Chấn chỉnh hoạt động xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My: Bãi bỏ chuyện khoán xe
Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) vừa có cuộc họp khẩn với Ban giám đốc cùng xã viên Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp (VT&KDTH) TP.Tam Kỳ liên quan đến việc chấn chỉnh hoạt động xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Bắc Trà My.
Đến 31.3.2018 sẽ bãi bỏ khoán xe buýt tuyến Tam Kỳ - Bắc Trà My. Ảnh: CÔNG TÚ |
Chưa tuân thủ quy định
Ngày 25.4.2014, Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ khai trương tuyến xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My và ngược lại. Hoạt động của tuyến đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong tỉnh nói chung, hành khách các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My nói riêng; góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Xã viên Trương Văn Hậu cho hay, tiện ích của xe buýt tuyến này là có gắn wifi, nước uống, khăn lạnh, điều hòa nhiệt độ… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vào giờ cao điểm xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My thường xảy ra tình trạng nhồi nhét khách do sự thiếu linh hoạt trong quản lý, điều tiết của người quản lý xe cộng với sự ham lợi của xã viên - đồng thời là chủ xe. Qua kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tuyến buýt này, Sở GTVT cho biết Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ chưa chấp hành các văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước. Chẳng hạn, đơn vị không thực hiện phương án bố trí phương tiện khai thác tuyến được ngành chức năng thống nhất; không tuân thủ đúng một số văn bản, quy định; thực hiện không đầy đủ các tiêu chí chất lượng dịch vụ vận tải đã đăng ký với cơ quan quản lý tuyến. Theo Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh, những hành vi nêu trên là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ các quy định của Nhà nước, ngành chức năng đã nhiều lần chỉ đạo Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ chuẩn bị các điều kiện, tiến tới ký hợp đồng đặt hàng từ Sở GTVT để quy xe buýt về một mối, “khai tử” chuyện khoán xe. Vậy nhưng, đơn vị vẫn cứ chần chừ xin gia hạn.
Điều 31, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7.11.2014 của Bộ GTVT quy định: Sở GTVT tổ chức thực hiện việc đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt theo quy định của pháp luật về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô loại hình vận tải bằng xe buýt được đăng ký tham gia đấu thầu hoặc được đặt hàng khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt. Sở GTVT địa phương ký hợp đồng khai thác tuyến với doanh nghiệp, hợp tác xã trúng thầu hoặc được đặt hàng. Trong hợp đồng phải thể hiện rõ phương án khai thác tuyến bao gồm: tên tuyến, số hiệu tuyến, nhãn hiệu xe, sức chứa của xe, giá vé, biểu đồ chạy xe trên tuyến, thời hạn hợp đồng. Sở GTVT quyết định điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ biểu đồ chạy xe trên tuyến xe buýt nội tỉnh; doanh nghiệp, hợp tác xã điều chỉnh phương án khai thác tuyến tương ứng với biểu đồ mới điều chỉnh… |
Trước những vấn đề trên, tối 12.12, Giám đốc Sở GTVT đã họp khẩn với Ban giám đốc, xã viên Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ có kinh doanh xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My nhằm giải quyết rốt ráo mọi chuyện. Tại đây, ông Lê Văn Sinh nêu lại yêu cầu, sự cần thiết Sở GTVT phải ký hợp đồng đặt hàng khai thác tuyến xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My. Hợp đồng này thay thế nội dung chấp thuận tuyến của các văn bản được ký trước đây. Theo đó, đơn vị không được khoán xe; tài xế và nhân viên phục vụ sẽ được ký hợp đồng lao động, trả lương hàng tháng, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng 2 xe trên cùng một tuyến, cùng một đơn vị tranh giành một hành khách; chuyện bỏ phiên, bỏ chuyến vào giờ thấp điểm sẽ không còn...
Bỏ khoán xe; ký hợp đồng
Tại cuộc họp, ông Lê Văn Sinh cho biết, với việc hoạt động không tuân thủ quy định đã đủ để ban hành quyết định thu hồi tuyến xe buýt này. Tuy nhiên, ngành chức năng cho thêm thời gian vì liên quan đến kế sinh nhai của xã viên. “Cuộc họp hôm nay sẽ chốt lại vấn đề. Chúng tôi đưa ra 3 phương án để lựa chọn. Phương án 1: hợp tác xã khẳng định đảm bảo năng lực thì ký hợp đồng với Sở GTVT, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Phương án 2: các anh chị có quyền thành lập doanh nghiệp, chọn một người đủ sức cáng đáng để làm người đứng đầu. Phương án 3: đơn vị, xã viên tìm một doanh nghiệp nào đó để gửi xe vào, nhưng phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với Sở GTVT. Nếu không thực hiện một trong 3 phương án trên, chúng tôi sẽ thu hồi tuyến và đem ra đấu giá tuyến để chọn nhà cung cấp dịch vụ chất lượng cao, phục vụ nhân dân tốt hơn” - ông Lê Văn Sinh gợi mở. Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Võ Quang Lâm khẳng định, xe buýt sẽ hoạt động ổn định khi chỉ có một đơn vị quản lý và không thực hiện khoán xe. Bởi như vậy, xe xuất bến trước nếu không đón được khách thì đã có xe sau, chứ không chạy rề rà chờ khách.
Thay mặt lãnh đạo đơn vị và xã viên, ông Hồ Tấn Ba - Giám đốc Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ nhận khuyết điểm trước lãnh đạo ngành về những sai phạm trong hoạt động khai thác tuyến Tam Kỳ - Bắc Trà My vừa qua. Đồng thời bản thân ông chọn thực hiện theo phương án 1 và đề nghị xã viên đoàn kết thống nhất, hợp tác chân thành. Nhiều xã viên cũng đã đồng tình chọn “phương án 1”. Kết luận cuộc họp, Giám đốc Sở GTVT yêu cầu Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ từ nay đến 31.12.2017 phải hoàn thiện mọi khâu để ký hợp đồng đặt hàng. Riêng về tiêu chí không khoán xe, ngày 31.3.2018 là thời hạn cuối phải thực hiện. Các mốc thời gian nêu trên đã được xã viên Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ thống nhất và quyết tâm thực hiện.
CÔNG TÚ