An toàn giao thông đường sắt: Lo đường ngang, lối tắt

CÔNG TÚ 15/05/2018 13:56

Thực trạng đường bộ băng qua đường sắt dẫn đến hàng loạt vị trí mất an toàn giao thông (ATGT) cho người và phương tiện lưu thông trên cả 2 loại đường trên địa bàn tỉnh cần sớm được chấn chỉnh.

Nhiều lối đi tự mở băng ngang đường sắt trên địa bàn tỉnh rất nguy hiểm. Ảnh: C.T
Nhiều lối đi tự mở băng ngang đường sắt trên địa bàn tỉnh rất nguy hiểm. Ảnh: C.T

Mất an toàn

Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành khảo sát hiện trạng đường bộ băng ngang qua đường sắt trên địa bàn tỉnh, thống kê từng vị trí giao cắt. Theo đó khảo sát 61 đường ngang hợp pháp và 76 đường dân sinh bất hợp pháp (lối đi tự mở) băng qua đường sắt, từ kết cấu mặt đường bộ, mặt lát, kết cấu đường sắt, ray, tà vẹt, phối kiện; biển báo trên đường bộ và biển kéo còi trên đường sắt; tầm nhìn đường bộ, tầm nhìn đường sắt; công tác tổ chức phòng vệ đường ngang, các thiết bị, dụng cụ phục vụ ATGT đường ngang… Ông Nguyễn Nam Thắng - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn của Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng (doanh nghiệp quản lý đường sắt) cho hay: “61 đường ngang vừa nêu thì 26 đường ngang phòng vệ có người gác; còn lại là 16 đường phòng vệ bằng biển báo và 19 đường ngang phòng vệ bằng cần chắn tự động. Qua khảo sát cho thấy, 23/26 vị trí chưa có vạch dừng và 24/26 đường ngang chưa có gờ giảm tốc; đồng thời tầm nhìn của người điều khiển phương tiện đường bộ tại 25 đường ngang đều vi phạm quy định”.

Theo ông Trương Khuê - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, đường ngang phòng vệ bằng biển báo và phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động tồn tại nhiều vấn đề. Đó là, 27/35 vị trí chưa có vạch dừng, 20/35 đường ngang chưa có gờ giảm tốc. Một số đường ngang có biển báo trên đường bộ cũ, sai quy chuẩn QCVN41/2016; đơn cử như tuyến ĐH1.ĐB ở Điện Bàn (lý trình đường sắt km808+370); đường ngang cần chắn tự động km873+451 (Núi Thành). Thuộc địa phận Thăng Bình, bề mặt đường ngang tuyến ĐH8.TB (lý trình km842+150) và tuyến ĐH13.TB (lý trình km847+084) bị hư hỏng. Nguy cơ gây mất ATGT tại những vị trí đường bộ cắt ngang đường sắt phải kể đến 76 lối đi tự mở. Đáng chú ý, dù đã đóng thu hẹp nhưng bề ngang đường dân sinh km848+380 (xã Bình Trung, Thăng Bình) còn rộng hơn 1,4m. Địa bàn xã Tam Nghĩa (Núi Thành) tồn tại 7 đường dân sinh đi qua đường sắt; trong đó lý trình km892+690 đến km892+990 có 10 lối băng ngang; xe cơ giới qua lại đường dân sinh km893+710 (vào Trung đoàn 733 - thuộc Sư đoàn 315, Quân khu 5) đe dọa đến an toàn chạy tàu. Tại một số đường dân sinh xã Duy Sơn (Duy Xuyên), xã Tam Xuân 2, thị trấn Núi Thành, xã Tam Nghĩa (Núi Thành), doanh nghiệp quản lý đường sắt đã phối hợp đóng thu hẹp nhiều lần. Vậy nhưng, người dân “âm thầm” tháo dỡ để cho xe, kể cả ô tô băng qua rất nguy hiểm.

Cần sớm vào cuộc

Trước thực trạng trên, theo lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban ATGT tỉnh cần tiếp tục phối hợp với ngành đường sắt và các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân hiểu rõ và chấp hành Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường bộ. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức bổ sung biển báo hiệu trên đường bộ, kẻ vạch dừng, gờ giảm tốc trên đường bộ dẫn vào đường ngang còn thiếu. Các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, rà soát toàn bộ các lối đi tự mở, thống nhất phương án làm đường gom để xóa bỏ hoặc tổ chức cảnh giới những vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn. Ngoài phối hợp với Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đóng thu hẹp các lối đi tự mở có ô tô qua lại, phát cây che khuất tầm nhìn, địa phương đề xuất danh sách nhân viên chốt gác để đơn vị quản lý đường tổ chức tập huấn nghiệp vụ. Vì có ô tô quân sự lưu thông đường dân sinh giao cắt với đường sắt lý trình km893+710, đoàn kiểm tra kiến nghị UBND tỉnh nêu ý kiến với Trung đoàn 733 làm thủ tục đề nghị thành lập đường ngang hoặc tổ chức chốt gác để đảm bảo ATGT.

Theo ông Trương Khuê, trước tình trạng 16 đường ngang còn phòng vệ bằng biển báo “sở hữu” nguy cơ xảy ra tai nạn không thấp là mấy so với lối đi tự mở, đoàn kiểm tra đề nghị ngành đường sắt nâng mức độ cảnh báo lên cần chắn tự động hoặc có người gác. Còn ông Nguyễn Nam Thắng cho hay, Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã kiến nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nâng cấp 16 đường ngang thành cảnh báo tự động có cần chắn tự động trong năm nay. Trong khi đó, vừa qua, Ban ATGT tỉnh hỗ trợ huyện Núi Thành 200 triệu đồng để xây dựng đường gom km892+250 đến km892+405 (xã Tam Nghĩa) để xóa bỏ 7 lối đi tự mở qua đường sắt, cùng với đó là đường gom lý trình km872+180 và km872+280 (xã Tam Xuân 2). Doanh nghiệp quản lý đường sắt cũng kiến nghị huyện Núi Thành, 2 xã Tam Xuân 2 và Tam Nghĩa giải tỏa hàng rào tái lấn chiếm tầm nhìn đường ngang không gác km870+190 và km896+238…

Tháng 3 vừa qua, Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã có văn bản gửi Ban ATGT tỉnh về việc một số hộ dân trên địa bàn thị trấn Núi Thành (Núi Thành) đổ đất, xây nhà trong phạm vi bảo vệ và hành lang ATGT đường sắt, vi phạm điều 27 của Luật Đường sắt. Cụ thể hộ ông Điệp (hiệu buôn Phước Hải) ở khối phố 4 xây tường nhà với chiều dài vi phạm 5,8m. Chung khối phố 4, hộ ông  Huỳnh Ngọc Can xây dựng móng nhà với chiều dài vi phạm 3m. Đơn vị đã báo cáo chính quyền địa phương đề nghị có biện pháp giải quyết nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục xây dựng.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ