Mổ xẻ các dự án chậm giải ngân

TRỊNH DŨNG 16/05/2018 09:39

Điều chuyển vốn, dừng dự án vướng giải phóng mặt bằng và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cố tình gây cản trở, khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công... là nội dung chính tại cuộc họp xử lý vướng mắc của các dự án đầu tư xây dựng do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì sáng qua 15.5.

Đường dẫn cầu Cửa Đại, đường nối tuyến 129 lên trung tâm huyện Duy Xuyên là những dự án thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân thấp nhất. Ảnh: T.D
Đường dẫn cầu Cửa Đại, đường nối tuyến 129 lên trung tâm huyện Duy Xuyên là những dự án thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân thấp nhất. Ảnh: T.D

Mới giải ngân 27% kế hoạch vốn

Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho biết các dự án đã được cấp thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn vào tháng 12.2017. Đây là thời điểm khá sớm cho việc triển khai các dự án đầu tư công. Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cũng đã tiến hành nhiều hướng dẫn về thủ tục thanh toán kế hoạch năm 2017 và 2018, đôn đốc các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 30% kế hoạch vốn), nhưng không thể kiểm soát được tiến độ giải ngân chậm như hiện tại. Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tính đến ngày 10.5.2018, chỉ mới giải ngân được 27% kế hoạch vốn, tương ứng 960/3.579 tỷ đồng. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2017 khoảng 3% và thấp hơn cả tỷ lệ giải ngân bình quân của các dự án đầu tư công cả nước.

Không thể nói cam kết giải ngân vào cuối năm mà phải ấn định thời gian cụ thể. Nếu dự án gặp vướng giải phóng mặt bằng thì phải dừng lại, chuyển vốn sang dự án khác. Không thể để chôn vốn”.
(Ông Phạm Tấn Minh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT)

Một thống kê khác của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho thấy các nguồn vốn địa phương (vốn ngân sách huyện, thành phố, thị xã, ngân sách xã, phường, nguồn trung ương bổ sung, nguồn vốn chương trình mục tiêu) có tỷ lệ giải ngân cao như Phú Ninh (76%), Duy Xuyên (66%), Thăng Bình (63%)…, nhưng cũng không ít địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như Núi Thành (0,8%), Phước Sơn (10%) và Đông Giang (14%). Tình trạng giải ngân thấp không chỉ gặp ở nhiều địa phương, mà ngay cả các dự án đầu tư thuộc quyền quản lý cấp tỉnh. Hiện có đến 55 dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2018 và 44 dự án kế hoạch vốn năm 2017 thuộc ngân sách tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 30%), tương ứng kế hoạch vốn còn lại khoảng 694 tỷ đồng và 67 tỷ đồng. Đáng lo ngại nhiều nhất là có đến 35/55 dự án kế hoạch vốn 2018 và 31/44 dự án kế hoạch vốn 2017 không giải ngân được đồng nào. Đáng chú ý trong danh sách này phải kể đến các dự án: kè bảo vệ khu đô thị cổ Hội An, đường trục chính tái định cư Khu công nghiệp Tam Quang, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện nông nghiệp có tưới Quảng Nam, hệ thống xử lý chất thải bệnh viện, nâng cấp mở rộng đường 609, khu nghĩa trang vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình…

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Không chỉ các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý cũng đã viện dẫn do cơ chế, chính sách quá nhiều thay đổi, chồng chéo hay khó khăn bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc thẩm định các dự án lớn của các cơ quan chuyên ngành chậm hoặc hầu hết dự án mới chưa khởi công, vẫn trong giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và không loại trừ năng lực nhà thầu hạn chế, không đủ tài chính để đẩy nhanh khối lượng đầu tư… đã khiến tốc độ giải ngân bị chậm trễ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói tại sao vốn có, kế hoạch giao khá sớm nhưng tỷ lệ giải ngân quá thấp? Cần phải đưa ra được nguyên nhân chính đáng. Không thể để tình trạng giải ngân thấp lặp đi lặp lại hết năm này đến năm khác mà không có giải pháp khắc phục.

Cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn

Công khai các dự án chậm giải ngân

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, nếu không có lý do gì chính đáng, tất cả dự án vướng giải phóng mặt bằng thì đề nghị dừng chuyển vốn sang dự án khác có khối lượng hoàn thành. Không thể để tình trạng ai cũng muốn làm chủ đầu tư, nhưng thanh quyết toán, giải quyết nợ đọng là tránh né tiếp tục xảy ra nữa. Các cơ quan quản lý xem xét lại các công trình đã hoàn thành nhưng không quyết toán vì lý do gì? Tất cả dự án này phải được đưa công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang website của các cơ quan quản lý. Thường xuyên kiểm tra rà soát tiến độ thực hiện dự án, tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch kịp thời, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2018 đối với công trình đã hoàn thành quyết toán, công trình chuyển tiếp đã có khối lượng trước ngày 30.5.2018 và 80% vốn đối với các dự án khởi công mới trước ngày 30.10.2018. “Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật, cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.

Viện dẫn nhiều lý do về tình trạng giải ngân chậm sau 4 tháng qua, nhưng tất cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án có mặt tại cuộc họp sáng 15.5 đều cam kết sẽ giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2018 và vốn 2017 kéo dài vào cuối năm 2018. Ông Trần Đình Quang - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, một trong những chủ đầu tư có khá nhiều dự án không giải ngân được đồng nào cho hay, hiện Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai có đến 10 dự án giải ngân dưới 30% và 8 dự án chưa giải ngân đồng vốn nào. Nguyên nhân vì mới được giao vốn ngày 7.5.2018. Đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại chỉ mới giải ngân 60 tỷ đồng, còn nợ nhà thầu đến 170 tỷ đồng. Khu nghĩa trang vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình, khu tái định cư Nồi Rang đang kiểm kê xác nhận, giải quyết vướng mắc từ phía các hộ dân, chuẩn bị trình phương án phê duyệt. Các dự án còn lại như đường trục chính, khu tái định cư Tam Quang hay dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà, đường trục chính nối đường 129 đến cầu Bình Dương… sẽ giải ngân hoàn tất ngay trong năm 2018. Ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông (chủ đầu tư dự án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam, đang có tỷ lệ giải ngân 0%, nói kế hoạch vốn cấp 4,4 tỷ đồng, sở đang làm thủ tục mua sắm trang thiết bị, sẽ sớm được giải ngân.

Không vướng mặt bằng, không gặp khó khăn về cơ chế…, nhưng có chủ đầu tư quyết định không giải ngân khi nhà thầu không thực hiện đúng cam kết. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN (chủ dự án cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học - giai đoạn 2) nói đơn vị rất nóng ruột nhưng nhà thầu gặp khó khăn nên dự án không thể đẩy nhanh được. Dự án này đã được UBND tỉnh thống nhất gia hạn đến ngày 31.6.2018, nhưng sở chưa đồng ý giải ngân vì nhà thầu cứ hứa hẹn miết. Không thể để cho nhà thầu hẹn rày hẹn mai, lấy vốn ra nhưng không tiến hành thi công. Sẽ kiểm tra, nếu khả quan sẽ lập thủ tục giải ngân.

Chủ đầu tư, ban quản lý cam kết nhưng cơ quan quản lý không nghĩ vậy. Nếu nhìn vào con số 66/99 dự án hiện có tỷ lệ giải ngân 0% và nhiều dự án khác cũng đang ì ạch giải ngân thì cam kết này cũng chỉ là lý thuyết. Ông Phạm Tấn Minh – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, các chủ đầu tư, ban quản lý đều cam kết sẽ hoàn tất giải ngân, nhưng số vốn còn lại phải giải ngân rất lớn, khó có thể thực hiện được. Đó là hệ quả của việc sử dụng đồng vốn nhà nước không hiệu quả, lãng phí đầu tư công. “Các anh nói nhiều, nhưng có lẽ phải kiểm tra cụ thể. Không thể nói cam kết giải ngân vào cuối năm mà phải ấn định thời gian cụ thể. Nếu dự án gặp vướng giải phóng mặt bằng thì phải dừng lại, chuyển vốn sang dự án khác. Không thể để chôn vốn. Các chủ đầu tư, các ban quản lý hãy tự đề xuất đẩy nhanh tiến độ. Phải cảnh cáo chủ đầu tư khi không hoàn thành giải ngân. Cần thống kê có bao nhiêu dự án kế hoạch vốn 2017 chưa quyết toán. Không thể để chuyện có đến 90% khối lượng mà không chịu quyết toán công trình là vì sao, thật khó hiểu?” - ông Minh nói.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG