Cầu qua sông Vĩnh Điện và đường dẫn: Thúc đẩy phát triển đô thị Điện Bàn
Cầu qua sông Vĩnh Điện và đường dẫn vào đường ĐH4.ĐB đang được xây dựng mới, ngoài mục tiêu tạo thêm huyết mạch lưu thông, công trình còn mang ý nghĩa thúc đẩy phát triển đô thị Điện Bàn.
Thi công cầu qua sông Vĩnh Điện. Ảnh: C.TÚ |
Đầu tư trọng điểm
Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hàng trăm tỷ đồng, nhất là hệ thống giao thông, đã và đang được đầu tư góp phần hoàn thiện, kết nối không gian thị xã Điện Bàn. Điển hình có thể kể đến việc xây dựng, đưa vào khai thác tuyến đường huyện (ĐH) là ĐH8.ĐB kết nối vùng đông với vùng tây của thị xã, thông qua 2 trục dọc gồm tỉnh lộ (ĐT) 607 và quốc lộ QL1.
Hay như dự án đường trục chính qua trung tâm thị xã Điện Bàn (đoạn từ ngã ba đường tránh Điện An đến cầu Vĩnh Điện), công trình hoàn thành đã nới rộng cửa ngõ phía bắc, khơi thông căn bản ách tắc khu vực phía bắc.
Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, ngoài giải quyết nhiều vấn đề về dân sinh, đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm còn góp phần bố trí sắp xếp lại dân cư trong khu vực, hình thành các điểm, khu dân cư theo quy hoạch, theo tuyến đường. Để liên thông với ĐT609, chính quyền Điện Bàn đã triển khai dự án xây dựng đường ĐH14.ĐB. Công trình này có chiều dài 1,928km, điểm đầu từ đường Hoàng Diệu nối dài, vượt sông Vĩnh Điện và điểm cuối kết nối vào lý trình km1+608 của tuyến ĐT609 tại tháp Bằng An của phường Điện An.
Cầu vượt sông Vĩnh Điện có chiều dài 171,8m; khổ cầu rộng 17m (phần xe chạy rộng 14m), quy mô vĩnh cửu. Đường dẫn vào cầu phía bắc theo tiêu chuẩn đường đô thị, mặt cắt ngang rộng 23m (mặt đường rộng 15m). Công ty CP Thiết kế và xây dựng S.E.N là đơn vị tư vấn giám sát dự án. |
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn (đại diện chủ đầu tư) - ông Nguyễn Hữu Trung cho biết, dự kiến ban đầu có 205 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 95 tỷ đồng, làm cầu qua sông Vĩnh Điện. Sau khi cân nhắc, địa phương nhận thấy với nguồn lực còn lại, ngân sách kham không nổi nên được chấp thuận đưa 1,41km đầu tuyến vào dự án khai thác quỹ đất. Đoạn còn lại dài hơn 517m, bao gồm cầu qua sông Vĩnh Điện và đường dẫn kết nối vào ĐT609 sẽ thực hiện theo Luật đầu tư công. Chính vì vậy, kinh phí đã rút xuống còn khoảng gần 146 tỷ đồng (thị xã lo 51,905 tỷ đồng). Ngày 19.12.2017, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu và đường dẫn vào đường ĐH14.ĐB (giai đoạn 1) chính thức được khởi công trên thực địa. Công ty CP Đạt Phương trúng thầu với giá trị hơn 120,5 tỷ đồng. Tiến độ theo hợp đồng ký kết đến ngày 19.3.2019 hoàn thành.
Khẩn trương thi công
Tận dụng thời tiết nắng ráo, từ đầu năm 2018 đến nay, Công ty CP Đạt Phương đã triển khai thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện phần hạ bộ cầu qua sông Vĩnh Điện. Chưa giải phóng xong mặt bằng đoạn đường dẫn phía bắc, nhà thầu linh hoạt thương lượng thuê đất vườn của người dân làm đường công vụ kết nối từ nút ĐT609 vào công trình cầu nhằm phục vụ vận chuyển thiết bị máy móc, nguyên vật liệu tập kết bên bờ sông.
Trao đổi trên công trường, ông Lê Đức Duy - cán bộ điều hành của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn cho biết, nhà thầu hiện đã triển khai thi công xong 40 cọc mố cầu M2, các trụ T1, T2 và T3. Còn mố cầu M1 ở bờ nam (thôn Đồng Hạnh, xã Điện Minh), dự kiến khoảng 15 ngày nữa sẽ hoàn thành toàn bộ cọc khoan nhồi, khi mà lực lượng công nhân triển khai liên tục 24/24 giờ. Trong khi đó, đội đúc dầm gồm 15 người hiện đã đúc được 6/28 dầm cầu. Hơn một tháng nữa, những dầm cầu còn lại phục vụ cho phần thượng bộ sẽ đúc đâu vào đó.
Theo kỹ sư Chu Văn Tiên - Chỉ huy công trường của Công ty CP Đạt Phương, tổng giá trị khối lượng thực tế thi công cầu hiện đạt khoảng 35/90 tỷ đồng. Nhà thầu đặt mục tiêu cuối tháng 6 sẽ lao dầm đầu tiên và tháng 10 năm nay hoàn thành hạng mục cầu.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, công trình cầu và đường dẫn có 8 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, đường dẫn phía bắc có 7 hộ phải giải tỏa trắng, phía mố cầu M1 ảnh hưởng đất ở của 1 hộ dân khác.
Ông Lê Đức Duy cho hay, Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn đang lập thủ tục phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư rồi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về cơ bản, khâu kiểm kê, áp giá nhận được sự đồng thuận của người dân. Những hộ bị giải tỏa trắng được bố trí đất ở trong khu tái định cư sẽ xây dựng cạnh tuyến đường dẫn.
Kỹ sư Chu Văn Tiên thông tin thêm, doanh nghiệp phối hợp làm tốt công tác tư tưởng, vận động một hộ dân thôn Đồng Hạnh bị ảnh hưởng dự án (khả năng phải giải tỏa trắng) làm nhà tạm ra phía sau nhằm ưu tiên mặt bằng thi công mố cầu M1. Đến khi công tác giải phóng mặt bằng hoàn tất, nhà thầu sẽ triển khai thi công đoạn đường dẫn dài hơn 300m, thuộc địa bàn khối phố Bằng An Trung.
Trong khi giai đoạn 1 đang triển khai thi công, thị xã Điện Bàn tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục xúc tiến các bước đầu tư giai đoạn 2 (đường dẫn phía nam, kết nối vào đường Hoàng Diệu nối dài). Tương lai không xa, ĐH14.ĐB sẽ là tuyến ĐT608 nối dài, liên hoàn từ Hội An lên ĐT609. Như thế, không gian đô thị ngày càng rộng mở, cầu Vĩnh Điện cũ hiện tại sẽ được san sẻ bớt lưu lượng phương tiện. Trục ĐH14.ĐB thông suốt là động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị, mạng lưới đô thị vệ tinh, kích thích sự phát triển cho toàn vùng.
CÔNG TÚ