Phập phồng theo bánh tàu lăn - Bài 1: Báo động mất an toàn
Hành lang an toàn giao thông (ATGT) bị lấn chiếm, mở lối đi trái phép, thiếu cảnh báo hay phòng vệ, chậm làm đường gom... cùng ý thức tuân thủ pháp luật kém của người dân là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm.
Một vụ tai nạn nơi đường ngang giao với đường sắt tại Quế Sơn. Ảnh: C.T |
Theo thống kê, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh dài 91,55 cây số (km806+500-km898+050) nhưng có đến 72 lối đi bất hợp pháp, “phân bổ” từ Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình đến Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành. Phần lớn đều do người dân tự ý mở, có bề mặt gồ ghề, độ dốc lớn, tầm nhìn bị hạn chế và thiếu các thiết bị cảnh báo; nhiều lối đi tắt từ trong khu dân cư ra với phương tiện qua lại đông đúc.
Hiểm họa đường ngang
ĐH10.TB là tuyến huyện lộ quan trọng, kết nối từ quốc lộ 1 về các xã phía tây Thăng Bình. Đáng chú ý, trục huyết mạch này có đường sắt Bắc-Nam cắt ngang, lý trình km845+875 (lý trình đường sắt), thuộc địa bàn tổ 7, thôn Tú Trà của xã Bình Chánh. Do nút giao nhau với đường sắt chưa được cấp phép lập đường ngang hợp pháp, nhiều năm nay ĐH10.TB vẫn là đường dân sinh (đường ngang bất hợp pháp). Đến tháng 10.2014, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam có quyết định công nhận nhưng huyện không đủ kinh phí bố trí triển khai thực hiện. Chưa có gác chắn, thiếu hệ thống cảnh báo tự động và đèn tín hiệu, cộng với sự chủ quan của người dân, điểm giao nhau nêu trên trở thành “nút tử thần”. Năm 2016, Thăng Bình xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt làm chết 3 người, bị thương 1 người, gây hư hỏng 1 đầu máy, 1 ô tô con, 1 xe đạp, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 700 triệu đồng. “Trong đó, vụ va chạm rất nghiêm trọng giữa ô tô con và tàu hỏa vào lúc khoảng 13 giờ 5 phút ngày 19.1 khiến 2 người tử vong, làm bị thương 1 người khác. Đáng chú ý là cả 2 vụ đau lòng nêu trên đều xảy ra cùng lý trình km845+875” - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Thăng Bình - ông Phạm Phú Hòe kể lại.
Theo thống kê, toàn tỉnh chỉ có 61 đường ngang hợp pháp, bao gồm 26 đường có tổ chức gác, 16 đường cảnh báo bằng biển báo, 5 đường cảnh báo tự động, 14 đường có cần chắn tự động. Qua khảo sát, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh - Thượng tá Lê Đình Xê thông tin, nhiều đường ngang thiếu vạch dừng, gờ giảm tốc để quy định dừng xe nhường đường và cảnh báo cho phương tiện giao thông trên đường bộ. Một số biển báo hiệu cảnh báo nguy hiểm cắm trên đường bộ thì quá cũ kỹ, đã mờ mất chữ và bị che khuất. Có trường hợp, biển báo đặt quá gần đường sắt nên hiệu quả thấp. Cạnh đó, bề mặt đường bộ tại vị trí giao nhau với đường sắt hư hỏng, xuống cấp. Còn theo phản ánh của người dân, tại một số đường ngang lắp đặt cảnh báo tự động, hệ thống ấy hoạt động không ổn định, thường mất tín hiệu cảnh báo…
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê, đơn vị đã phối hợp Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng (đơn vị được giao quản lý đường sắt) thu hẹp làn xe tại 25 vị trí bằng cọc tiêu, chôn tà vẹt, xây hàng rào... nhằm cấm ô tô băng qua đường sắt; xóa bỏ 1 vị trí và thay mới, đặt tấm đan bê tông trong lòng đường sắt thuộc 7 đường ngang dân sinh. Thế nhưng ngay sau đó, người dân tự ý dỡ bỏ trước sự bất lực của chính quyền cơ sở. Sinh sống ven tuyến ĐH10.TB, cạnh lý trình km845+875, ông Nguyễn Viết Bình (trú tổ 7, thôn Tú Trà, xã Bình Chánh) từng đôi lần chứng kiến ngành đường sắt trồng trụ bê tông xi măng để thu hẹp, chỉ chừa đủ cho xe máy lưu thông. Chẳng mấy chốc, hiện trường không còn nguyên vẹn vì bị đối tượng giấu mặt… bứng gốc. Ông Bình nói: “Các trụ này mới được chôn lại, chứ vụ mùa vừa rồi bị nhổ để đưa máy gặt lúa vào cánh đồng gần đường sắt”.
Xâm phạm hành lang
“Để một đoàn tàu đang chạy với tốc độ 70 - 80km/giờ dừng lại hẳn, người lái cần phải hãm phanh cách đó 800 - 1.000m. Nếu bị che khuất tầm nhìn do cây cối hay công trình xây dựng trong hành lang an toàn thì khó phát hiện sớm chướng ngại vật trên đường ray, việc xử lý tình huống sẽ bị ảnh hưởng”. (Ông Nguyễn Đức Hoàng - nguyên Cung trưởng Cung đường Trị Bình (trực thuộc Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng) |
Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông chưa cao, cư dân địa phương tự ý mở đường ngang trái phép, đặc biệt là thực trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt làm gia tăng tai nạn. Thông tin từ Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, đến năm 2014, địa bàn Quảng Nam có tới 933 trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường sắt trên diện tích 64.788m2. Từ năm 2014 đến tháng 6.2017, toàn tỉnh tiếp tục xuất hiện 17 trường hợp xâm phạm trái phép khác chưa thể xử lý dứt điểm. Qua phản ánh của đơn vị quản lý đường sắt, hành lang ATGT đoạn khu vực Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn hay Thăng Bình, Phú Ninh bị xâm phạm chủ yếu do người dân trồng cây gây khuất tầm nhìn của lái tàu. Tại Núi Thành, tình hình càng phức tạp hơn khi trường hợp xây dựng tràn lan nhà cửa, vật kiến trúc trong hành lang ATGT đường sắt.
Về thực trạng này, Giám đốc Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình cho hay, hiện nay đơn vị chưa tổ chức cắm mốc chỉ giới theo quy định của Luật Đường sắt. Vì lẽ đó, mốc chỉ giới vẫn còn theo Nghị định số 39/CP, đã thực hiện từ năm 1998 và bàn giao cho địa phương quản lý. Khâu tiến hành cắm mốc mới sẽ thực hiện theo lộ trình của Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ. Còn theo ông Nguyễn Đức Hoàng - nguyên Cung trưởng Cung đường Trị Bình (trực thuộc Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng), đơn vị được giao đảm nhận quản lý đoạn km895+000-km898+200 qua địa bàn xã Tam Nghĩa (Núi Thành), nhiều vụ việc đã kịp thời báo cáo chính quyền nhưng người đứng đầu chỉ đạo giải quyết chưa triệt để, không có sức răn đe nên các hộ khác tiếp tục vi phạm. “Để một đoàn tàu đang chạy với tốc độ 70 - 80km/giờ dừng lại hẳn, người lái cần phải hãm phanh cách đó 800 - 1.000m. Nếu bị che khuất tầm nhìn do cây cối hay công trình xây dựng trong hành lang an toàn thì khó phát hiện sớm chướng ngại vật trên đường ray, việc xử lý tình huống sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, tốc độ chạy tàu đoạn từ Diêm Phổ, xã Tam Anh Nam vào Tam Nghĩa hiện tăng lên 100km/giờ do có sự đầu tư sửa chữa đường sắt” - ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết thêm.
Thời gian qua, TNGT đường sắt gây thiệt hại về người nghiêm trọng; trong đó phần lớn xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông cũng như xâm phạm hành lang từ cư dân xung quanh. Thế nhưng, việc phối hợp xử lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa hiệu quả, rốt ráo. Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ TNGT đường sắt làm chết 11 người và bị thương 4 người. So với năm 2015, số vụ tăng 9, tăng 10 người chết. Tính chưa hết 10 tháng đầu năm 2017, có 3 vụ TNGT đường sắt đã cướp đi sinh mạng của 3 người và khiến 1 người khác bị thương tật nặng. Trước khi có giải pháp căn cơ, về phía người dân phải nâng cao ý thức bảo vệ hành lang ATGT đường sắt cũng như chấp hành nghiêm luật an toàn giao thông để tự bảo vệ mình, tránh tình huống xấu xảy ra.
CÔNG TÚ
Bài 2: “Điểm nóng” Núi Thành