Xóa "điểm đen" trên tỉnh lộ 609: Vẫn ách tắc mặt bằng
Mục tiêu xóa xong “điểm đen” trên tỉnh lộ ĐT609, đoạn qua xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) trước Tết Nguyên đán 2018 có nguy cơ bất thành bởi ách tắc về mặt bằng thi công.
Tin liên quan
|
Do vướng mặt bằng, đoạn nắn tuyến mới thi công xong mương thoát nước được bên phải tuyến. Ảnh: CÔNG TÚ |
Tiếp tục hư hỏng
Như Báo Quảng Nam đã thông tin, ngày 28.7.2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT609 gồm 2 phân đoạn km17+610,84 - km19+952,26, km37+000 - km46+250. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Vì khó khăn về nguồn vốn ban đầu nên lý trình km17+610,84 - km19+952,26 qua xã Đại Nghĩa bị hư hỏng nặng hơn được triển khai thi công trước.
Đoạn lý trình km17+610,84 - km19+952,26 có mặt cắt ngang rộng 12,8m (gồm mương thoát nước dọc mỗi bên rộng 0,9m); mặt cắt ngang đoạn lý trình km37+000 - km46+250 rộng 7,5m. Hai vị trí vuốt nối tại ngã ba Ái Nghĩa và cống Bà Dân triển khai đúng quy mô cắt ngang hiện trạng là 9,5m (mỗi bên 1m lề bố trí mương chịu lực). Riêng đoạn lý trình km37+000 - km46+250 có điểm đầu tại ngã ba Hà Tân (xã Đại Lãnh) và điểm cuối thuộc địa phận xã Đại Hưng sẽ khớp nối với dự án đường An Điềm - Kà Dăng - A Sờ. Tổng dự toán công trình gần 118,6 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 96,9 tỷ đồng. |
Trước đó, đầu tháng 7.2017, chủ đầu tư, các cấp, các ban ngành liên quan của huyện Đại Lộc và xã Đại Nghĩa đã tổ chức họp, đối thoại với nhân dân bị ảnh hưởng để vận động chấp thuận bàn giao mặt bằng thi công, chi phí bồi thường, hỗ trợ sẽ nhận sau để công trình hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018. Tại buổi đối thoại, hầu hết ý kiến của nhân dân đều đồng tình với chủ trương trên bởi đoạn tuyến qua địa phương chằng chịt “ổ gà”, “ổ voi”, “sống trâu” là “điểm đen” về tai nạn giao thông. Chủ đầu tư khẳng định, bao giờ huyện Đại Lộc phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ thì sẽ chi trả ngay. Đến ngày 27.9, chủ đầu tư chính thức ký hợp đồng thi công công trình (cả 2 phân đoạn) cùng nhà thầu là Công ty TNHH MTV Duy Dũng.
Triển khai từ ngày 3.10.2017, tiến độ thực hiện của nhà thầu gặp trở ngại do mặt bằng ách tắc tại nhiều vị trí. Nguyên nhân là có một số hộ dân đòi bồi thường, hỗ trợ để làm lại vật kiến trúc và nhà cửa phải đập bỏ, di dời. Trở lại công trường tuần qua, phóng viên Báo Quảng Nam nhận thấy nhiều đoạn thi công dang dở mương thoát nước; một số vị trí không thể triển khai được hạng mục này. Ở đoạn phải nắn tuyến, nhà thầu thực hiện mương thoát nước bên phải tuyến ra khoảng 1/3 chiều rộng mặt đường. Tuy nhiên, bên trái tuyến chưa có mặt bằng phải đành để đó chờ khai thông. Thực trạng trên khiến nền đường cũ vốn dĩ đã hẹp, nay còn hẹp hơn; bề mặt sụt lún, hư hỏng khiến lưu thông ùn ứ cục bộ vào giờ cao điểm. Nhà thầu thường xuyên đổ đá cấp phối để đảm bảo giao thông tạm thời, nhưng trời mưa kéo dài lại gặp xe tải trọng lớn đi qua nên “ổ gà”, “ổ voi” trở thành vũng sâu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cũng vì vướng mặt bằng, nền đường nhựa một số nơi bị nát trước đây chưa được kiên cố hóa khiến đất bùn trồi lên, vương vãi lung tung, môi trường bị ô nhiễm, cảnh quan nhếch nhác.
Chờ mặt bằng
Kỹ sư Nguyễn Minh Đức - Chỉ huy trưởng công trường Công ty TNHH MTV Duy Dũng cho biết, cuối tháng 12.2017, mới đạt giá trị xây lắp 16/30 tỷ đồng cho phân đoạn qua xã Đại Nghĩa. “Nhiều chỗ chưa có mặt bằng nên chúng tôi không thể thi công. Nếu cứ đà này, mục tiêu hoàn thành cơ bản đoạn tuyến qua xã Đại Nghĩa trước Tết Nguyên đán 2018 sẽ không khả thi” - kỹ sư Nguyễn Minh Đức nói.
Theo đại diện nhà thầu, thôn Đại Phú còn 15 hộ dân bên trái tuyến chưa đồng thuận bàn giao, thôn Phiếm Ái 2 tồn tại 9 hộ nằm bên phải tuyến. Trong khi đó, mặt bằng ảnh hưởng đến các hộ nằm ven chợ Hòa Mỹ (thôn Hòa Mỹ) có chiều dài khoảng 250m chưa được khơi thông. Những hộ bị vướng mặt bằng chủ yếu liên quan đến tường rào, cổng ngõ, nhà cửa phải đập bỏ và làm lại. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban dân chính thôn Đại Phú - ông Huỳnh Ngọc Dũng khẳng định, người dân trong thôn chấp nhận giá cả đã áp và cũng không gay gắt lắm việc phải nhận tiền bồi thường, hỗ trợ ngay; nhưng cái cần là ai chịu trách nhiệm đứng ra ký cam kết sau này thanh toán và thời hạn cuối thanh toán. “Chúng tôi mong muốn công trình làm xuyên suốt, không bị gián đoạn gây mất mỹ quan, an toàn giao thông. Xã nên mời bà con họp lại để tiếp tục vận động” - ông Huỳnh Ngọc Dũng kiến nghị.
Theo ông Lê Ba - Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Đại Lộc (đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng), người dân yêu cầu cung cấp bảng áp giá để nắm bắt được danh mục bị ảnh hưởng, giá trị được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ngay sau đó, chi nhánh đã cung cấp và có đóng dấu đỏ; phần việc trích lục hồ sơ đất đai cũng đã hoàn thiện. Đơn vị chờ UBND xã Đại Nghĩa trình thông báo thu hồi đất cho Phòng TN-MT thì mới trình phương án bồi thường, hỗ trợ được. Từ đây, Phòng TN-MT thẩm định, tham mưu UBND huyện Đại Lộc ban hành quyết định liên quan.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - ông Đoàn Ngọc Quang cho rằng, việc cam kết ai trả tiền, bao giờ trả đều thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh). Huyện đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc và Phòng TN-MT sẽ sớm tham mưu văn bản thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ thì sẽ xem xét, phê duyệt ngay để trình chủ đầu tư cấp kinh phí chi trả cho người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh - ông Đặng Bá Dự cho biết, ngay từ buổi họp đầu tháng 7.2017, chủ đầu tư đã thông báo sẽ chuyển kinh phí cho Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Đại Lộc tiến hành chi trả khi nào nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ từ phía UBND huyện.
CÔNG TÚ