Triển khai quy hoạch ven quốc lộ 1 qua Phú Ninh: Gỡ khó mặt bằng

CÔNG TÚ 21/08/2017 08:52

Cuộc họp về triển khai Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) vệt dân cư - thương mại - dịch vụ (TMDV) dọc quốc lộ 1, đoạn qua huyện Phú Ninh vào cuối tuần qua cho thấy địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc tạo ra quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

Quy hoạch dọc QL1 qua Phú Ninh để tạo ra đô thị khang trang.
Quy hoạch dọc QL1 qua Phú Ninh để tạo ra đô thị khang trang.

Lực cản

Quy hoạch (QH) chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) vệt dân cư - TMDV dọc quốc lộ (QL) 1, đoạn ngã ba Kỳ Lý đến giáp huyện Thăng Bình thuộc phạm vi 2 xã Tam Đàn và Tam An của huyện Phú Ninh với mục tiêu chính là phát triển TMDV gắn với chỉnh trang, sắp xếp dân cư dọc QL1, theo hướng cấu trúc phát triển đô thị nhằm kết nối không gian đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ và phát huy lợi thế từ việc tiếp giáp với Khu kinh tế mở Chu Lai, các dự án vùng đông của tỉnh. QH này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 23.3 vừa qua. Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh - ông Nguyễn Phi Thạnh cho hay, sau khi được duyệt, chính quyền đã tổ chức công bố QH, gửi hồ sơ và hướng dẫn các xã Tam Đàn, Tam An công bố rộng rãi đến nhân dân, triển khai cắm mốc ngoài thực địa. Kế hoạch về xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp cũng được xây dựng. Ngoài bổ sung QH sử dụng đất, đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm, huyện còn báo cáo tổng hợp hồ sơ đấu nối QL1, bổ sung các vị trí đấu nối vào QH hệ thống đường gom, các điểm đấu nối QL qua địa bàn tỉnh. Và đến giữa tháng 8, Phú Ninh nhận được 6 dự án (3 kinh doanh ô tô, 2 sắt thép, 1 hàng nông sản và dược liệu) đăng ký đầu tư theo hình thức Nhà nước cho thuê đất có thời hạn, nhà đầu tư trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng đất về giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo chính quyền Phú Ninh, khi bắt tay thực hiện QH, nhiều vướng mắc đã dần lộ diện. Do giới hạn và hạn chế về không gian, điều kiện địa hình, dân cư hiện trạng nên việc xây dựng QH còn một số tồn tại. Chẳng hạn, địa phương chưa có quỹ dự trữ đất lớn cho các nhà đầu tư có tiềm lực đến nghiên cứu (quy mô 10 - 20ha); chiều sâu khai thác một số đoạn còn ngắn; mật độ dân cư ở vài vị trí khá lớn; địa hình thấp, nằm trong vùng ngập trũng; hạ tầng khung như giao thông, cấp thoát nước chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, huyện gặp trở ngại trong huy động tài chính để triển khai các dự án sắp xếp, chỉnh trang khu dân cư cũng như dự án tạo mặt bằng sạch mời nhà đầu tư tham gia đấu giá. Một hạn chế khác là khâu thông tin, quảng bá còn đơn điệu và phạm vi hạn hẹp, thiếu sức thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm năng đến tìm hiểu cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh.

QH chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) vệt dân cư - TMDV dọc tuyến QL1, đoạn ngã ba Kỳ Lý đến giáp huyện Thăng Bình có chiều dài gần 4,5km, diện tích gần 368ha, trong đó có 251ha QH mới và 117ha điều chỉnh QH. Không gian phát triển chính theo trục QL1 Bắc - Nam. Toàn tuyến chia làm 3 phân khu phát triển gồm: Phân khu I có ranh giới từ suối Tây Yên (tiếp giáp Tam Kỳ) đến cầu Ông Hiền với diện tích 94,5ha; trong đó đất TMDV 24,11ha, đất khu ở 36,74ha, đất công trình công cộng và cây xanh khu ở là 7,38ha. Phân khu II có ranh giới từ cầu Ông Hiền đến cầu Bà Dụ với tổng diện tích 111,03ha. Ranh giới phân khu III từ cầu Bà Dụ đến giáp huyện Thăng Bình, tập trung phát triển tiện ích công cộng, nhà ở và dịch vụ sản xuất nông nghiệp trên tổng diện tích 162,54ha.

Theo ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, công tác GPMB để mở rộng QL1 vệt 52m, đoạn qua xã Tam Đàn (dài 1,8km) còn ách tắc, hiện tồn tại 21/49 hộ dân chưa thống nhất phương án thực hiện. Đáng lưu ý, phương thức doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân để GPMB dễ gây ra tình trạng người dân đòi yêu sách...

Tìm giải pháp

Chủ trì cuộc họp cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện QH. Trước mắt, cần chú ý xem xét nên điều chỉnh chi tiết của phân khu cho phù hợp hay không, xong rồi sẽ phân kỳ đầu tư, xúc tiến nguồn lực thực hiện “chứ không phải để đó rồi gọi… vùng đất tiềm năng”.

Tại cuộc họp, các đại biểu đều tỏ ra băn khoăn về phương thức kêu gọi đầu tư bằng cách doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ để lấy mặt bằng từ phía người dân. Việc người dân đẩy giá lên quá cao rất dễ gây hiệu ứng lan truyền, làm bất ổn thị trường bất động sản. Theo ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở TN-MT, nếu cứ theo hình thức tự thỏa thuận, khâu triển khai sẽ không như ý muốn. Còn giải pháp nhà đầu tư đưa tiền cho chính quyền thực hiện GPMB, sau đó tổ chức bán đấu giá thì chưa chắc nhà đầu tư đó trúng thầu. Đồng tình với nhận định trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu còn cảnh báo: “Chúng ta cần lường trước trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận mua đất ở của người dân. Sau đó, họ làm nhà ở trên đó, chứ không phải xây dựng để sản xuất kinh doanh dẫn đến phá vỡ QH thì sao?”. Lãnh đạo tỉnh cho rằng, đoạn tuyến trên đã có QH thì tuân thủ quy trình, trình HĐND tỉnh phê duyệt rồi tiến hành thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ theo giá cụ thể mà UBND tỉnh đã ban hành.

Huyện Phú Ninh đã đề xuất nhóm giải pháp liên quan đến đất đai và GPMB để tỉnh giải quyết. Cụ thể, kiến nghị tỉnh thống nhất đưa vào kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang TMDV và đất ở, đất hạ tầng… theo QH đối với 120ha đất lúa hiện trạng cho giai đoạn đến năm 2020 trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động tiếp nhận dự án. Đồng thời UBND tỉnh cần thống nhất một số cơ chế về việc GPMB đối với dự án mở rộng QL1 vệt 52m đang thực hiện dở dang. Cụ thể, cho phép huyện khép dự án, thực hiện thanh quyết toán đối với các hộ đã nhận tiền, tháo dỡ mặt bằng chuyển về nơi ở mới, cho thực hiện phương án GPMB đối với các hộ dân chưa nhận tiền theo đơn giá hiện hành. Hỗ trợ phần nhà ở, vật kiến trúc phía sau vệt GPMB 52m để người dân tháo dỡ xây dựng nhà ở lùi lại phía sau. Hộ dân bị ảnh hưởng một phần đất ở nhưng còn đất nông nghiệp phía sau, họ có nhu cầu đổi lại đất ở để xây dựng nhà, tỉnh cho phép không bồi thường đất ở bị thu hồi trong dự án; song cho phép bồi thường đất nông nghiệp phía sau vệt 52m để đổi lại đất ở tương ứng với diện tích đất ở bị thu hồi. Hộ dân bị ảnh hưởng hết đất ở, hoặc đất ở còn lại không đủ xây dựng nhà nhưng còn đất nông nghiệp phía sau, cho phép họ nhận suất đầu tư hạ tầng như giải tỏa trắng, đồng thời cho chuyển mục đích sử dụng phần đất nông nghiệp sau vệt 52m thành đất ở và người dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng quy định.

Đồng tình với một số kiến nghị của Phú Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý các sở, ban ngành của tỉnh cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ cho huyện thực hiện QH. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu địa phương xem đây là QH để phát triển đô thị cho chính Phú Ninh, kết nối với vùng đông, vì thế phải tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Cạnh đó, chú ý phân khu chức năng nhằm thu hút đầu tư, phương châm chủ yếu là đổi đất lấy hạ tầng, chỗ nào khai thác được địa tô thì khai thác. Phú Ninh phải xác định quỹ đất nằm trong QH để thực hiện GPMB, thu hồi và giao đất cho nhà đầu tư, tránh việc để nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân rồi gây nên hệ lụy khôn lường.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ