Thi công đường nối ven biển với Quốc Lộ 1: Lại vướng mặt bằng

CÔNG TÚ 29/08/2017 08:32

Muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn (đường ven biển 129) đến quốc lộ (QL) 1 tại ngã ba Cây Cốc qua Thăng Bình, nhà thầu vấp phải khó khăn do vướng nhiều “cụm” mặt bằng chưa khai phóng.

Trên công trường thi công cầu Trường Giang.Ảnh: C.TÚ
Trên công trường thi công cầu Trường Giang.Ảnh: C.TÚ

Tiến độ khả quan

Dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn (đường ven biển 129) đến quốc lộ 1 tại ngã ba Cây Cốc có điểm đầu tại km0+129,63 đường 129 và điểm cuối tại km972+200 QL 1, ngã ba Cây Cốc. Tuyến đi mới hoàn toàn có tổng chiều dài là 6.671,07m. Bề rộng nền đường 12m với mặt đường rộng 7m, lề đường rộng 2,5m mỗi bên. Cầu vượt sông Trường Giang tại km1+467,14 của dự án có chiều dài 178,6m; khổ cầu rộng 12m, trong đó phần xe chạy 11m. Tổng dự toán toàn dự án gần 122 tỷ đồng. Công trình khi hoàn thành sẽ kết nối liên hoàn với đường 129, QL1, QL 14E, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đi qua vùng đông huyện Thăng Bình, công trình sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, mở rộng không gian đô thị. Đặc biệt, tuyến đường sẽ chia sẻ lưu lượng lớn phương tiện trên QL 14E, đoạn từ ngã tư Hà Lam đến đường 129 vốn nhỏ hẹp, bề mặt hư hỏng nặng, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Và những ngày cuối tháng 8 này, công trường gói thầu số 1 do Công ty TNHH Thanh Tùng đảm nhận (km0+00-km1+573,11 và cầu Trường Giang) đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo kỹ sư Nguyễn Văn Tuyên - cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Thanh Tùng, công ty đã đóng xong cọc thuộc mố M1 và trụ T2; còn 3 trụ T1, T3, T4 và mố M2 sẽ chuyển sang khoan cọc nhồi do địa chất phức tạp. Lãnh đạo doanh nghiệp giao đến tháng 12 năm nay phải kết thúc phần hạ bộ, đúc đủ 25 dầm cầu.

Nhằm đạt mục tiêu đề ra, đội thi công cầu của Công ty TNHH Thanh Tùng vừa hoàn thiện cầu tạm qua sông Trường Giang, để từ đó đưa thiết bị qua bờ tây triển khai trụ T4 và mố M2. Ngoài 2 cẩu chuyên dụng, đội sẽ điều thêm 1 cẩu nữa tăng cường vào công trường; đồng thời tận dụng thời tiết khô ráo nỗ lực tiến hành nghiệp vụ cả ban ngày lẫn về đêm. Tiếp giáp gói 1, gói thầu số 2 (km1+573,11-km6+700) do liên danh Công ty CP Xây dựng và kỹ thuật Toàn Thịnh cùng Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Nam Việt đảm nhận đang cho thấy bước tiến lớn về khối lượng thực hiện trên mặt bằng thực tế đã được bàn giao. Tại khu vực này, hàng chục xe tải chở đất vào ra liên tục; xe san gạt, xe ủi, xe múc, xe lu bố trí đều khắp để phục vụ hạng mục đắp nền. Kỹ sư Trương Thanh Tú - Chỉ huy trưởng công trường Công ty CP Xây dựng và kỹ thuật Toàn Thịnh cho hay, ngày 2.9, đoạn tuyến từ nhà ông Mỹ đến thôn Tất Viên (xã Bình Phục) dài 1 cây số sẽ hoàn thành cấp phối đá dăm. Đoạn km3+900-km4+800 cũng đang gấp rút hoàn thiện. “Cả 2 đoạn tuyến vừa nêu, chúng tôi phấn đấu thảm bê tông nhựa vào giữa tháng 10 năm nay. Riêng trong tuần này, nhà thầu sẽ ủi, san gạt thông đường công vụ tiếp cận với gói thầu số 1” - kỹ sư Trương Thanh Tú nói.   

Vướng “cụm” mặt bằng

Thời gian qua, các đơn vị nỗ lực thi công để dự án hoàn thành tiến độ nhưng gặp vướng mắc ở khâu mặt bằng. Cụ thể, có 10 ngôi mộ án ngữ ngay đầu tuyến, cụm dân cư thuộc thôn 3, xã Bình Đào bị ảnh hưởng song chưa chuyển sang nơi ở mới tại khu tái định cư gần đó. Điều này khiến Công ty TNHH Thanh Tùng không có đường công vụ vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu chạy vào công trường. Sau khi UBND tỉnh quyết định phê duyệt bổ sung đường công vụ ở 2 đầu tuyến, vài tháng gần đây, Công ty TNHH Thanh Tùng có thể di chuyển từ điểm đầu tại nút giao giữa tuyến chính (km0+572) với đường ĐH2.TB. Thuộc đường dẫn phía tây cầu Trường Giang, một số hộ dân nằm tại tổ 11, thôn 2 (xã bình Triều), khu vực ranh giới giữa gói thầu số 1 và số 2 chưa đồng thuận với phương án giải phóng mặt bằng. Bởi vì, dự án hoàn thành thì cao trình mặt đường so với nhà khoảng 4m nên nhân dân đề nghị cho di dời hoặc hỗ trợ tiền đôn nền. Nói về “ách tắc” mặt bằng của dự án, kỹ sư Nguyễn Đình Phong - Phó Trưởng phòng quản lý dự án 1 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đại diện chủ đầu tư), cán bộ điều hành trực tiếp trên công trường cho biết, thị trấn Hà Lam hiện còn 7 hộ, xã Bình Phục 5 hộ, xã Bình Triều 35 hộ, xã Bình Đào là 19 nhà và 10 hộ chưa nhận tiền, chưa bàn giao cho chủ đầu tư. Thỉnh thoảng, một vài trường hợp lại ra cản trở tại địa điểm đang thi công.

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải phải đôn đốc các doanh nghiệp thúc đẩy thi công, trước ngày 30.4.2018 phải hoàn thành dự án. Ông Trương Thanh Tú cho rằng, liên danh nhà thầu gói 1 muốn đẩy nhanh tiến độ phải chia làm nhiều mũi triển khai. Về các điểm vướng mặt bằng khắc phục bằng cách triển khai đến gần 700m đường công vụ; trong đó thuê đất của người dân 150m. Điểm cuối dự án giao với QL1 tại ngã ba Cây Cốc, Công ty CP Xây dựng và kỹ thuật Toàn Thịnh thuê người cảnh giới đảm bảo giao thông. Giám đốc chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình -  ông Nguyễn Đình Chi cho hay, tại thị trấn Hà Lam, đơn vị đang tổ chức chi trả tiền cho hộ bà Nuôi, ông Thiện, ông Lộc để thi công đoạn giáp QL1; tiếp tục công khai phương án bồi thường hộ ông Tâm, ông Đi, ông Văn, bà Nhung. Đoạn qua xã Bình Phục, các hộ chưa nhận tiền và đề nghị bố trí đất lại với lý do gia đình có nhiều cặp vợ chồng. Ở xã Bình Triều, 16 hộ chưa thống nhất nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng vì lý do đơn giá bồi thường thấp. Đến cuối tuần qua, Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Thăng Bình chưa bàn giao đất tại khu tái định cư Bình Đào. Bởi lẽ, giá đất cụ thể đang trình duyệt, nên chưa tổ chức bốc thăm. Thế nên, sau khi có kết quả, chi nhánh sẽ thông qua tổ công tác xét đất tái định cư và tiến hành tổ chức công khai, lập phương án bồi thường cho các hộ bị ảnh hưởng theo quy định.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ