Doanh nghiệp có tận thu đá trái phép?
Ngọn núi Dàng (xã Phú Thọ, Quế Sơn) cao chót vót, sau 3 năm cấp phép khai thác cho Công ty CP Đầu tư - xây dựng và thương mại Thanh Hòa Việt Nam đã gần “trở về mặt đất”. Sườn đồi bị xẻ nham nhở, nhiều vị trí hạ độ cao bằng với địa hình chung quanh. Mặc dù doanh nghiệp chỉ được phép tận thu đất phục vụ cho mục đích san lấp mặt bằng, nhưng tại công trường cho thấy một khối lượng lớn đá đang bị tận thu, chế biến. Thực trạng này vừa được người dân phản ánh qua đường dây nóng của Báo Quảng Nam và cho rằng chính quyền địa phương và ngành chức năng cần vào cuộc kiểm tra để làm rõ.
Hiện trường khai thác, chế biến đá ở núi Dàng, xã Phú Thọ.Ảnh: TRẦN HỮU |
Ngổn ngang công trường chế biến đá
Ngày 29.9.2015, UBND tỉnh có quyết định thống nhất, cho phép Công ty CP Đầu tư - xây dựng và thương mại Thanh Hòa Việt Nam được khai thác đất phục vụ san lấp mặt bằng xây dựng, địa điểm tại khu vực núi Dàng (thuộc thôn Phước Chánh và Phước Phú Đông, xã Phú Thọ), với diện tích hơn 10ha. Theo nội dung giấy phép, trữ lượng khai thác 1.025.116m3, với công suất 262.000m3/năm, thời hạn khai thác đến hết tháng 2.2020. Theo Phòng Khoáng sản (Sở TN-MT), trước đây công ty có gặp trở ngại một thời gian do một số người dân phản ứng, mắc phải sai phạm bị chính quyền huyện Quế Sơn tạm đình chỉ hoạt động.
Có mặt tại hiện trường vào sáng 16.4, chúng tôi nhận thấy khu vực núi Dàng như đại công trường với nhiều xe múc, xe ủi đào bới lấy đất; các xe tải lớn nhỏ nối đuôi vận chuyển khoáng sản ra vào. Một nửa quả đồi bị xẻ tan hoang. Trên con đường mở tạm từ thôn Phước Phú Đông vào khu vực mỏ đang hoạt động (thôn Phước Chánh), nhìn xuống có nhiều điểm bị lấy đất, đá với độ sâu cả chục mét. Những nơi đã hạ độ cao bằng với địa hình xung quanh thì tập kết đất đỏ, đất đen nhiều loại. Điều đáng nói, tại công trường có khoảng 10 lều bạt dựng tạm để khai thác, chẻ đá thành viên, lát. Đá chồng đá, cả đá lộ thiên lẫn đá nằm chình ình trong lòng đất do xe múc vừa mới thi công. Nhiều vị trí mỏ chỉ thấy toàn đá, ở đó công nhân đang hì hục đục đẽo. Theo người dân địa phương, không những san đồi phá núi, làm biến dạng địa hình tự nhiên, trong quá trình khai thác, vận chuyển, công ty để bụi bay mịt mù, chở quá trọng tải ảnh hưởng đường dân sinh.
Sẽ lập đoàn kiểm tra
Ông Nguyễn Trường Sang - Chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết, thời điểm này, trên địa bàn chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Trong đó, hiện chỉ còn 1 doanh nghiệp còn giấy phép hoạt động đến năm 2021 là Công ty CP Thiên An Khương. Việc tài nguyên đá từ núi Dàng có bị khai thác ra ngoài hay không thì địa phương chưa nắm rõ. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Bi - Trưởng phòng TN&MT huyện Quế Sơn cho biết, Công ty CP Đầu tư - xây dựng và thương mại Thanh Hòa Việt Nam bị tạm đình chỉ trong vòng 3 tháng (ngày 5.7.2017 đến hết 5.10.2017) để hoàn thành các nghĩa vụ, hồ sơ thủ tục có liên quan. Nội dung đình chỉ do chưa hoàn thành xong nghĩa vụ đóng ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương (doanh nghiệp cam kết nhưng chưa thực hiện); chưa nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường; chưa hoàn thành việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đến tháng 11.2017, nghĩa là sau 3 tháng tạm dừng hoạt động, công ty mở mỏ trở lại. Còn doanh nghiệp có tận thu đá ngoài nội dung ghi trong giấy phép hay không, theo ông Bi, cơ quan giám sát trực tiếp là UBND xã Phú Thọ nhưng đến nay chưa nghe báo cáo. “Vì sao Sở TN-MT không cắt cử cán bộ đến hiện trường kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, do lực lượng cán bộ quá mỏng, nhưng trong tuần tới sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ có hay không tài nguyên đá bị thất thoát ra bên ngoài. Phòng TN-MT huyện Quế Sơn cũng cho biết, trong tuần tới sẽ kiểm tra tất cả mỏ khoáng sản trên địa bàn, trong đó có Công ty CP Đầu tư - xây dựng và thương mại Thanh Hòa Việt Nam.
Theo quy định của Luật Khoáng sản, trong quá trình lấy đất san lấp mặt bằng (ghi trong giấy phép khai thác) mà phát hiện ra khoáng sản đá, hay bất kỳ khoáng sản nào khác, doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp trên, Công ty CP Đầu tư - xây dựng và thương mại Thanh Hòa Việt Nam tận thu hay chế biến đá thì phải lập thủ tục xin giấy phép khai thác bổ sung. Nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận phê duyệt thì doanh nghiệp mới có tư cách pháp nhân khai thác. Tuy nhiên, Sở TN-MT và Phòng TN-MT huyện Quế Sơn khẳng định, đến thời điểm này, 2 cơ quan trên vẫn chưa nhận được báo cáo hay các thủ tục pháp lý liên quan về khai thác đá của doanh nghiệp.
TRẦN HỮU