Mở đường vào vùng sâm

NGUYỄN DƯƠNG 30/08/2017 14:11

Đã có nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh việc mở đường lên Ngọc Linh vì lo ngại phá vỡ môi trường phát triển của cây sâm, làm xáo trộn cuộc sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, khi con đường sắp hoàn thành, người ta nghĩ đến một tương lai xán lạn hơn.

Tin liên quan

  • SÂM NGỌC LINH
Tuyến đường vào vùng sâm được triển khai sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người dân phát triển kinh tế. Ảnh: N.D
Tuyến đường vào vùng sâm được triển khai sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người dân phát triển kinh tế. Ảnh: N.D

Nỗi lo

Từ khi đề án phát triển và bảo tồn cây sâm Ngọc Linh được phê duyệt, các tuyến đường Tắc Pong - Tắc Ngok; Trà Linh - Măng Lùng và Măng Lùng - Đắc Glei bắt đầu được triển khai thi công. Đây được đánh giá là tuyến đường quan trọng nhằm “rút ngắn” khoảng cách giữa vùng có loài cây đặc hữu ở núi Ngọc Linh có đỉnh cao 2.598m, đồng thời tạo ra một “vòng tròn du lịch”. “Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ mở hướng đi vào vùng sâm, có thể kết nối với huyện Đăk Glei (Kon Tum), đồng thời khởi động tuyến “du lịch sâm”, trong đó con đường phát triển du lịch khép kín từ Hội An lên Nam Trà My (nơi có vùng sâm), vòng theo đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại ở Phước Sơn. Đây cũng là cơ hội để người dân có thể giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế” - ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết.

Định hướng là thế, nhưng khi tiến hành triển khai tuyến đường này cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó chủ yếu là lo ngại phá vỡ môi trường sống của cây sâm Ngọc Linh và xáo trộn cuộc sống của người dân nơi đây. Ông Hồ Văn Reo ở thôn 2 xã Trà Linh lo ngại: “Việc mở đường ở sườn núi sẽ gây sạt lở, ảnh hưởng đến vùng dân cư. Hơn nữa, nạn trộm sâm hiện nay diễn ra rất nhiều nơi. Trước đây chưa có đường thì còn khó, giờ mở đường ra đến sát vùng sâm thì sẽ không biết như thế nào nữa”. Bên cạnh đó, việc mở tuyến đường Măng Lùng - Đắc Glei thông với Kon Tum cũng làm nhiều người lo lắng, bởi ở bên đó sâm giả rất nhiều. “Khi mở đường ra liệu nguồn sâm giả này có tràn vào hay không? Khi đó làm sao để kiểm soát được?” - ông Hồ Văn Hình, một đại gia trồng sâm lo lắng.

Cơ hội để phát triển

Lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Mẫn, việc này đã có hướng giải quyết triệt để. Thực chất, sau khi nghe chính quyền giải thích, người dân đã đồng thuận với chủ trương này. “Tuyến đường được xây dựng trên cơ sở đường mòn cũ của người dân đã mở trước đây. Mình chỉ cơi nới thêm một tí rồi san lấp lấy mặt bằng làm đường nên rất ít ảnh hưởng đến môi trường sống của cây sâm cũng như của cư dân bản địa. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ giúp cho bà con nơi đây giao thương buôn bán thuận lợi hơn” - ông Mẫn nói. Nhiều người dân xã Trà Linh đồng tình với việc xây dựng tuyến đường này, nhất là tuyến Trà Linh - Măng Lùng hứa hẹn sẽ giúp người dân có cơ hội để phát triển hơn. “Từ trung tâm xã muốn lến đến nóc Măng Lùng trước đây phải đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ. Giờ có đường, chạy một mạch là tới. Có đi bộ cũng chỉ là muốn đi vào sâu trong nóc. Ai cũng mừng chứ. Người dân trên này nhờ trồng sâm nên khá giả lắm. Chỉ cần có đường là có xe chạy liền à” - ông Hồ Văn Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cười nói.

“Từ bao đời nay, vùng này đâu có đường đi? Vì thế, toàn phải cõng trên lưng cuốc bộ thôi! Bởi vậy, mỗi lần xuống núi, bà con phải đi mất nửa ngày mới tới” - ông Hồ Văn Núi, thôn 4 xã Trà Linh kể thêm. Bí thư Huyện ủy Nam Trà My Lê Thanh Hưng cho biết, việc mở ra những tuyến đường vào đến vùng sâm sẽ tạo cơ hội cho việc phát triển của người dân. “Nhiều nhà trước đây ở xã Trà Linh muốn xây một căn nhà nhỏ phải tốn kém gấp 5 - 6 lần so với khu vực trung tâm huyện. Bởi tiền thuê cõng vật liệu lên đến nơi đã đắt hơn nhiều so với tiền vật liệu. Giờ có đường rồi, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn” - ông Hưng cho hay. Những lo lắng của người dân về việc có thể bị nạn trộm sâm hoành hành, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, chính quyền địa phương đã và đang bố trí lực lượng để tăng cường bảo vệ an ninh trật tự cho người dân nơi đây. “Riêng về nạn sâm giả, huyện đã tổ chức mỗi tháng  một phiên chợ sâm Ngọc Linh vào ngày 10 âm lịch hàng tháng. Khách du lịch sẽ hoàn toàn yên tâm về chất lượng sâm. Bên cạnh đó, huyện cũng đã có những chỉ dẫn cách để phân biệt giữa sâm thật và sâm giả. Hơn nữa, những cơ sở kinh doanh có uy tín của huyện cũng sẽ được giới thiệu, tránh cho người dân mua phải sâm giả trà trộn vào” - ông Mẫn cho biết thêm.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG