Nâng chất môi trường đầu tư

TRỊNH DŨNG 03/07/2017 09:08

Chính quyền cam kết phục vụ doanh nghiệp và người dân bằng những kế hoạch hành động cụ thể. Sẽ có thêm hệ thống đánh giá, phân cấp, phân quyền, theo dõi, giám sát kết quả, hướng đến việc cải thiện 4 bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành, cung cấp môi trường đầu tư tốt và sự hài lòng của người dân. Đó là những vấn đề quan trọng được đề cập tại hội nghị vừa qua.

Tiếp cận đất đai vẫn là điểm yếu trong đánh giá của cả 4 bộ chỉ số vừa được phân tích tại hội nghị ngày 30.6.2017.
Tiếp cận đất đai vẫn là điểm yếu trong đánh giá của cả 4 bộ chỉ số vừa được phân tích tại hội nghị ngày 30.6.2017.

Một tăng, ba giảm

Bốn bộ chỉ số được UBND tỉnh lần đầu tiên tổ chức phân tích, đánh giá hôm 30.6.2017 có khá nhiều điểm khác biệt. Ba chỉ số thuộc quyền “kiểm soát” của Sở Nội vụ có khá nhiều thay đổi. Chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, ghi nhận đánh giá của người dân), Quảng Nam đứng vị thứ 30/63 tỉnh, thành cả nước (đạt 35,99 điểm). So với năm 2015, giảm đến 10 bậc, đứng trong nhóm tỉnh, thành đạt điểm trung bình cao. Chỉ số thủ tục hành chính công đạt điểm cao nhất (6,82 điểm) và thấp nhất ở chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân (5,12 điểm). Chỉ số PAR INDEX (chỉ số về cải cách hành chính do chính Bộ Nội vụ điều hành, xếp hạng) đạt 71,82 điểm, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố và tăng 6 bậc. Trong đó, chỉ số thành phần xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt giá trị cao nhất với tỷ lệ 100%, chỉ số có kết quả thấp nhất, chỉ đạt tỷ lệ 25% là chỉ số thành phần hiện đại hóa nền hành chính và chỉ số ICT INDEX đứng ở vị trí thứ 30/63 tỉnh, thành phố cả nước, đứng thứ 9 khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhưng giảm 5 bậc so năm 2015. Riêng chỉ số PCI (ghi nhận đánh giá của doanh nghiệp về năng lực điều hành của chính quyền cấp tỉnh), theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2016 Quảng Nam có điểm tổng hợp 61,27 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và thứ 02/12 khu vực duyên hải miền Trung (sau Đà Nẵng). Đây là lần thứ 2 liên tiếp Quảng Nam lọt vào top 10 chỉ số PCI cao nhất nước (thuộc nhóm tỉnh, thành có chỉ số tốt). Có 4/10 chỉ số tăng điểm, tăng hạng gồm: chỉ số gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch và tính năng động của chính quyền tỉnh. 6/10 chỉ số giảm điểm, giảm hạng gồm: chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Tuy nhiên, cho dù tổng điểm số có gia tăng (tăng 0,11 điểm), nhưng thứ hạng lại tụt 2 bậc so với năm 2015.

Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam nói những thống kê này cho thấy nỗ lực cải cách vẫn chưa đạt yêu cầu. Năng lực cạnh tranh chưa ổn định, thiếu bền vững, các chỉ số thành phần biến động, tăng giảm không đều, trong khi đó nhiều tỉnh, thành đã có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong cải cách thủ tục hành chính, bứt phá hơn về cải thiện các chỉ số thành phần trong PCI.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa vượt trội so với các tỉnh, thành trong cả nước, một số chỉ số thành phần điểm rất thấp, thậm chí bằng 0, thể hiện nỗ lực cải cách vẫn chưa thực sự bứt phá. Chính bảng xếp hạng này đã trở thành động lực tạo ra những cuộc đối thoại công tư thiết thực để thúc đẩy cải cách và tạo ra sự thay đổi. Kết quả chỉ số sụt giảm này hàm chứa một ý nghĩa là rất cần tăng cường tham vấn, công khai phản hồi những đề xuất, góp ý của người dân và doanh nghiệp.

Chính quyền “hành động và phục vụ”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng đây là lần đầu tiên Quảng Nam tổ chức công bố 4 bộ chỉ số. Ý nghĩa không chỉ đối với các cấp chính quyền mà cả người dân vì bất cứ cải thiện nào của các chỉ số này cũng là chỉ dấu cho sự phát triển của Quảng Nam. Chính quyền, cơ quan quản lý phải hết sức cầu thị và tin vào sự đánh giá của các chỉ số này. Điều quan trọng là tạo ra sự minh bạch để ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu, nhất là những đề xuất của doanh nghiệp, dân chúng có được tiếp thu hay không và giải quyết như thế nào?

Ông Trần Hữu Doãn – Chủ tịch HĐQT Công ty Tuấn Đạt (doanh nghiệp duy nhất phát biểu tại hội nghị này) chỉ yêu cầu chính quyền công bằng hơn trong việc cung cấp môi trường đầu tư cạnh tranh bình đẳng, kể cả tiếp cận đất đai giữa các loại hình doanh nghiệp. Phía các địa phương, ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói chính quyền lúc nào cũng đồng hành với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, chính quyền sẽ cùng doanh nghiệp lo, làm thủ tục cho đến khi khởi sự đầu tư thành công. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói mặc dù đã cố gắng nhưng nỗ lực cải cách vẫn chưa thực sự nổi bật bởi việc giải quyết một số vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng và đất đai còn gặp nhiều vướng mắc. Ông Úc kiến nghị chính quyền cấp tỉnh giải quyết và phân cấp cho địa phương trong việc giải quyết đất kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.

Cơ quan quản lý cho rằng cần sự hợp tác thì mọi chuyện sẽ hanh thông. Ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết sẽ thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa cán bộ tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, chỉ số tiếp cận đất đai luôn bị đánh giá thấp, nhưng đây là thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều cấp nên cần sự hợp tác nhiệt tình của các bên trong việc vận dụng linh hoạt các chính sách. Còn người dân, doanh nghiệp một khi làm đúng các quy định, thủ tục rồi thì không lý do gì cán bộ không tiếp nhận và xử lý. Công việc khá phức tạp, nhân viên thừa hành lại ít, khó có thể tránh khỏi thiếu sót, nên yêu cầu doanh nghiệp, người dân cho ý kiến, phản hồi những ai làm thiếu trách nhiệm để cơ quan này có thể chấn chỉnh nhân viên của mình. Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng nói thủ tục cấp phép xây dựng được nói quá nhiều trong thời gian qua, nhưng nói cho cùng, đó cũng là khâu cuối cùng trước khi cấp phép. Việc chậm chạp này là do các thủ tục khác (thẩm định đánh giá ĐTM, phòng cháy chữa cháy, đất đai…). Nếu có đầy đủ giấy tờ thì chỉ 1 ngày là có ngay giấy phép xây dựng. Sẽ không gặp khó khăn gì.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định việc đánh giá các bộ chỉ số này là thước đo để đánh giá trình độ, năng lực điều hành của chính quyền, cơ quan quản lý và mỗi công chức phải tự soi mình để thay đổi, cải cách triệt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Sẵn sàng đón nhận những ý kiến đóng góp để cung cấp môi trường đầu tư tốt, tạo sự hài lòng cho người dân về một chính quyền hành động, phục vụ thay vì quản lý như trước đây.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG