Phập phồng theo bánh tàu lăn - Bài cuối: Tìm lối đi an toàn

CÔNG TÚ 10/11/2017 12:58

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, địa phương liên quan là những giải pháp chủ yếu được đề xuất nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường sắt trong thời gian tới.

Tin liên quan

  • Phập phồng theo bánh tàu lăn - Bài 1: Báo động mất an toàn
  • Phập phồng theo bánh tàu lăn - Bài 2: "Điểm nóng" Núi Thành
Nhiều biển báo bị hư hỏng cần phải được ngành đường sắt thay thế. Ảnh: C.T
Nhiều biển báo bị hư hỏng cần phải được ngành đường sắt thay thế. Ảnh: C.T

Nâng cao nhận thức

ATGT đường sắt bị đe dọa do nhiều nguyên nhân, song cốt yếu là sự đầu tư còn hạn chế của ngành đường sắt cùng lỗ hổng về trách nhiệm kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương. “Đặc biệt, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận nhân dân còn thấp. Vì lẽ đó, Ban ATGT các địa phương có đường sắt đi qua phải chủ trì, đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền quy định của Luật Đường sắt và Luật Giao thông đường bộ, cách thức phòng tránh tai nạn tại đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật qua hệ thống loa phát thanh; quán triệt tại buổi họp thôn, xóm, khối phố, khu dân cư, ký cam kết đảm bảo trật tự ATGT đường sắt” - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lê Văn Sinh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh đề nghị. Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - an toàn, Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng (đơn vị quản lý đường sắt), ông Nguyễn Nam Thắng cho rằng, công tác tuyên truyền, hướng dẫn quy tắc lưu thông phải được quan tâm thực hiện rộng rãi đến tất cả địa phương, tránh khu biệt nơi địa bàn có đường sắt đi qua. “Tôi nói ra điều này bởi thực tế xảy ra một số vụ tai nạn mà người dân ở khu vực khác tới do không am hiểu biển báo hiệu, thiết bị cảnh báo, đặc biệt là quy tắc an toàn trước khi qua đường sắt đã trở thành nạn nhân” - ông Thắng cảnh báo.

Như đã phản ánh, có nhiều vụ việc vi phạm hành lang ATGT đường sắt mà người dân biện minh do chưa nắm bắt được quy định cụ thể. Để tránh trường hợp tương tự, các địa phương liên quan cần cử đầu mối đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là Luật Đường sắt số 35/2005/QH11 cũng như Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 (có hiệu lực thi hành ngày 1.7.2018) đến mọi tầng lớp nhân dân đồng thời vận động họ ký cam kết thực hiện, kịp thời phát hiện vi phạm, tham mưu xử lý nghiêm khắc. Nhằm quản lý, bảo vệ đường sắt được chặt chẽ hơn, chính quyền các địa phương cũng phải chủ động, tích cực phối hợp các đơn vị công bố công khai chỉ giới bảo vệ hành lang ATGT đường sắt cho nhân dân được biết và thực hiện. Riêng đối với huyện Núi Thành, địa phương cần bố trí quỹ đất ở tái định cư cho người dân, điển hình là khu vực bị kẹp giữa quốc lộ 1 và đường sắt. Bởi vì, nhiều trường hợp có “sổ đỏ” chứng minh quyền sử dụng đất nhưng người dân không thể xây dựng, hoặc bị hạn chế xây dựng trong lúc đang vô cùng bức xúc về nhà ở, địa điểm mưu sinh.

Theo ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, các lái tàu cũng cần tăng cường kéo còi cảnh báo, không được chủ quan với nhận thức đường sắt được quyền ưu tiên để kịp thời khi phát hiện và xử lý tình huống. Tại đường ngang phức tạp về ATGT, ngành đường sắt cần bổ sung gác chắn, bố trí người cảnh giới thay vì chỉ có đèn cảnh báo. Xí nghiệp Thông tin tín hiệu Quảng Nam Đà Nẵng phải tăng cường kiểm tra thiết bị trên các tuyến đường sắt, đặc biệt lưu ý hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động tại đường ngang, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động tốt. Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh - Thượng tá Lê Đình Xê thì đề nghị đơn vị quản lý đường sắt kiểm tra, sửa chữa, thay thế hệ thống biển báo hiệu đường sắt trên tuyến để hướng dẫn người dân đi lại an toàn.

Làm rõ trách nhiệm

Những điển hình tiêu biểu
Thời gian qua, Chi đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã cắm lại 11 biển báo trên đường bộ giao nhau với đường sắt để người tham gia giao thông dễ dàng quan sát. Đoàn viên thanh niên còn phát quang bụi rậm, cây cối gây khuất tầm nhìn khu vực đường bộ giao với đường sắt. Ở các địa phương có tuyến đường sắt, nhiều trường học hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào “Em yêu đường sắt quê em”. Thông qua đó, giáo viên và học sinh nắm được cơ bản một số kiến thức liên quan mà Luật Đường sắt quy định, cách nhận diện các biển báo. Đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ đường sắt, góp phần điều chỉnh hành vi của phụ huynh các em. Hay như hộ ông Trương Văn Hường trú tại tổ 6, thôn Hòa Vân (xã Tam Nghĩa), thuộc lý trình km896+250 nằm phía tây đường sắt tâm sự, dù cây cối trồng trên phần đất có “sổ đỏ” của gia đình nhưng vẫn tự động chặt phá để khỏi hạn chế tầm nhìn của lái tàu, che khuất điểm giao nhau giữa đường ngang với đường sắt. Tất cả hoạt động này với mong muốn hạn chế thấp nhất yếu tố gây nguy hiểm trên những cung đường có tàu ngang qua.

“Quy chế phối hợp số 12/QCPH-BGTVT-UBND ngày 25.3.2013 giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt đã quy định trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã chưa thật sự quan tâm thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Một số nơi còn thờ ơ, né tránh và xem đó là nhiệm vụ của ngành đường sắt” - một cán bộ thuộc đơn vị quản lý đường sắt nói. Lấy ví dụ, các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ chưa tổ chức chốt gác tại 13 đường ngang dân sinh được nhận diện có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Việc đóng thu hẹp 8 đường ngang dân sinh qua địa bàn xã Duy Sơn (Duy Xuyên), xã Tam Xuân 2, thị trấn Núi Thành và xã Tam Nghĩa (Núi Thành) gặp rất nhiều khó khăn. Đóng xong rồi nhưng người dân cố tình phá bỏ, còn địa phương chưa có biện pháp nghiêm cấm hữu hiệu. Do đó, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng, khi nhận được báo cáo về tình trạng người vi phạm hành lang ATGT đường sắt, mở lối đi dân sinh trái phép, chính quyền cần có biện pháp can thiệp kịp thời, xử lý triệt để mang tính răn đe, ngăn ngừa trường hợp vi phạm tương tự, không để tình hình diễn tiến ngày càng phức tạp. Ngoài ra, lực lượng Công an tỉnh, công an nơi có đường sắt đi qua cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm tại đường ngang giao cắt với đường sắt, nhất là đường ngang không gác.

Có thể khẳng định, việc đóng hoặc thu hẹp đường ngang dân sinh đang là vấn đề nan giải. Nhiều trường hợp do lịch sử để lại, điển hình như tại km897+450 (thôn Hòa Vân, xã Tam Nghĩa, Núi Thành) phục vụ mấy chục hộ dân lưu thông, phía tây đường sắt là trường mẫu giáo, nhà văn hóa thôn… Nếu đóng hoặc thu hẹp, họ sẽ đi như thế nào, trường hợp bệnh nặng xe cấp cứu làm sao vào tới nơi được. Chính vì vậy, địa phương đã có kiến nghị xin lập đường ngang hợp pháp có chuông và cần chắn tự động rất hợp lý. Mới đây, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở GTVT và ngành đường sắt xây dựng lộ trình để từng bước xóa bỏ 76 lối đi dân sinh, kiên quyết không để phát sinh lối đi bất hợp pháp. Ban ATGT tỉnh đề nghị UBND huyện Núi Thành triển khai quy hoạch mang tính lâu dài nhằm giải tỏa mép phía đông đường sắt, chuyển đổi ngành nghề cho cư dân để từng bước xóa bỏ tình trạng mở lối đi trái phép qua lại buôn bán trên quốc lộ 1. Núi Thành cũng phải quan tâm bố trí kinh phí cho Ban ATGT huyện triển khai kế hoạch nâng cấp đường ngang thuộc trách nhiệm của mình.

Nhằm san sẻ khó khăn với địa phương, vừa qua, Ban ATGT tỉnh đã thống nhất hỗ trợ xã Tam Xuân 2 và xã Tam Nghĩa 200 triệu đồng (100 triệu đồng/xã), sau khi UBND huyện Núi Thành có văn bản đề xuất. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để làm đường gom km872+180 và km872+280 (lý trình đường sắt) tại thôn Bà Bầu của xã Tam Xuân 2; đường gom tại km892+250-km892+500 thuộc thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa để xóa dần một số lối đi dân sinh. Ngược lại, ngành đường sắt cũng phải thiết lập hàng rào cách ly, nằm giữa đường gom với đường sắt vừa nêu để phát huy hiệu quả cao hơn.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ