018 14:50

Kết nối vùng đông, hệ thống đường bộ trục ngang đã và đang được đầu tư mở rộng, xây mới để tạo thuận lợi lưu thông, thu hút đầu tư, kích hoạt tăng trưởng kinh tế và giải bài toán dân sinh.

Đường trục chính nối đường 129 lên giáp cầu Bình Dương. Ảnh: C.TÚ
Đường trục chính nối đường 129 lên giáp cầu Bình Dương. Ảnh: C.TÚ

Nhiều mục tiêu

Kết nối vùng đông - QL1, với sự hỗ trợ nguồn lực của tỉnh, thị xã Điện Bàn thời gian qua đã đầu tư hoàn thành 2 trục đường chiến lược là ĐH8.ĐB và ĐH9.ĐB. Tại vùng cát Thăng Bình, Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai cũng đã đầu tư xây dựng đường trục chính nối từ cầu Bình Dương đến đường 129, giai đoạn 1. Công trình có chiều dài 4,35km, mặt cắt đầu từ giai đoạn 1 rộng 11,5m (quy hoạch 38m); điểm đầu tại ngã tư giao nhau với tuyến ĐH2.TB (chợ Lạc Câu), điểm cuối giáp với bờ biển xã Bình Dương.

Những ngày này, công nhân liên danh nhà thầu dự án đường nối từ tuyến cứu hộ, cứu nạn (đường 129) lên giáp quốc lộ (QL) 1 tại ngã ba Cây Cốc (huyện Thăng Bình) đang hối hả thi công tại những vị trí đã được bàn giao mặt bằng. Dự án đường nối từ quốc lộ 1 (tại ngã ba Cây Cốc) đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với quốc lộ 14E cũng đang được gấp rút thi công. Quan sát trên công trường, cầu vượt sông Trường Giang vững chãi đã hoàn thành phần thô.

Ông Trần Cảnh Hà - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (đại diện chủ đầu tư) cho biết, nhà thầu tiếp tục đổ bản mặt cầu, lắp đặt lan can và hoàn thiện một số khâu nhỏ khác. Ông Hà cũng cho hay, dự án từ Cây Cốc hướng tây đóng vai trò rất quan trọng, bởi sẽ nới rộng làn đường đang rất nhỏ hẹp, mất an toàn giao thông của QL14E, đoạn kết nối QL1 lên cao tốc. Công trình này sẽ kết nối liên thông với dự án từ Cây Cốc trở xuống đường 129 với hướng đi hoàn toàn mới, góp phần chia sẻ lưu lượng phương tiện trên QL14E cũ, đoạn từ ngã tư Hà Lam xuống biển. Đầu tháng 6 vừa qua, một dự án khác dài hơn 1,6km kết nối từ đường 129, băng qua đường Thanh niên ven biển đến cách bờ biển xã Bình Minh (Thăng Bình) khoảng 150m được triển khai. Công trình dự kiến xây dựng trong vòng 1 năm, khi hoàn thành sẽ kết nối liên thông với 2 dự án nêu trên, lên nút giao cao tốc. Trục ngang này góp phần sắp xếp lại dân cư theo quy hoạch, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả hơn đường cao tốc. 

Đường Điện Biên Phủ với điểm nhấn là cầu vượt đường bộ và đường sắt.
Đường Điện Biên Phủ với điểm nhấn là cầu vượt đường bộ và đường sắt.

Qua địa phận huyện Phú Ninh và TP.Tam Kỳ, đường Điện Biên Phủ kết nối đường 129, qua sông Bàn Thạch, vượt đường Lý Thường Kiệt, đường tránh Nguyễn Hoàng, đường sắt Bắc - Nam đến giao với QL40B là trục tuyến đáng chú ý. Cung đường không chỉ hiện thực hóa chủ trương đô thị hóa hướng đông của tỉnh và TP.Tam Kỳ mà còn giải quyết bài toán ách tắc lưu thông, thiếu an toàn diễn ra tại đường Nguyễn Hoàng và đường sắt Bắc - Nam, tạo điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc cho tỉnh lỵ. Chánh Văn phòng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh - ông Lê Văn Quang còn cho hay, đoạn từ đường 129 xuống Quảng trường biển Tam Thanh đang trình UBND tỉnh bố trí vốn để phê duyệt kế hoạch đấu thầu và đấu thầu. Dự kiến trong tháng 7.2017, công trình chính thức động thổ. Như vậy, trục đường Điện Biên Phủ sẽ đảm bảo phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đổi mới và kết nối liên hoàn mạng lưới giao thông khu vực TP.Tam Kỳ và huyện Phú Ninh; tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng và tăng cường khả năng liên kết phát triển vùng, phát triển Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai, Khu công nghiệp Tam Thăng...

Tháng 8 này, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Khu KTM Chu Lai, Công ty CP Ô tô Trường Hải sẽ khánh thành nút giao vòng xuyến 2 tầng giữa QL1 và đường sắt Bắc - Nam với đường trục chính từ cảng Chu Lai đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Công trình do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư này tạo cho đô thị Núi Thành trục cảnh quan kiến trúc hoành tráng ngay trên QL1, góp phần cải thiện lưu thông cho Khu KTM Chu Lai, đặc biệt là đảm bảo an toàn giao thông cho dân cư khu vực và cán bộ, công nhân viên trong khu công nghiệp. Từ nút giao vòng xuyến ở phía tây, cung đường do Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai làm chủ đầu tư sẽ kéo dài lên giáp cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dọn đường đón doanh nghiệp vào Quảng Nam.   

Những trở ngại

Để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư, tiến độ thi công những công trình được thúc đẩy thường xuyên. Tuy nhiên, không dễ cho nhà thầu có thể tập trung tối đa nhân lực, vật lực trên công trường khi mà ách tắc mặt bằng chưa khơi thông trọn vẹn.

Thi công mở rộng QL14E đoạn từ Cây Cốc lên gần nút giao cao tốc. Ảnh: C.TÚ
Thi công mở rộng QL14E đoạn từ Cây Cốc lên gần nút giao cao tốc. Ảnh: C.TÚ

Cả 2 dự án kết nối QL1 từ ngã ba Cây Cốc lên - xuống đều gặp phải trở ngại. Đặc biệt, theo ông Trần Cảnh Hà, việc triển khai xây dựng phần đường diễn tiến khá chậm do vướng mặt bằng. Chẳng hạn, dự án đường nối từ đường 129 lên QL1 đang bị ách tắc mặt bằng của 7 hộ tại nút Cây Cốc. Trong khi đó, đoạn dài 300m qua xã Bình Đào (Thăng Bình) vướng nhà ở, đất đai của 17 hộ (19 nhà). Để tái định cư cho những hộ trên, Thăng Bình đã xây dựng xong khu tái định cư gần đó với quy mô 17 lô. Tuy nhiên, thực tế lại phát sinh thêm 6 lô, UBND tỉnh cho phép mở rộng khu này và HĐND tỉnh đã đồng thuận. Vấn đề là bây giờ, huyện phải đẩy nhanh quá trình thực hiện mới có đủ lô đất để giao cho người dân. Dự án từ Cây Cốc đi lên vẫn đang bị “nghẽn” công địa thi công ở nhiều vị trí. Nếu không có giải pháp hợp lý, việc chính quyền sở tại đặt ra mục tiêu về đích giải phóng mặt bằng trong tháng 6 năm nay khó khả thi.

Dễ dàng nhận ra nhiều trục ngang giao thông huyết mạch của tỉnh hướng đông, song cũng ưu tiên kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thế nhưng, một số đoạn hướng tây đang cho thấy sự quá tải, không đảm bảo lưu thông. Nếu không có động thái đầu tư mở rộng sớm từ phía Trung ương, những công trình đầu tư sẽ khó phát huy hiệu quả tối đa, nhất là tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đường từ Cây Cốc đi lên là một minh chứng. Bởi từ điểm cuối công trình, người và phương tiện phải tiếp tục đi trên mặt đường QL14E chật chội, xuống cấp, cùng với đó là ách tắc gặp phải mỗi lần chờ tàu băng qua đường sắt. Chính vì vậy, việc bổ sung đầu tư cầu đường bộ vượt đường sắt Bắc - Nam tại vị trí giao cắt giữa đường sắt với QL14E là rất cần thiết. Ở phía nam, Trung ương cần khẩn trương bổ sung đầu tư xây dựng nút giao liên thông kết nối đường cao tốc với tuyến ĐT620 đi sân bay Chu Lai. Có như thế, khát vọng tăng cường khả năng kết nối của tuyến đường cao tốc, sân bay, cảng biển và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mới trở thành hiện thực, đúng tầm một cảng hàng không quốc tế.

Về đô thị Tam Kỳ, đường Điện Biên Phủ sẽ kết nối QL40B lên nút giao cao tốc. Để khai thác trơn tru, Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo khẩn trương xây dựng mở rộng QL40B, đoạn từ nút giao cao tốc xuống QL1. Được như vậy, mục tiêu đặt ra khi xảy ra sự cố do biến đổi khí hậu vùng ven biển phía đông, đường Điện Biên Phủ giúp ứng cứu thiên tai, kịp thời di dời dân đến nơi an toàn mới thật sự phát huy tối đa công năng.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ