Khởi công dự án nút giao thông ở Chu Lai: Kết nối hạ tầng giao thông phía nam
Theo kế hoạch, ngày 17.8.2018, dự án nút giao vòng xuyến 2 tầng giữa quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam với đường trục chính từ cảng Chu Lai đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ đưa vào sử dụng. Dự án do Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) tài trợ, mở đầu cho sự kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ khu vực phía nam Quảng Nam.
Tin liên quan
|
Khởi công nút giao thông.Ảnh: T.D |
Sáng 10.3.2018, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương cùng nhiều quan chức bộ, ngành trung ương, địa phương bấm nút khởi công dự án nút giao vòng xuyến 2 tầng giữa quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam với đường trục chính từ cảng Chu Lai đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo thông báo của chủ đầu tư kiêm nhà tài trợ Thaco, ngày 17.8.2018, nút giao thông này sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Doanh nghiệp đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết giờ cao điểm khu vực này thường bị ách tắc giao thông. Chính phủ đã quyết định bố trí 200 tỷ đồng đầu tư cầu vượt trực thông tại vị trí giao giữa quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam với đường trục chính nối cảng Chu Lai đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nhưng kinh phí này chỉ đủ đầu tư xây dựng 1 cầu vượt, 2 cầu nhánh và đường dẫn chuyển làn. Không thể đáp ứng được nhu cầu giao thông theo sự phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai và kết nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Chính quyền quyết định Nhà nước sẽ cùng doanh nghiệp đầu tư, nhưng doanh nghiệp tự nguyện đảm nhận thực hiện bằng chính nguồn vốn 600 tỷ đồng của mình và đóng góp cho Quảng Nam.
Ngay thời điểm khởi công, bên ngoài Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, nơi giao lộ cảng Tam Hiệp - đường vào khu công nghiệp và quốc lộ 1, một đoàn tàu vừa đi qua. Nhiều chuyến xe hàng, xe tải, xe máy… từ hai đầu quốc lộ 1 chờ đợi phiên mình lưu thông. Không ít người hy vọng cảnh ùn tắc giao thông khu vực này chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ được “giải tỏa”, song cũng có người băn khoăn rằng liệu một công trình lớn, quan trọng lại chỉ tốn 600 tỷ đồng, hoàn thành sau 5 tháng thi công và doanh nghiệp sẽ được lợi gì khi tài trợ một dự án giao thông - vốn thuộc về trách nhiệm của Nhà nước?
Trong bài phát biểu khởi công, Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương nói ông rất hiểu nhu cầu cấp thiết, tầm quan trọng của dự án và lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Thaco đã đề xuất và Chính phủ, Bộ GT-VT chấp nhận cho doanh nghiệp đầu tư nâng quy mô cầu vượt thành nút giao vòng xuyến 2 tầng. Thaco sử dụng nhân sự quản lý từ Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh - công ty thành viên trực thuộc Thaco, một đơn vị chuyên ngành trong đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Đây là nhà đầu tư đã thực hiện các công trình trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Hồ Chí Minh). Hợp đồng xây dựng đã ký với liên doanh nhà thầu Công ty CP Đạt Phương - Công ty CP Xây dựng công trình 510 và đơn vị tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5. Theo ông Dương, các nhà thầu trên đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác thi công cầu đường, đặc biệt đã và đang thực hiện các dự án cầu đường lớn tại Quảng Nam và thi công nhiều dự án có quy mô chức năng tương tự ở Việt Nam.
Động lực cho địa phương
Ông Trần Bá Dương cam kết sẽ bố trí đủ nguồn vốn để bảo đảm tiến độ thi công và cùng với các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, giám sát, nỗ lực hết mình để hoàn thành dự án với chất lượng tốt nhất và đưa vào khai thác sử dụng trước ngày 17.8.2018. “Dự án này sẽ góp phần cải thiện, tăng cường phát triển giao thông trên quốc lộ 1 nói chung và Khu kinh tế mở Chu Lai nói riêng, nhất là đáp ứng nhu cầu lưu thông, tăng cường an toàn giao thông cho dân cư khu vực, trong đó có cán bộ, nhân viên Thaco” - ông Dương nói.
Phối cảnh nút giao vòng xuyến 2 tầng ở Chu Lai. |
Ngân sách khó vốn. Không đủ để có thể đầu tư một công trình lớn mang tính kiểm soát, kết nối giao thông, chưa thể đáp ứng nhu cầu của địa phương. Đó là chuyện thường thấy ở các công trình đầu tư công lâu nay. Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho hay hiện tai nạn giao thông đang là vấn đề được quan tâm. Ngân sách không đủ để giải quyết hết các yêu cầu của địa phương. Thaco vì yêu cầu chung với trách nhiệm xã hội lớn lao của một biểu tượng quốc gia, một thương hiệu mạnh đã quyết định đầu tư xây dựng nút giao thông chống ùn tắc giao thông là “nghĩa cử” đầy tính nhân văn.
Không chỉ là nút giao thông, công trình này còn là biểu tượng của địa phương, tạo thành điểm nhấn cảng đô thị công nghiệp. Ông Thế nói, từ dự án này, Bộ GT-VT đã quyết tâm đến ngày 30.6.2018 sẽ thông cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Chính phủ, Bộ GT-VT giao Quảng Nam nghiên cứu khu vực cảng Kỳ Hà, đây không chỉ là cảng hàng hóa mà còn là một cảng đón tàu khách du lịch. Cục Hàng không sẽ nghiên cứu chi tiết cảng hàng không Chu Lai. Sẽ biến khu vực này trở thành trung tâm phát triển công nghiệp phụ trợ, kinh doanh phi thuế quan. Chính điều này sẽ tạo động lực cho Chu Lai và cả Quảng Nam. Các bộ, ngành trung ương và địa phương sẽ phối hợp để có một quy hoạch tốt nhất phát triển cảng hàng không Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế. Không chỉ vậy, ngân sách nhà nước sẽ bố trí vốn xây dựng 8 chiếc cầu vượt lên vùng phía tây để kết nối giao thông, không còn bị ách tắc trong mùa mưa lũ. Kết nối hạ tầng đồng bộ từ cảng biển, hàng không đến cao tốc…
Núi Thành nhờ vào sự phát triển của Thaco và nhiều dự án trong Khu kinh tế mở Chu Lai đã có ngân sách “rủng rẻng”, thậm chí năm 2015 - 2016 còn thừa đến 400 tỷ đồng, đang đứng trước vận hội lớn để nhanh chóng trở thành một đô thị động lực phía nam Quảng Nam. Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành nói khu vực này đã thực sự thay đổi và cơ hội phát triển đang trong tầm tay. Chu Lai đã đặt nền móng cho địa phương phát triển, trở thành một huyện thuộc loại năng động nhất Quảng Nam, dọn đường cho các dự án động lực đầu tư vào Núi Thành ngày càng nhiều hơn.
TRỊNH DŨNG