Lo cho giao thông miền núi
Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nên mỗi khi xảy ra lũ lụt là các tuyến đường ở khu vực miền núi thường xuyên bị sạt lở, ách tắc kéo dài, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Ngầm Sông Trường là vị trí thường xuyên gây chia cắt huyện Nam Trà My với miền xuôi. Ảnh: C.T |
Qua những con số
Mùa mưa bão năm 2016, hạ tầng giao thông miền núi, kể cả tỉnh lộ (ĐT) hay quốc lộ (QL) đều bị tổn hại nghiêm trọng. Hầu khắp địa phương vùng cao, mưa lũ “đẩy” cây cối, đất đá từ taluy dương đổ lấp lòng đường, taluy âm bị “kéo” mạnh xuống vực sâu, cầu cống hư hỏng… Thực trạng đó gây chia cắt lưu thông, có nơi kéo dài hàng chục ngày trời. Trên địa bàn huyện Đông Giang, tuyến ĐH12.ĐG kết nối xã Za Hung với xã Jơ Ngây, giáp quốc lộ 14G mới vừa đưa vào khai thác chừng vài năm qua. “Taluy chưa ổn định, còn việc kè kiên cố không thể tiến hành đồng bộ do thiếu kinh phí. Vì lẽ đó, mỗi lần có mưa to kéo dài là đất đá, cây cối từ trên đồi cao bị sạt lở xuống lòng đường” - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang, ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), tuyến ĐT606 qua Tây Giang bị sạt lở tất cả 3 đợt, khối lượng 17.616m3 làm giao thông ngưng trệ. Như thường lệ, cung đường đi 4 xã Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry sạt lở hàng chục điểm, cô lập hoàn toàn với vùng biên giới. Các tuyến ĐT611 đi lên Nông Sơn, ĐT617 lên xã miền núi Tam Trà (Núi Thành) thì xói, sạt lở taluy âm, mặt đường nhựa.
Dù nền đã dần ổn định theo thời gian, các cung đường huyết mạch quốc gia đi về các huyện miền núi vẫn bị đe dọa bởi mưa lũ. Đơn cử như QL40B, đầu tháng 11.2016, mưa lũ đẩy hơn 50.000m3 đất, đá và cây cối ập xuống nền hoặc rơi xuống vực sâu đoạn qua các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Dòng suối chảy xiết dưới cầu bản km84+160 khiến mố bị cuốn trôi, dầm gãy đổ làm chia cắt hoàn toàn Nam Trà My với hạ lưu. Nếu không sạt lở, mưa lớn kéo dài đủ khiến nước lũ băng ngang ngầm Sông Trường (km62+00) và ngầm Nước Oa (km63+100) khiến giao thông ách tắc. Tình hình nghiêm trọng nhất trong đợt mưa lũ vào tháng 12.2016 phải kể đến QL14E khiến nhiều đoạn bị sạt lở, chia cắt đi lại của người dân giữa hai huyện Hiệp Đức và Phước Sơn tại địa bàn xã Phước Hòa (Phước Sơn). Các QL khác thuộc khu vực miền núi như 14B, 14D, 24C dù không xảy ra sạt lở taluy dương nhưng vẫn bị xói lở và hư hỏng mặt cầu (cầu Ca Da, tuyến QL24C đi Trà Bồng, Quảng Ngãi). Đáng chú ý, mỗi mùa mưa bão đến, ngầm Dốc Rùa tại km37+480 và km38+050 thuộc địa phận thôn Aliêng của xã A Ting (Đông Giang) trở thành “điểm đen” nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông...
Nguy cơ còn hiện hữu
“Dự báo mùa mưa bão năm nay sẽ tiếp tục diễn tiến khó lường. Chúng tôi đã sớm xây dựng phương án phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn giao thông, triển khai cho các đơn vị thực hiện trên cơ sở quán triệt phải tuân thủ phương châm lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ, vật tư, thiết bị dự phòng, máy móc tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Phương án bảo vệ các dự án cơ bản đang thi công cũng được tính đến” - Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh cho biết. Theo đó, các tuyến QL, đường huyết mạch tại khu vực miền núi như 40B, 14B, 14D, 14E, 14G, 24C, Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn được dự báo sẽ gặp sự cố sạt lở nếu mưa to kéo dài; các ngầm tràn trên tuyến QL40B, QL14G cũng sẽ bị ngập do mưa lũ. Những tuyến ĐT thuộc diện cần lưu tâm, đặc biệt tại vị trí vắt ngang đồi núi. Hai tuyến đường đi về trung tâm các xã Chơ Chun (Nam Giang) và Ga Ry (Tây Giang) chưa hoàn thành kiên cố hóa chắc chắn sẽ “cản” đường di chuyển của phương tiện ô tô.
Để đối phó, Sở GTVT đã đề ra một số phương án xử lý cụ thể với từng tình huống nhằm đảm bảo giao thông bước một nhanh nhất. Chẳng hạn, nền đường bị phá hủy sẽ phải khôi phục bằng cách san gạt bề mặt hoặc làm đường tránh, đường tạm, cầu tạm. Những cống nhỏ hư hỏng thì dùng đá tảng, đá sỏi hoặc đá dăm lấp đầy phần đáy đến cao độ thấp hơn mặt đường 40cm, phần trên dùng đất tại chỗ đầm chặt. Cống nào đang có dòng chảy, ngoài việc sử dụng rọ đá, có thể xếp cây gỗ tròn, to có đường kính 15 - 20cm theo từng lớp, lớp sau vuông góc với lớp trước, phần đường cũng được đắp dày 40cm, tại vị trí tiếp giáp giữa đá (hoặc gỗ) với đất, có thêm một lớp cành cây, rơm khô. Xử lý đối với công trình cầu gặp sự cố, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT) - ông Trần Ngọc Thanh cho biết, cầu nhỏ có khẩu độ dưới 6m cần xếp rọ đá đến cao độ thấp hơn mặt đường 40cm, phần trên dùng đất tại chỗ đầm chặt. Một cách khác là dùng các ống bi đúc sẵn xếp vuông góc với tim đường, rồi đắp đất và đầm chặt. Cầu có khẩu độ 6 - 10m cần phải lắp dầm bailey đơn 1 tầng với trọng tải cầu 5 - 6 tấn, mố cầu kê trên rọ đá hoặc mố cũ.
Dưới sự chỉ đạo của ngành GTVT, đến thời điểm này, các đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, bảo trì công trình đường bộ ĐT, QL đã chuẩn bị thiết bị cơ giới theo yêu cầu. Khâu tập kết dầm cầu tạm bailey, rọ đá, rọ sắt, bao tải cát về miền núi đang diễn ra khẩn trương. Cán bộ kỹ thuật, công nhân đã được điều động về các hạt quản lý đường bộ, ứng trực tại vị trí xung yếu để chủ động ứng phó. Về phía các địa phương miền núi, việc khơi thông bước một tuyến ĐH, ĐX sẽ rất khó khăn do thiếu nhân lực, trang thiết bị chuyên dụng và cả kinh phí. Vậy nên, cần chủ động, sớm có kế hoạch, phối hợp với đơn vị liên quan nhằm đảm bảo giao thông khi mùa mưa sắp đến.
CÔNG TÚ