Sớm gỡ vướng cho cao tốc
Muốn thông xe kỹ thuật toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào cuối tháng 6 năm nay, việc tháo gỡ ách tắc còn lại liên quan đến mặt bằng của dự án cần phải khẩn trương triển khai thực hiện.
Người dân kéo hàng rào dây thép gai để phản đối. Ảnh: C.TÚ |
Đủ kiểu vướng
Làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đính chính thông tin của một bài báo viết về dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có nguy cơ “vỡ trận” vì mặt bằng (khó thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6.2018 - PV), trong đó nhấn mạnh đoạn tuyến từ Tam Kỳ - Núi Thành là chưa thỏa đáng. Bởi vì, Quảng Nam đã nỗ lực hoàn thành căn bản giải phóng mặt bằng (GPMB) trên chiều dài 91,2km qua địa phận của mình (toàn tuyến qua Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi dài 139,204km). Vướng mắc về công địa xây dựng thuộc tuyến chính không còn; ách tắc chủ yếu thuộc đường gom, đường ngang, trạm dịch vụ mà cọc mốc GPMB mới bàn giao sau này. Trong đó, một số điểm trên tuyến chính bị người dân cản trở thi công dù họ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, lập kế hoạch và sẽ bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế. Thống kê của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư dự án) cho thấy, trên tuyến chính qua địa bàn xã Tam Đại (huyện Phú Ninh) có 5 hộ; xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) có 3 hộ; xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành) có 1 hộ cản trở không cho nhà thầu triển khai nhiệm vụ.
Được biết, trên tuyến đường gom, đường ngang, trạm dịch vụ hiện còn nhiều vị trí vướng mắc GPMB. Trong đó, huyện Phú Ninh còn 3 hộ tại đường ngang cầu FO06 (nút giao đường Trường Xuân - Phú Ninh với đường cao tốc); 3 hộ tại nút giao mở rộng quốc lộ 40B lên đường cao tốc. TP.Tam Kỳ tồn tại 3 trường hợp thuộc đường ngang FO06 và 3 hộ khác nằm ở phạm vi xây dựng Trạm dịch vụ Tam Kỳ. Với huyện Núi Thành, địa phương này còn ách tắc 2 vị trí đường gom tại km70+757 và đầu cống chui km73+336; đoạn qua xã Tam Xuân 2 vướng 11 đường điện dân sinh cắt ngang qua đường cao tốc. Tìm hiểu thực tế, PV. Báo Quảng Nam được biết 5 hộ qua xã Tam Đại cản trở không cho nhà thầu thi công là Nguyễn Diệu, Nguyễn Thị Thâm, Võ Thắng, Võ Đáo và Võ Hoàng với lý do việc phát sinh nhân khẩu sau thời điểm kiểm kê và có quyết định thu hồi đất nhưng không được hưởng các chế độ chính sách bồi thường. Các hộ Nguyễn Diệu và Nguyễn Thị Thâm còn đề nghị xử lý nguồn nước sạch sinh hoạt. Hành động trên khiến khâu xây dựng khớp nối giữa cuối đoạn tuyến thuộc nguồn vốn JICA (km65+000) đã khai thác tạm với đầu tuyến của nguồn vốn WB không thể thực hiện. Lý trình km68+400 (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ), hộ Đoàn Văn Lâm dù đã nhận tiền bồi thường nhưng thường xuyên chặn xe máy công trường vì cho rằng chưa giải quyết đủ diện tích.
Khẩn trương tháo gỡ
Thông tin mới nhất vào cuối tuần qua của Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam), các hộ Trần Hòa và Phạm Minh ở xã Tam Ngọc thuộc vị trí tuyến chính không còn cản trở thi công. Vẫn thuộc tuyến chính đoạn qua xã Tam Xuân 1, hộ Nguyễn Văn Thạch cũng đã để nhà thầu tiến hành công việc của mình. Tuy nhiên, 5 trường hợp ở xã Tam Đại và hộ Đoàn Văn Lâm (xã Tam Ngọc) tiếp tục ngăn cản bằng cách đặt chướng ngại vật tại công địa. “UBND huyện Phú Ninh có nhiều văn bản chỉ đạo xã Tam Đại phối hợp cùng các cơ quan của huyện và nhà thầu để giải quyết nhưng vẫn ách tắc. Theo đó kiến nghị UBND tỉnh sớm có hướng giải quyết để tháo gỡ” - một cán bộ chuyên trách thuộc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nói. Những vị trí chưa khai phóng thuộc đường ngang, đường gom hay trạm dịch vụ, đại diện chủ đầu tư kiến nghị chính quyền các địa phương giải quyết triệt để. Cũng theo vị cán bộ trên, huyện Núi Thành cần có biện pháp thích hợp trước thực trạng người dân xã Tam Anh Bắc thỉnh thoảng lên công địa dự án để “kiếm chuyện”, điển hình là ngày 12.3 vừa qua với mười mấy hộ.
Nhằm khơi thông ách tắc còn lại, UBND tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố gồm Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành chủ trì, cùng trung tâm phát triển quỹ đất, các phòng chức năng của huyện, UBND các xã liên quan và chủ đầu tư kiểm tra lại. Đồng thời lập kế hoạch, phân công trách nhiệm, thời gian giải quyết từng vị trí còn tồn tại, vướng mắc. Trước ngày 26.3, báo cáo kế hoạch thực hiện cho UBND tỉnh và tập trung tổ chức triển khai, bàn giao dứt điểm mặt bằng trước ngày 15.4. Trường hợp hồ sơ, thủ tục đảm bảo đúng quy định, chính quyền và các đoàn thể đã vận động, giải thích mà các hộ vẫn không bàn giao, cản trở thi công thì các địa phương tổ chức lực lượng bảo vệ hoặc ban hành quyết định cưỡng chế. Thanh tra tỉnh, Sở TN-MT và thanh tra các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại đơn thư kiến nghị, khiếu nại của công dân liên quan đến công tác bồi thường, GPMB dự án còn tồn đọng, khẩn trương tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời; phối hợp với địa phương vận động, yêu cầu chấp hành. UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các địa phương liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình an ninh trật tự để xử lý kịp thời, hỗ trợ địa phương bảo vệ hoặc tham gia thực hiện cưỡng chế. Chủ đầu tư chỉ đạo, yêu cầu các nhà thầu bố trí đầy đủ máy móc thiết bị, vật tư, nhân lực để thi công ngay các vị trí được bàn giao mặt bằng.
CÔNG TÚ