Bất cập tại các dự án bất động sản - Bài 1: Không thực hiện đúng cam kết

HỮU PHÚC 22/05/2018 09:28

Vì muốn thu hồi vốn nhanh, nhiều dự án phát triển đô thị, khai thác bất động sản (BĐS) đã công khai hoặc lén lút rao chuyển nhượng đất nền trong khi chưa đầu tư đồng bộ khớp nối hạ tầng khung. Ngoài ra, một số dự án chậm tiến độ, xây dựng dở dang vì nhiều nguyên nhân. Những dự án “khiếm khuyết” này tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và mỹ quan đô thị; tiềm ẩn nguy cơ “đầu cơ” đất đai, gây cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường BĐS.

Nhu cầu xây dựng nhà ở phát triển mạnh ở xã Bình Dương (Thăng Bình) kể từ ngày dự án Vinpearl Nam Hội An đưa vào hoạt động. Ảnh: HỮU PHÚC
Nhu cầu xây dựng nhà ở phát triển mạnh ở xã Bình Dương (Thăng Bình) kể từ ngày dự án Vinpearl Nam Hội An đưa vào hoạt động. Ảnh: HỮU PHÚC

BÀI 1: KHÔNG THỰC HIỆN ĐÚNG CAM KẾT

Hàng loạt dự án nhà ở, BĐS tuy chủ đầu tư đã cam kết nhưng vẫn không thực hiện đúng tiến độ, phải gia hạn nhiều lần do vướng mặt bằng; một số khác triển khai chậm chạp do năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế và chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai...

Thi công dở dang

Sở Xây dựng thống kê, thời điểm này riêng Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có 7 dự án khu đô thị hoàn thành, 24 dự án đang thi công dở dang, 42 dự án chưa triển khai thi công. Chưa kể gần 100 dự án ngoài Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đang thi công và trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư.

Trước khi cấp giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra quy hoạch sử dụng đất; xem dự án có trong danh mục sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt hay không; xem xét dự án có phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500, định hướng quy hoạch chung đô thị. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều chủ đầu tư không giữ đúng lời hứa, điều chỉnh dự án nhiều lần theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Dự án phát triển đô thị đang thi công tại xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) của Công ty Đạt Phương. Ảnh: H.PHÚC
Dự án phát triển đô thị đang thi công tại xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) của Công ty Đạt Phương. Ảnh: H.PHÚC

Tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, dự án khu nhà ở cho người có thu nhập thấp do Công ty CP Tư vấn đầu tư nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO (gọi tắt Công ty STO) làm chủ đầu tư được UBND tỉnh giao hơn 18ha đất từ gần 10 năm trước. Tuy dự án điều chỉnh quy hoạch nhiều lần với ít nhất 4 quyết định điều chỉnh của UBND tỉnh nhưng đến nay Công ty STO vẫn không điều chỉnh phương án giá đất. Thời gian thực hiện thi công kéo dài năm 2013 đến 2017. Tuy nhiên, kiểm tra cho thấy hiện mới hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 60% khối lượng gồm các hạng mục san nền, giao thông, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước. Như vậy, dự án không đảm bảo tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư.

Tương tự, khu dân cư phố chợ Điện Dương do Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bách Đạt làm chủ đầu tư, với diện tích đất được giao hơn 5,2ha, dự án thực hiện trong thời gian 2014 - 2017. Nhưng qua kiểm tra thực hiện phân lô theo quy hoạch, khối lượng thi công đạt 83%, còn lại chưa triển khai thi công hạng mục cấp nước và thâm nhập nhựa đường lớp 2. Trong số 430 lô đất đã khai thác, đến nay đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 421 lô (thực hiện giao dịch 396 lô).

Một dự án khác là khu đô thị số 4 do Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam làm chủ đầu tư. Trong số hơn 44,4ha đất được UBND tỉnh giao năm 2005 thì thời điểm này còn hơn 7,5ha chưa bồi thường và giải phóng mặt bằng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích bồi thường phần lớn theo kiểu da beo, chưa hoàn thiện và khớp nối đồng bộ hạ tầng. Các tuyến đường chính chưa thi công lớp bê tông nhựa, vỉa hè chưa trồng cây xanh, chưa xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước. Dự án thi công rất chậm vì ách tắc giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh đã cấp 696 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ dự án.

Ngoài ra, dự án khu dân cư khối 5 (thị trấn Vĩnh Điện) do Công ty CP Du lịch dịch vụ và đầu tư xây dựng Hội An làm chủ đầu tư, theo tiến độ đến cuối năm 2016 đưa vào sử dụng nhưng chậm tiến độ so với bản cam kết hơn 1 năm nay.

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh vừa qua, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Viễn cho rằng, nhiều dự án BĐS, khai thác dân cư điều chỉnh nhiều lần theo hướng có lợi cho nhà đầu tư. Việc phê duyệt điều chỉnh giá đất không hề đơn giản, tốn nhiều thời gian. “Nơi nào có dự án vào là giá đất không bình thường. Thực tế nếu làm căng giá đất, nhà đầu tư sẽ có triệu chứng “sổ mũi đau đầu”. Vì vậy cách tốt nhất là tỉnh bỏ ngân sách ra giải phóng mặt bằng sạch, rồi đem bán đấu giá công khai” - ông Viễn nói.

Chưa xây xong đã bán

Do gặp vướng mắc trong khớp nối hạ tầng kỹ thuật khi thực hiện dự án nên nhiều địa phương trong tỉnh phải điều chỉnh chủ trương, quy hoạch chi tiết dự án. Nhiều dự án chậm triển khai do chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo hướng có lợi cho mình.

Trước việc chậm triển khai xây dựng, ngành chức năng đề nghị thu hồi một số dự án như dự án khu dân cư thôn 1 (Điện Dương, Điện Bàn) giai đoạn 3 của Công ty CP Đất xanh miền Trung; dự án khu phố chợ Chiên Đàn của Công ty CP Trung Quý Huế, dự án khu phố chợ Hà Lam của Công ty CP Đầu tư xây dựng 557. Tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có 30 dự án đang triển khai thi công và dự án đã hoàn thành nhưng chưa tổ chức nghiệm thu.

 Rao bán bất động sản tràn lan tại phường Điện Ngọc (Điện Bàn) trong khi dự án chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng như quy định. Ảnh: H.PHÚC
Rao bán bất động sản tràn lan tại phường Điện Ngọc (Điện Bàn) trong khi dự án chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng như quy định. Ảnh: H.PHÚC

Một trường hợp khác, trước đây, nhiều dự án khu dân cư, tái định cư ở Núi Thành do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư như các khu tái định cư Tam Quang 1, 2, 3, 4 thuộc địa bàn xã Tam Quang; còn khu tái định cư Tam Quang giai đoạn 4 ở thị trấn Núi Thành; khu dân cư chợ Trạm - xã Tam Hiệp. Theo quy định, loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại chỉ được thực hiện bởi tổ chức, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh BĐS và có nguồn vốn ngoài ngân sách. Cho nên Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã dừng triển khai thực hiện và đang tìm kiếm chủ đầu tư mới nên dự án dở dang.

Nhận định về dự án treo, dự án chậm triển khai, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Viễn cho rằng, áp lực tạo nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên các xã đều khai thác quỹ đất, sử dụng đất chuyên trồng lúa ở các vị trí thuận lợi về giao thông. Ở khu vực đô thị thì phát triển rầm rộ dự án khu dân cư, khu đô thị, khu phố chợ, BĐS gắn với dịch vụ - du lịch. Nghịch lý ở chỗ, nhiều khu dân cư khu vực đô thị lẫn vùng nông thôn dù nham nhở hạ tầng nhưng vẫn sôi động giao dịch thị trường BĐS. Tình trạng phân lô bán nền theo bản đồ thiết kế xây dựng được duyệt đã xảy ra, dù mặt bằng khu đất chưa ra hình hài, dở dang hạ tầng khung về điện - đường - nước - cây xanh.

Sở TN&MT cảnh báo, thực tế có chuyện dự án chưa được giao đất, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng chủ đầu tư đã có thỏa thuận ngầm chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đơn cử, dự án COCO Garden City được quy hoạch với tổng diện tích 25,6ha nằm ngay trung tâm phường Điện Dương, trong khi chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh thì chủ đầu tư đã tự phân chia các lô liền kề, lô biệt thự rồi lén lút rao bán.

--------------
Bài 2: siết chặt quản lý

Trong các đợt giám sát vừa qua, HĐND tỉnh đã phát hiện nhiều kẽ hở trong đầu tư, kinh doanh nhà ở thương mại và yêu cầu ngành chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC