Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ: Cần xác lập rõ trách nhiệm
Để công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đi vào khuôn khổ, việc xác lập trách nhiệm của từng ngành, đơn vị, địa phương liên quan là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ để buôn bán trên các tuyến quốc lộ. Ảnh: C.T |
Quản lý lỏng lẻo
“Phối hợp với lực lượng tuần đường, năm 2015, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) tiến hành tuần tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 20 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) với số tiền 137,5 triệu đồng. Tương tự, năm 2016 là 18 trường hợp, xử phạt 119,5 triệu đồng; 9 tháng đầu năm 2017 có 15 trường hợp vi phạm bị xử phạt với số tiền 227,5 triệu đồng” - Chánh Thanh tra Sở GTVT, Võ Quang Lâm cho hay. Theo đó, lực lượng chức năng cho rằng việc xử phạt như trên vẫn chưa đủ sức răn đe. Điển hình là thực trạng nhân dân hai bên đường tự cơi nới, xây dựng không xin phép, trồng cây sát mép đường. Cạnh đó, yếu tố lịch sử để lại khi công trình, cây cối đã “mọc” trước khi cải tạo nâng cấp, mở rộng và chuyển từ tỉnh lộ (ĐT) thành quốc lộ (QL), các dự án chỉ bồi thường thuộc phạm vi mở rộng nên tiếp tục tồn tại sát mép đường và nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Một cán bộ Thanh tra Sở GTVT cho biết thêm, hầu như nhà thầu đảm nhận các dự án thuộc phạm vi HLATĐB đều không thực hiện đúng theo giấy phép thi công được cấp bởi Sở GTVT (đối với ĐT), Tổng cục Đường bộ Việt Nam (các QL ủy thác, đường Hồ Chí Minh). Trên những tuyến QL xuyên qua địa bàn miền núi, việc xử lý gặp khó khăn khi đối tượng vi phạm thường là đồng bào dân tộc thiểu số.
Một hành vi vi phạm khác mà lực lượng chức năng trong lúc tuần tra, kiểm soát dù phát hiện nhưng khó xử lý vì không xác định được đối tượng khai thác keo trồng ven QL đã mở đường nhánh trái phép. Đối với những trường hợp xử phạt cụ thể, phần lớn họ chỉ nộp phạt mà không khắc phục hậu quả, tự tháo dỡ công trình trái phép. Nếu vậy, biện pháp cưỡng chế là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan ban hành quyết định, các lực lượng phối hợp thực hiện, kinh phí triển khai vẫn chưa có sự thống nhất. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ rõ, công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dường như bị chính quyền địa phương buông lỏng. Có nơi, UBND cấp xã chưa thật sự quan tâm bảo vệ HLATĐB, do vậy vi phạm phát sinh chưa được xử lý ngay từ đầu đã tạo thành tiền lệ xấu cho người dân lấn chiếm và tái lấn chiếm. “Biên bản lập ra rồi để đó, không xử lý dứt điểm dẫn đến nhiều hệ lụy. Cụ thể là khi tiến hành giải phóng mặt bằng thi công đường, chúng ta phải bồi thường, hỗ trợ công trình vi phạm là hết sức vô lý” - ông Lê Văn Sinh nói.
Xác lập trách nhiệm
Thời gian qua, việc lấn chiếm HLATĐB diễn ra phức tạp, như trên tuyến QL 14E có chợ Bình Quý (Thăng Bình), trên tuyến ĐT610 là chợ Quế Trung (Nông Sơn), ĐT615 có chợ Kỳ Lý (Phú Ninh); tự ý san lấp, xây dựng công trình thuộc phạm vi đất hành lang tuyến các QL 14E, 14D, 14B hay ĐT611; tự ý mở đường nhánh trái phép (thường để khai thác cây keo) và xây dựng các công trình phổ biến trên ĐT616, ĐT614, QL 14E hoặc đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn. |
Lấn chiếm, xây dựng công trình trong HLATĐB và đấu nối trái phép vào ĐT, QL đã và đang phá vỡ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, quy hoạch dân cư đô thị. Đồng thời hành vi trên làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu của các tuyến giao thông, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, hạn chế tầm nhìn của người điểu khiển xe… và tạo ra những yếu tố bất ngờ dẫn đến mất an toàn giao thông. Để khắc phục tình trạng này, tháng 6.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 994/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020. “Để hiện thực hóa chủ trương, đảm bảo mọi vi phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để nhằm trả lại nguyên trạng cho phần đất đường bộ, theo chúng tôi nhất thiết phải có một quy chế phối hợp, phân định rõ ràng trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và ngành GTVT” - ông Võ Quang Lâm đề xuất.
Sau khi soạn thảo và gửi cho các địa phương cấp huyện góp ý lần đầu, tuần qua, Sở GTVT tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp với các bên liên quan về dự thảo “Quy chế phối hợp trong công tác xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”. Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn Trần Văn Noa đề nghị, cần ban hành quy chế trên hình thức văn bản quy phạm pháp luật để tạo sức nặng hơn. Quy trình xử lý cũng phải chuẩn hóa cho các địa phương thực hiện thống nhất. Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hiệp Đức - ông Trần Thọ cho rằng, quy chế cần quy định rõ ràng trách nhiệm để đơn vị quản lý đường phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã. Hạt quản lý trực thuộc đơn vị đang đóng chân trên địa bàn phải phát hiện sớm nhằm ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, chứ xảy ra rồi mới giải quyết sẽ khó khăn.
Theo ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế là phù hợp. Riêng về kinh phí triển khai cũng nên giao cấp huyện, song nguồn lực cần có một phần cấp tỉnh cấp thông qua phân bổ cho hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông hàng năm. Nhiều đại biểu khác thì đề nghị quy chế cần bổ sung cho thật đầy đủ, phân định trách nhiệm rõ ràng của từng cơ quan, đơn vị, các cấp liên quan cùng xắn tay vào thực hiện. Góp ý thêm về chế tài, Phó Trưởng công an TP.Tam Kỳ - Thiếu tá Mai Văn Hiển đề xuất, việc kiểm tra, đôn đốc khâu triển khai, cần thiết phải giao nhiệm vụ cho một đơn vị chuyên giám sát, tham mưu xử lý vi phạm đối với địa phương để xảy ra sai phạm. Trước hiến kế từ phía các đại biểu, ông Lê Văn Sinh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến nhằm chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện quy chế. Sau đó, Sở GTVT sẽ gửi lại các địa phương một lần nữa để tiếp tục góp ý. Riêng về nguồn lực thực hiện, ngành sẽ làm việc với Sở Tài chính nhằm có hướng giải quyết, đưa vào quy chế cho phù hợp, mang tính khả thi cao.
CÔNG TÚ