Giai đoạn 2017-2021, Nam Trà My cần 1.658 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông

CÔNG TÚ 28/07/2017 16:08

(QNO) - Ngày 28.7, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình dẫn đầu đoàn giám sát đã làm việc với huyện Nam Trà My về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông (HTGT) trên địa bàn huyện.

Đoàn giám sát muốn nghe địa phương nói lên thực trạng hiện nay trong quy hoạch, phát triển HTGT. Ảnh: CÔNG TÚ
Đoàn giám sát muốn nghe địa phương đề cập thẳng thắn thực trạng hiện nay trong quy hoạch, phát triển HTGT. Ảnh: CÔNG TÚ

Báo cáo với các thành viên đoàn giám sát, huyện Nam Trà My đã cho biết những nét chính về công tác lập, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch đầu tư HTGT giai đoạn 2011-2016; thực trạng hạ tầng giao thông hiện tại. Theo đó, do xuất phát điểm quá thấp, nên mạng lưới giao thông ở Nam Trà My còn trong tình trạng yếu kém, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa. Mật độ, chất lượng đường thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh; chưa có điều kiện xây dựng mạng lưới giao thông phục vụ phát triển các vùng nguyên liệu, vùng trang trại, du lịch; hệ thống cầu tràn chưa hoàn chỉnh. Do thời tiết khắc nghiệt, độ dốc lớn; kinh phí đầu tư, bảo dưỡng cầu, đường hạn chế đã dẫn tới tình trạng công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng. Để đầu tư cho HTGT giai đoạn 2011-2016, huyện huy động tổng cộng 544,331 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 433,231 tỷ đồng, trái phiếu chính phủ 111,1 tỷ đồng).

Về quy hoạch và định hướng phát triển mạng lưới giao thông giai đoạn 2017-2021, Nam Trà My xác định đường bộ phải được ưu tiên đầu tư có tốc độ phát triển nhanh hơn so với các loại hình khác. Ngoài ngân sách trung ương và tỉnh phân bổ các quốc lộ và tỉnh lộ, nhu cầu vốn cho xây dựng các tuyến đường huyện và đường xã mà địa phương cần cho giai đoạn này là 1.658 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng huy động vốn dự kiến 910 tỷ đồng, tương đương 55% so với nhu cầu thực hiện.

Ông Phan Thái Bình cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến kiến nghị, đề xuất của huyện Nam Trà My. Ảnh: CÔNG TÚ
Ông Phan Thái Bình cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến kiến nghị, đề xuất của huyện Nam Trà My. Ảnh: CÔNG TÚ

Đề cập đến hạn chế, bất cập trong đầu tư HTGT trên địa bàn, lãnh đạo huyện cho rằng nguyên nhân vì suất đầu tư rất cao so với đồng bằng, dân cư phân tán nên nhu cầu vốn lớn, thu ngân sách địa phương thì thấp (15-16 tỷ đồng/năm). Để tháo gỡ một số tồn tại, Nam Trà My đã đề xuất các giải pháp, phương thức huy động nguồn lực đầu tư trong điều kiện hiện nay. Theo đó, địa phương kiến nghị Quốc hội, HĐND tỉnh khi bố trí vốn cần xem xét yếu tố đặc thù, có như vậy mới giải quyết được “nút thắt” về HTGT miền núi nói riêng. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù cực kỳ thông thoáng để thu hút nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Cạnh đó, huyện còn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí nâng cấp, mở rộng và xây lắp mới một số tuyến đường. Chủ tịch UBND huyện Hồ Quang Bửu khẳng định, cấp thiết nhất là đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 40B đoạn từ thị trấn Trà My (Bắc Trà My) lên Tắc Pỏ (Nam Trà My). Song trước mắt, Bộ Giao thông vận tải cần làm ngay đoạn tuyến dài 32km từ thủy điện Sông Tranh lên trung tâm huyện có mặt đường quá nhỏ, hư hỏng và tồn tại đến 12 khúc cua rất nguy hiểm; thực trạng đó gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến việc triển khai Đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 đã được Chính phủ thông qua.

Tại buổi làm việc, đại diện địa phương cũng đã giải trình rõ thêm về những vấn đề liên quan đến bất cập trong cơ chế, chính sách, trong quy hoạch HTGT nói chung, chỉ ra đâu là chính sách đặc thù cực kỳ thông thoáng để thu hút nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Thay mặt đoàn giám sát, ông Phan Thái Bình cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến kiến nghị, đề xuất. Những vấn đề thuộc thẩm quyền trả lời, giải quyết của cấp nào, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp để kiến nghị đến cấp đó.   

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ