Sửa đổi chính sách đầu tư xây dựng

TRỊNH DŨNG 23/04/2018 08:47

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói việc sửa đổi thể chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng; quản lý đầu tư công chặt chẽ, chống thất thoát, tham nhũng, chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân là yêu cầu bắt buộc của bộ máy nhà nước. Đây cũng là những nội dung chính tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng vừa được tổ chức.

Trong quy trình về đầu tư, xây dựng đều gặp những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Ảnh: T.DŨNG
Trong quy trình về đầu tư, xây dựng đều gặp những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Ảnh: T.DŨNG

Băn khoăn trước một “rừng thủ tục”

Bộ Xây dựng công bố các hoạt động đầu tư xây dựng đang chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật. Giữa “một rừng thủ tục, văn bản” này đã khiến những khó khăn, vướng mắc có mặt ở tất cả giai đoạn của một chu trình đầu tư xây dựng. Từ chủ trương, nhu cầu vốn, chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cho đến kết thúc đầu tư xây dựng dự án, đưa vào vận hành khai thác, sử dụng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết bộ này đã đề xuất tháo gỡ những vướng mắc nhưng không thể xóa hết những khó khăn của quá trình đầu tư xây dựng bởi hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, chịu sự điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau. Khó khăn vướng mắc liên quan đến thể chế, quy định pháp luật. Ông Hà đưa ra vài ví dụ cụ thể như quy định về vốn giữa các luật chưa thống nhất, gây khó khăn cho người thực hiện. Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm. Quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương cho cơ quan cấp dưới không phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài do đơn giá chưa theo cơ chế thị trường.

Tình trạng chồng chéo trong các văn bản pháp luật hiện nay là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư xây dựng. Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết hiệu quả đầu tư thấp, thể hiện chỉ số ICOR  (Incremental Capital – Output Ratio) còn rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Tình trạng lãng phí, thất thoát còn rất lớn, nhiều cơ chế chính sách chưa phù hợp tập trung vào quyền lực nhà nước, chưa phát huy được hết sức mạnh của xã hội, của thị trường. Thủ tục hành chính còn rườm rà, sách nhiễu gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh… Hiện tất cả tỉnh, thành phố đều có quy hoạch chung được duyệt. Tuy nhiên, việc lập và duyệt quy hoạch chi tiết hết sức chậm chạp, dẫn đến cơ chế xin - cho trong lập dự án và cấp phép xây dựng.

Bà  Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam cho biết cơ chế chính sách quản lý hợp đồng xây dựng vẫn chưa thống nhất, chưa đầy đủ. Sự chưa thống nhất giữa các văn bản quy định pháp luật giữa các bộ quản lý nhà nước về xây dựng, về đấu thầu trong đầu tư xây dựng không những tạo không ít khó khăn vướng mắc cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp mà khó khăn cho cả các cơ quan quản lý liên quan: kiểm toán, thanh tra... Dưới một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng với cơ chế hiện tại, các nhà thầu xây dựng Việt Nam phải vật lộn với muôn vàn khó khăn khi cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài khi nhà nước vẫn chưa có bất cứ chính sách gì bảo hộ quyền lợi cho các nhà thầu trong nước. Bất cứ lĩnh vực nào, nhà thầu cũng phải dùng ngân hàng bảo lãnh cho trách nhiệm nếu để xảy ra bất kỳ trục trặc nào (bảo lãnh dự thầu, thắng thầu phải nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng, bảo hành nhưng chủ đầu tư thì tuyệt nhiên không có bảo lãnh gì cho nhà thầu, kể cả trường hợp thiếu hụt vốn thanh toán).

Tháo gỡ vướng mắc

Hội nghị thừa nhận tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức nặng nề, thiếu công khai, minh bạch... đang là vấn nạn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Tính phức tạp và khó kiểm soát diễn ra từ quy hoạch, chủ trương đầu tư, nghiên cứu dự án, quyết định phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu... đều có hình bóng của tiêu cực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói tỉnh thành nào có nhiều công trình được khởi công, hoàn thành thì tỉnh đó mới phát triển, đất nước mới phát triển. Nếu tổng mức đầu tư toàn xã hội chiếm đến 32% GDP mà không thúc đẩy khâu này thì sẽ gặp khó khăn, đất nước không phát triển. Nhưng hiện kỷ luật hành chính lỏng lẻo, không thực hiện đúng chức năng thẩm định, đùn đẩy, tránh né trách nhiệm, người dân, doanh nghiệp vướng mắc không được bộ, ngành, địa phương tháo gỡ, hướng dẫn thực hiện. Thậm chí, còn tình trạng “ngâm” hồ sơ rất lâu, nhất là đối với dự án đô thị, dự án xây dựng, dự án bất động sản… Các bộ, ngành, địa phương phải dẹp bỏ ngay tình trạng “quân xanh, quân đỏ” hay “có ba trăm lạng việc này mới xong”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không còn cách nào khác là phải tháo gỡ thể chế pháp luật, nhất là những thủ tục rườm rà, thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng. Kiên quyết loại bỏ hoặc lồng ghép các điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hệ thống định mức, giá xây dựng… để tăng cường quản lý đầu tư xây dựng. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ những vướng mắc của các hiệp hội, chủ đầu tư, các doanh nghiệp để có văn bản chỉ đạo cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết. “Phải tăng cường đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc vì nhiều vấn đề không thể tháo gỡ ngay được. Các thể chế pháp luật thuộc thẩm quyền Quốc hội thì các bộ, ngành nghiên cứu, sớm trình Quốc hội. Các nghị định, thông tư, những quy định do Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành cần sửa ngay, để tạo điều kiện cho phát triển. Nhất là sửa tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của tất cả cán bộ, công chức. Ai ngâm lâu hồ sơ, đúng quy chế kỷ luật thì phải xử lý” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG