Leo thang giá đất vùng đông
Thị trường đất ven biển từ Duy Xuyên đến Tam Kỳ chưa bao giờ sôi động như mấy tháng gần đây. Từ khu vực hoang hóa, chậm phát triển, hiện nhiều thửa đất ven biển có giá cao ngất ngưởng và được nhiều người lùng sục tìm mua.
Đất ở làng quê ven biển thôn 6 (Bình Dương) sốt giá từ ngày dự án Vinpearl khởi công xây dựng. |
Nhấp nhổm với giá đất
Trong vai của một “đại gia” mua đất, chúng tôi bắt chuyện với một “cò” buôn đất có tên là Tám, ở Thăng Bình. Ông Tám nêu hàng loạt tên tuổi của người có nhu cầu bán đất vườn, đất trồng cây lâu năm ở thôn 6 (xã Bình Dương). Dẫn chúng tôi ra khu đất rộng 1.000m2 nằm sát đường bê tông, cách biển chừng 700m, nhưng lại gần đường chính về trung tâm xã, ông Tám hô giá: “Chủ đất nói 2,5 triệu đồng/m2, nhưng anh chị có thể trả giá thấp hơn”. Tuy vậy, sau một lát, ông Tám thông tin qua điện thoại “chủ chốt hạ giá 2,2 triệu đồng/m2”. Theo ông Tám, đây là giá đất thấp nhất đến thời điểm này ở xã Bình Dương. Giá đất cao chủ yếu ở những thửa nằm gần biển, càng gần biển (tính khoảng cách từ mép nước đến vị trí lô đất) thì giá trị càng cao.
Nhiều thửa đất của người dân nằm phía sau sân bay dã chiến sát biển (thuộc thôn 6, xã Bình Dương) đã chuyển nhượng cho các chủ nhân người Hà Nội. Như ông L. vừa bán đất hơn 3,3 tỷ đồng, bà K. vừa bán cả đất lẫn nhà được gần 2 tỷ đồng. Hiện người Hà Nội, Đà Nẵng cũng đổ xô vào đây sinh hoạt, xây nhà ở kiên cố trên thửa đất vừa sang nhượng lại. Năm ngoái, bà Nguyễn Thị H. (thôn 6, xã Bình Dương) bán 4.000m2 đất với giá 8 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Hải, thôn 6 (Bình Dương) tiết lộ, tại địa bàn có hàng chục hộ dân chuyển nhượng đất đai cho đối tượng ngoài địa bàn tỉnh. Vì đất đang được đẩy giá lên đến đỉnh điểm nên người dân sẵn sàng bán toàn bộ nhà cửa, vườn tược cho người mua ngoài tỉnh, chủ yếu có hộ khẩu tại Hà Nội. Xen lẫn khu dân cư của người dân địa phương là nhà cửa, đất đai của người dân tứ xứ mọc lên. Ngày nào cũng có người đến đây mua đất. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đặng Văn Hùng cho biết, từ ngày dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Vinpearl đầu tư xây dựng tại 2 xã Bình Dương và Bình Minh (Thăng Bình), đất ở, đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm chạy dọc ven biển trở thành “đất vàng”. Đất được quy hoạch trong các khu tái định cư cũng tăng lên gấp 7 - 8 lần, 2 năm trước chỉ khoảng 150 triệu đồng/lô thì nay tăng gần 1 tỷ đồng.
Còn ở xã biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), làn sóng đổ xô mua đất kéo dài hai năm nay. Khu vực đất đai “sốt” giá không chỉ xung quanh quảng trường biển (thuộc thôn Hạ Thanh) mà kéo dài lên địa điểm làng bích họa thuộc thôn Trung Thanh. Ông Phan Hồng Thanh (người dân thôn Trung Thanh) cho hay, hầu như ngày nào cũng có người đến đặt vấn đề mua lô đất hơn 150m2 của gia đình ông với giá 3,5 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, giá đất cao kéo theo hệ lụy tranh chấp dân sự phức tạp. Nhiều diện tích đất của người dân trước đây được cấp “bìa đỏ” nhưng bỏ hoang, bị người khác lấn chiếm, sử dụng, khi đất lên “cơn sốt” thì xảy ra khiếu nại. “Tại địa bàn, giá đất đắt đỏ chưa từng thấy, thông thường giao dịch khoảng 10 triệu đồng/m2; cá biệt có vị trí lên đến 20 triệu đồng/m2. Đối tượng mua bán qua công chứng tư, nhưng chính quyền vẫn có thể nắm được thực tế mua bán, chuyển nhượng nhà đất tại địa phương” - ông Bình khẳng định.
Thận trọng khi giao dịch nhà đất
Tại thị xã Điện Bàn, ven sông Cổ Cò có nhiều dự án đang được xây dựng như FPT City, Coco Riverside City, Green City... Nhiều nhà đầu tư đã mở bán nền đất đô thị và hầu hết đều không có tình trạng ứ đọng mỗi lần giới thiệu rao bán. Tuy nhiên, đất nơi đây khá bình ổn giá, có tăng nhưng tăng nhẹ, chứ không cao gấp 5 - 10 lần như giá đất ven biển. Tại xã biển Tam Thanh, giá đất “sốt thật” chứ không còn ảo là do TP.Tam Kỳ định hướng quy hoạch phát triển đô thị về hướng đông, trong đó khu vực ven biển được đầu tư phát triển du lịch, các cơ sở hạ tầng kết nối vùng đông, hạ tầng phát triển du lịch dịch vụ đầu tư được xây dựng khá đồng bộ. Thêm vào đó là sức hút của làng bích họa, con đường thuyền thúng... Thực tế, Tam Thanh đã hoàn toàn thay da đổi thịt từ ngày nơi đây phát triển du lịch cộng đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại làng bích họa thôn Trung Thanh, nhiều ngôi nhà dạng du lịch homestay được xây dựng xen lẫn trong khu dân cư. Đối tượng người Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An đến mua đất ngoài “xí phần” ở những mặt tiền đẹp còn bỏ tiền ra xây nhà ở với mục đích phát triển du lịch cộng đồng nơi đây.
Tại xã Bình Dương, một số ngôi nhà mọc lên sát rạt với biển, cách mép nước biển chưa đến 100m, không phù hợp với quy định về xây dựng. Việc trao đổi mua bán đất ở đây theo kiểu thuận mua vừa bán, chủ yếu qua hình thức chuyển nhượng trao tay. Đến Văn phòng Đăng ký đất đai của TP.Tam Kỳ, huyện Thăng Bình, chúng tôi nắm thông tin việc chuyển nhượng đất đai vùng ven biển qua sang tên đổi chủ với số lượng hạn chế. Ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, tất cả giao dịch mua bán đất đai vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền. Thực tế, việc chuyển nhượng chỉ bằng giấy viết tay là chính và chưa được làm thủ tục theo nguyên tắc của pháp luật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện giới cò đất có mạng lưới rải khắp vùng đông. Chỉ cần có khách lạ đến là các đối tượng này tiếp cận, làm tư vấn viên miễn phí. Một vài cá nhân ở địa phương đã bỏ tiền ra “đặt cọc” mua đất của người dân để chờ phân phối lại khi có giá cao. Một nhà đầu tư dự án bất động sản khu vực An Hà - Quảng Phú đang hoàn tất các thủ tục hồ sơ pháp lý để cuối năm 2018 khai thác hàng trăm lô đất nền tại phường An Phú (TP.Tam Kỳ). Tuy nhiên, theo nhà đầu tư này, giá dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt chỉ 4 triệu đồng/m2. Nếu Nhà nước duyệt với giá trên, thì rõ ràng có khoảng cách trời vực về giá giữa khu vực đất ở đô thị với vùng ven biển. Và như vậy, nếu mua đất ven biển với giá “trên trời” như hiện nay, người mua sẽ phải chịu rủi ro rất cao nếu bị vướng quy hoạch. Vì vậy người dân cần cân nhắc kỹ khi mua đất nền, tránh chạy theo tâm lý đám đông để mua đất với giá cao.
TRẦN HỮU