Hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị
Những công trình hạ tầng kỹ thuật hàng chục tỷ đồng, nhất là hệ thống giao thông đã và đang được đầu tư góp phần hoàn thiện, kết nối không gian thị xã Điện Bàn, tạo thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Mở rộng đường trục chính từ QL1 vào trung tâm nội thị Vĩnh Điện sắp hoàn thành. Ảnh: C.T |
Kết nối tứ phương
Sau khi đưa vào khai thác, tuyến đường huyện (ĐH) là ĐH8.ĐB kết nối vùng đông với vùng tây của thị xã Điện Bàn thông qua 2 trục dọc gồm tỉnh lộ (ĐT) 607 và quốc lộ (QL) 1 đã giải quyết nhiều vấn đề về dân sinh. Tình trạng ách tắc giao thông ở những nút giao thông đi xuống vùng cát, hoặc lên trung tâm thị lỵ cũng như các xã nằm trên QL1 vào giờ cao điểm không còn diễn ra. Đúng như Phó Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Đạt kỳ vọng, ĐH8.ĐB trở thành tuyến quan trọng cho việc bố trí sắp xếp lại dân cư trong khu vực, hình thành các điểm, khu dân cư theo quy hoạch. Dọc hai bên công trình xây dựng có chiều dài 3,3 cây số với tổng mức đầu tư 154 tỷ đồng, nhà cửa mọc lên san sát ở nhiều vị trí lùi sau mặt cắt ngang rộng 12m, giá đất lên cao hơn. Có thể khẳng định, mục tiêu tạo ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân và từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, kết nối hành lang đông - tây theo quy hoạch chung đô thị được phê duyệt đã thành hiện thực. Động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị, mạng lưới đô thị vệ tinh, lấy hạt nhân phát triển là các khu - cụm công nghiệp, khu đô thị; kích thích sự phát triển cho toàn vùng cũng không còn là điều xa vời.
Nếu chú trọng nâng tầm hệ thống đường ĐH, trong lúc hạ tầng vào đô thị trung tâm vẫn chưa “thay áo mới” sẽ tạo áp lực phương tiện ngược lại, gây mất an toàn giao thông. QL1 cũ, đoạn qua cửa ngõ phía bắc nội thị Vĩnh Điện là một minh chứng. Nhiều người ví rằng, đoạn tuyến dài 1,39 cây số kia chẳng khác gì là “đường gom” phương tiện từ phía bắc vào, phía nam ra, phía tây ĐT609 và trung tâm hành chính phường Điện An xuống, vùng đông lên... Trước thực tế trên, tháng 9.2016, công trình nâng cấp, mở rộng đường trục chính qua trung tâm thị xã Điện Bàn (đoạn từ ngã ba đường tránh Điện An đến cầu Vĩnh Điện) được triển khai thi công với kinh phí hơn 114,4 tỷ đồng. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn (đại diện chủ đầu tư) - ông Nguyễn Hữu Trung cho biết, sở dĩ kinh phí cao như vậy vì mặt cắt ngang rộng 29m, cấp đường phố chính thứ yếu; đặc biệt trong đó vốn giải phóng mặt bằng chiếm hết 40,295 tỷ đồng. Cuối tháng 10.2017, kinh phí giải phóng mặt bằng (thị xã tự lo) đã lên tới 72 tỷ đồng, do dự án ảnh hưởng khu dân cư đông đúc cần khơi thông. Đại diện chủ đầu tư cũng cho hay, nếu thời tiết thuận lợi, công trình sẽ về đích trước Tết Nguyên đán 2018, vượt tiến độ 2 - 3 tháng.
Nới rộng liên vùng
Ở phía đông, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT607 giai đoạn 4 do Sở GTVT làm chủ đầu tư sẽ tiếp tục tạo diện mạo mới cho các phường vùng cát. Ngược lên phía tây, tuyến ĐT609 qua địa phận Điện Bàn (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư) cũng đang thi công. Để liên thông với tuyến ĐT609, chính quyền Điện Bàn đã, đang triển khai nhiều công trình. Dự án xây dựng đường ĐH14.ĐB là ví dụ điển hình. Công trình dài 1,92km có điểm đầu từ đường Hoàng Diệu nối dài, vượt sông Vĩnh Điện và điểm cuối kết nối vào tuyến ĐT609 tại tháp Bằng An. Theo ông Nguyễn Hữu Trung, dự kiến đầu tư khoảng 205 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 95 tỷ đồng làm cầu qua sông Vĩnh Điện. Song, nhận thấy số vốn còn lại ngân sách thị xã kham không xuể, địa phương được chấp thuận đưa 1,41km đầu tuyến vào dự án khai thác quỹ đất. Đoạn dài hơn 517m gồm cầu và đường dẫn sẽ thực hiện theo Luật Đầu tư công nên kinh phí rút xuống khoảng 146 tỷ đồng. Vừa qua, công trình chính thức được khởi công, tiến độ 15 tháng. Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tương lai không xa, tuyến ĐH14.ĐB sẽ là tuyến ĐT608 nối dài, liên hoàn từ Hội An lên tuyến ĐT609. Như thế, không gian đô thị ngày càng rộng mở; cầu Vĩnh Điện hiện tại sẽ được san sẻ bớt lưu lượng phương tiện.
Tháng 9 năm ngoái, dự án nâng cấp ĐH6.ĐB (giai đoạn 1) tiếp tục được động thổ, kết nối tuyến ĐT609 xuyên qua phường Điện An và xã Điện Thắng Nam (cuối tuyến nằm phía nam cầu Hạc). Công trình có tổng mức đầu tư hơn 47,3 tỷ đồng giúp cho việc di chuyển từ trung tâm thị xã về các địa phương ngập lụt nằm phía tây QL1 thuận lợi. Cũng trên tuyến ĐH6.ĐB, một đoạn tuyến nối tiếp giai đoạn 1, tiếp giáp tuyến ĐH5.ĐB - trục đường vào Cụm công nghiệp Trảng Nhật. Giai đoạn 2 (nguồn vốn hơn 12,4 tỷ đồng) triển khai từ tháng 10.2017, dự kiến sau 5 tháng sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Như vậy, 2 dự án trên cùng trục tuyến sẽ góp phần quan trọng trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra, nhất là khâu sơ tán người, vận chuyển tài sản vùng trũng sang nơi cao ráo. Năm 2018, địa phương sẽ làm tiếp giai đoạn 3, bắt đầu từ điểm giao ĐH5.ĐB kéo ra giáp tuyến ĐH1.ĐB. Theo đó, Điện Hòa, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện An sẽ xích lại gần với phường Vĩnh Điện hơn. Rõ ràng, đây là sự đầu tư mang tính chiến lược, dù phải thực hiện từng bước một bởi thị xã còn “liệu cơm gắp mắm”.
CÔNG TÚ