Mở rộng tỉnh lộ 607 (giai đoạn 4): Thi công "nhảy cóc" vì mặt bằng
Dù đã nỗ lực thi công dự án nâng cấp, mở rộng tuyến tỉnh lộ (ĐT) 607 (Đà Nẵng - Hội An), thuộc gói thầu giai đoạn 4 đoạn qua thị xã Điện Bàn, nhà thầu vẫn không thể đẩy nhanh tiến độ do vướng điểm nghẽn về mặt bằng.
Nhà thầu thi công hạng mục nền, thoát nước trên tuyến ĐT 607. Ảnh: C.T |
Nỗ lực thi công
Vào giờ cao điểm của mỗi sáng, tuyến ĐT607 “đón” gần 25 nghìn công nhân vào làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, hàng nghìn người tham gia lao động ở các cụm công nghiệp khác thuộc Điện Bàn và Hội An. Trục huyết mạch xuyên qua vùng đông, nằm ở cửa ngõ phía bắc Quảng Nam này gánh thêm hàng chục nghìn lượt người lưu thông từ Hội An, Điện Bàn ra TP.Đà Nẵng và ngược lại. Trên tuyến đường này còn có rất nhiều ô tô, nhất là container và xe tải lớn. Lưu lượng người và phương tiện đông đúc khiến ĐT607 chịu cảnh quá tải suốt thời gian dài. Trong bối cảnh khó về nguồn lực, tỉnh đã chọn giải pháp mở rộng từng đoạn, khớp nối giáp ranh Đà Nẵng trở vào nam do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Tính đến cuối năm 2016, tổng cộng 4 giai đoạn lần lượt được hiện thực hóa. Gói thầu đang thi công gần nhất thuộc giai đoạn 4, đoạn km14+565-km18+00 (từ nút giao tuyến ĐH8.ĐB đến ngã tư Thương Tín). Kỹ sư Nguyễn Chí Cường - cán bộ điều hành Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết, tổng mức đầu tư công trình là gần 268,3 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 118,65 tỷ đồng. Ngày 16.9.2016, hợp đồng thi công chính thức ký kết do liên danh Công ty CP Đầu tư và xây dựng Đại Hồng Phúc, Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An đảm nhiệm.
Theo kỹ sư Nguyễn Chí Cường, thời điểm này địa phương và Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn bàn giao 2,2/3,4km chiều dài mặt bằng, gồm 2 đoạn riêng biệt là km14+565-km15+480 thuộc phường Điện Nam Trung và km16+640-km17+959 qua phường Điện Nam Đông. Trong tháng 10 này, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Đại Hồng Phúc đang triển khai thi công trên thực địa thuộc 2 đoạn lý trình (đầu tuyến đến km14+963 và km15+700 đến cuối tuyến) mà nhà thầu phụ trách. Chỉ huy trưởng công trường của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Đại Hồng Phúc - kỹ sư Võ Như Quỳnh cho hay, đơn vị hiện thảm nhựa hoàn thành bê tông lớp 1 bên trái tuyến, đoạn km14+565-km14+963. Sau khi tiếp tục nhận mặt bằng đoạn km16+640-km17+959, đội ngũ cán bộ kỹ sư và công nhân lao động đã tập trung làm xong hệ thống mương thoát nước và triển khai nền cấp phối đá dăm, bó vỉa hè, dải phân cách… “Đảm nhận thi công đoạn lý trình km14+963-km16+640, chúng tôi mới được bàn giao mặt bằng khoảng 500m. Vệt chiều dài trên vừa thảm xong bê tông nhựa lớp 1 bên trái tuyến” - Chỉ huy trưởng công trường của Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An, kỹ sư Đỗ Thành Quảng cho biết.
Thi công “nhảy cóc”
Giai đoạn 4 công trình nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT607 có mặt cắt ngang rộng 33m; trong đó mặt đường rộng 21m. Giai đoạn 5 nối tiếp sẽ thực hiện từ lý trình km18+00-km22+398 (địa phận TP.Hội An) có quy mô đô thị cấp khu vực. Mặt cắt ngang đoạn km18+00-km20+432 (ngã tư Thương Tín đến ngã tư đường 28.3) rộng 19m, đoạn km20+432-km21+928 (ngã tư đường 28.3 đến ngã tư đường Hai Bà Trưng) rộng 16,5m và đoạn km21+982-km22+398 (từ ngã tư đường Hai Bà Trưng đến ngã tư đường Nguyễn Trường Tộ) rộng 13,5m. Trước mắt, hạng mục bồi thường GPMB và tái định cư sẽ thực hiện trước với kinh phí 100 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. |
Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh - kỹ sư Nguyễn Văn Thường cho rằng, khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng khiến việc thi công không liên hoàn. Nhiều tháng liền, máy móc, trang thiết bị chuyên dụng của nhà thầu phải “đắp chiếu”. Bởi vì, ký hợp đồng giữa tháng 9.2016 nhưng đến tháng 2.2017 mới bắt đầu được bàn giao công địa. Chưa hết, từ đó đến nay, đoạn lý trình km15+480-km16+640 vẫn là điểm nghẽn chưa thể khai thông. Cùng với đó, đoạn lý trình km17+350-km17+800 còn tồn tại khoảng 10 hộ bị ảnh hưởng. Trước tình thế vừa nêu, nhà thầu không có cách nào khác đành phải thi công “nhảy cóc”, chỗ nào được bàn giao mặt bằng là triển khai thi công ngay.
Theo kỹ sư Nguyễn Chí Cường, giai đoạn 4 hiện còn 190 hộ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có 150 gia đình đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Những hộ còn lại chưa đồng thuận vì họ cho rằng diện tích đất bị thu hồi của mình cần phải được bồi thường như đất ở, dù thực tế đất thuộc hành lang giao thông hay đất mương (đất công cộng). Trú tại khối phố 7A (phường Điện Nam Đông), hộ ông Phạm Văn Chung đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc nhưng chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ kinh phí về đất (153m2) vì không đồng tình cách xác định nguồn gốc đất, áp giá thực tế. “Đất nằm trong “sổ đỏ” mà địa phương xác định là đất hành lang giao thông với mức hỗ trợ chỉ bằng 15% so với giá trị đất ở. Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại lên phường 2 lần, song chưa được giải quyết thỏa đáng” - ông Chung nói. Kỹ sư Võ Như Quỳnh cho biết, vị trí thu hồi đất thuộc hộ ông Chung nằm ngay chỗ đặt cống hộp ngang, đấu nối với mương thoát nước dọc, nếu chậm triển khai sẽ ảnh hưởng đến công trình, gây mất an toàn giao thông.
Được biết, về công tác xác nhận nguồn gốc đất, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn mới đây đã kiến nghị UBND phường Điện Nam Đông kiểm tra, rà soát vướng mắc trên toàn tuyến ĐT607, đoạn qua địa bàn phường để vận động giải thích cho nhân dân, trường hợp nào thiếu sót kịp thời thu hồi đất bổ sung theo quy định. Cuối tháng 10, đơn vị gửi thông báo đến từng hộ dân, cá nhân và vận động các hộ đã nhận tiền bàn giao mặt bằng. Trong quá trình bàn giao, đơn vị thi công cần hỗ trợ máy móc thiết bị cùng triển khai thực hiện khai thông “điểm nghẽn”. Đối với ông Phạm Văn Chung, chi nhánh tổng hợp báo cáo, tham mưu cho UBND thị xã Điện Bàn tổ chức đối thoại hộ này.
CÔNG TÚ