Vận tải khách bằng phương tiện thủy nội địa: Còn nhiều hạn chế

CÔNG TÚ 13/11/2017 13:50

Hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế, nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).

Phương tiện hoạt động vận tải khách trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Ảnh: C.T
Phương tiện hoạt động vận tải khách trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Ảnh: C.T

Bất cập

Vừa qua, cơ quan chức năng tiến hành thanh tra 38 địa chỉ về hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng phương tiện thủy nội địa của 37 doanh nghiệp, hợp tác xã đóng ở Hội An và 1 đơn vị có trụ sở thuộc thôn Trung Đàn, xã Tam Đại, Phú Ninh (Công ty CP Đầu tư du lịch Hùng Cường). Trong đó, 34 đơn vị kinh doanh theo tuyến cố định Cửa Đại - Cù Lao Chàm, phương tiện chở trên 12 đến 50 người, còn lại vận tải hành khách theo hợp đồng. “Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, nhiều nơi chỉ có 2 - 3 ca nô, thậm chí có 4 đơn vị chỉ một phương tiện hoạt động. Một số nơi, giám đốc vừa điều hành cũng là người điều khiển kiêm nhân viên phục vụ” - Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Trương Văn Sơn, Trưởng đoàn thanh tra cho biết. Vậy nên, khi kiểm tra nguồn nhân lực, đoàn phát hiện hầu hết đơn vị bố trí đội ngũ thuyền viên trên mỗi phương tiện không đủ số lượng theo quy định. Một thanh tra viên giải thích, họ chỉ bố trí chức danh thuyền trưởng, còn chức danh máy trưởng, thủy thủ độc lập không ai đảm nhận. Cá biệt thuyền trưởng của một số đơn vị “kiêm” luôn máy trưởng, thủy thủ độc lập. Vẫn liên quan đến công tác quản lý, sổ nhật trình phương tiện tuy có lập, song sai mẫu quy định, nội dung ghi chép sơ sài, chủ yếu mang tính đối phó. Trong khi đó, người điều hành vận tải mà Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch Phong Cảnh Phương, Công ty TNHH Hưng Thái, Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bãi Chồng và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch vận tải Dũng Hiếu bố trí chưa đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Đoàn thanh tra cũng xác nhận, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định trên sông nước còn nhiều tồn tại, hạn chế rất đáng lo. Cụ thể, 34 đơn vị chưa lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS đối với ca nô hoạt động từ bờ ra đảo. Hệ thống tín hiệu như đèn mạn, còi điện tuy có trang bị nhưng chất lượng tín hiệu kém, hoặc không phát huy tác dụng do âm thanh nhỏ, ánh sáng tín hiệu mờ. “Trang bị chạy tàu trên ca nô cao tốc cũng chưa đảm bảo, chẳng hạn như thiếu thước đo độ sâu, ống nhòm…” - một thành viên đoàn cho hay. Đề cập về khâu quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT và phân công người điều hành vận tải, 4 doanh nghiệp gồm Công ty CP Thương mại dịch vụ du lịch Thịnh Khoa, Công ty TNHH Hưng Thái, Công ty CP Du lịch và thương mại Cù Lao Xanh, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Đảo Chàm để “trống” bộ phận này. Trong những đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, Công ty TNHH Jack Trần tour và Công ty CP Đầu tư du lịch Hùng Cường chưa thành lập bộ phận quản lý, theo dõi ATGT; đồng thời nhân viên phục vụ trên phương tiện không được tập huấn nghiệp vụ.

Tìm giải pháp

Để dần tháo gỡ, xử lý tồn tại, hạn chế trên, Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Võ Quang Lâm cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị lãnh đạo ngành chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) hướng dẫn cụ thể các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện thủy nội địa về lập, ghi chép sổ nhật trình phương tiện, sổ danh bạ thuyền viên; nội dung theo dõi về ATGT, lưu trữ hồ sơ và các quy định khác”. Định kỳ, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cần rà soát, bổ sung thông tin cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách đường thủy nội địa với từng loại hình cụ thể (địa chỉ;  số lượng, chủng loại, thông số phương tiện; thuyền viên…) để xây dựng dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, nhất là cấp phép hoạt động. Sở GTVT cũng cần tổ chức phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, quy hoạch tuyến GTVT đường thủy nội địa, trước mắt là tuyến vận tải hành khách và giúp doanh nghiệp nắm bắt cụ thể để đưa ra kế hoạch đầu tư, mở rộng phát triển. Theo kiến nghị từ nhiều chủ đơn vị kinh doanh, ngành chức năng cần sớm chỉ đạo phòng nghiệp vụ chuyên môn hướng dẫn, thông báo cấp đăng kiểm tối thiểu, vùng hoạt động để tránh trường hợp mua sắm phương tiện chưa phù hợp gây thiệt hại cho họ.

Bàn luận tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, về mặt quản lý nhà nước được Bộ GTVT xếp vào tuyến đường thủy nội địa quốc gia (chiều dài 17km, cấp kỹ thuật tuyến: cấp I), tuy nhiên phương tiện hoạt động trên tuyến này là vùng biển. Do đó, Thanh tra Sở GTVT đã kiến nghị ngành chức năng phối hợp xem xét và kiến nghị thống nhất, khuyến cáo các đơn vị kinh doanh trang bị, chuyển đổi phương tiện ở cấp đăng kiểm cao hơn, theo đúng quy định hiện hành. Để hoạt động kinh doanh đường thủy nội địa đi vào khuôn khổ và đảm bảo ATGT, những người có trách nhiệm cho rằng, Bộ GTVT cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện những nội dung trong Nghị định số 110/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa. Đồng thời công bố vùng hoạt động, hướng dẫn xác định cấp đăng kiểm đối với phương tiện hoạt động trên tuyến thủy nội địa ở vùng biển, chẳng hạn như Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Thời gian tới, Bộ GTVT cũng cần tham mưu, sửa đổi bổ sung Nghị định số 110/2014/NĐ-CP theo hướng quy định phương tiện vận tải hành khách từ bờ ra đảo phải lắp đặt thiết bị AIS đối với các hình thức kinh doanh vận tải. Cùng với đó, bộ ngành tiếp tục tham mưu, bổ sung vào Nghị định số 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng xử lý lỗi vi phạm về phương tiện vận tải hành khách từ bờ ra đảo không lắp thiết bị AIS đối với tất cả hình thức kinh doanh vận tải.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ