Kiểm soát xe quá khổ, quá tải: Cần vào cuộc đồng bộ
Hiện nay tình trạng xe quá khổ, quá tải trọng lưu thông với lưu lượng nhiều, nên cần có sự vào cuộc đồng bộ, thường xuyên của các lực lượng chức năng.
Thanh tra Sở GTVT vận hành trạm cân lưu động trên QL14B. Ảnh: N.B |
Kết quả đáng ghi nhận
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), những năm về trước, xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép lưu thông đông đúc đã làm hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ, giảm tuổi thọ cầu, đường. Không chỉ gây bức xúc nơi dư luận xã hội, thực trạng trên còn làm mất trật tự an toàn giao thông (ATGT), được nhận diện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thương tâm. Năm 2014, công tác phối hợp, kiểm tra và xử lý phương tiện quá tải được chú trọng, thông qua việc UBND tỉnh thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 23 gồm Thanh tra Sở GTVT và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh (PC67). Hai lực lượng này sát cánh vận hành trạm, chủ yếu trên quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh, thời gian kiểm soát 24/24 giờ. Trong lúc, xe tải chở đất cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nói riêng, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng nói chung quá tải trọng cầu, đường cho phép lại tung hoành trên ĐT609B và ĐT609 (Đại Lộc, Điện Bàn), là tác nhân khiến tuyến đường xuống cấp “thần tốc”. Chính vì thế, nhiều thời điểm trạm được “điều động” về đặt tại km13+600 trên tuyến ĐT609.
“Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh thành lập Tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng xe, chở quá trọng tải quy định. Các lực lượng phối hợp bao gồm Văn phòng Ban ATGT tỉnh, PC67, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, Thanh tra Sở GTVT và Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam phát hiện và lập biên bản xử lý 195 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt khoảng 413 triệu đồng” - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Lê Văn Sinh nói. Ngoài chức trách phối hợp liên ngành, Thanh tra Sở GTVT liên tục di chuyển đến 83 địa chỉ tại các huyện, thị xã, thành phố để yêu cầu chủ doanh nghiệp liên quan ký cam kết không vi phạm quy định về chở hàng quá trọng tải cho phép. Qua thực thi công vụ, thanh tra viên lập biên bản vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên ô tô 81 trường hợp, xử phạt 427 triệu đồng. Ngoài ra, công an một số địa phương cũng được Ban ATGT tỉnh trang bị 6 bộ cân xách tay để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tại các tuyến ĐT, ĐH. Có thể khẳng định, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đã tạo chuyển biến rõ rệt trong hạn chế xe quá khổ quá tải, chở hàng để rơi vãi trên QL1 và một số tuyến giao thông khác.
Cần vào cuộc đồng bộ
Theo chỉ đạo của Bộ Công an, kể từ ngày 20.9.2016, lực lượng của PC67 tạm dừng phối hợp làm việc với Thanh tra Sở GTVT tại trạm cân lưu động. Và sau đó, các lực lượng chức năng hoạt động riêng trong công tác kiểm tra, xử lý phương tiện chở quá tải trọng. Kết quả đạt được từ lúc “độc lập tác chiến” cho đến đầu tháng 5 vừa qua khá khả quan. Qua tuần tra, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện xử lý 1.538 trường hợp vi phạm, phạt 3,267 tỷ đồng, tước 372 giấy phép lái xe, tạm giữ 218 phương tiện. Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT ngoài tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 23 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam trang bị) còn sử dụng cân xách tay để phạt hành vi tự ý thay đổi tăng kích thước thùng xe, chở quá tải trọng cho phép trên nhiều tuyến ĐT, ĐH, các tuyến QL do trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý. Kết quả, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 228 trường hợp với tổng số tiền là 1,067 tỷ đồng, tước 27 giấy phép lái xe, buộc hạ tải 475,86 tấn. Thế nhưng, thực tế hoạt động đã có nhiều vấn đề phát sinh: tài xế không hợp tác khi lực lượng yêu cầu kiểm tra; ngoài chuyện tránh dừng, hành động phóng quá tốc độ còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường; khó phạt nguội vì không có dữ liệu lưu trữ...
Theo thống kê từ ngày 20.9.2016 đến 10.5.2017, PC67 đã phát hiện xử lý 913 trường hợp, ra quyết định xử phạt số tiền 2,14 tỷ đồng, tước 197 giấy phép lái xe, tạm giữ 61 ô tô. Trong đó, vi phạm tải trọng có 97 xe, 177 phương tiện chở hàng vượt quá chiều cao, 164 xe chở hàng rơi vãi, 475 trường hợp lắp thùng xe có kích thước không đúng thiết kế của nhà sản xuất. Phương tiện vi phạm quá tải đều buộc hạ tải theo quy định, khối lượng khoảng 110 tấn. |
Đặt trạm cân tại QL14B, vị trí phía trên ngã ba Đại Hiệp, xe quá tải trọng còn né bằng cách đi vào tuyến ĐT609, ĐT609B khiến tình hình trật tự ATGT qua Đại Lộc càng thêm phức tạp. Nhân lực mỏng, lại bố trí cho nhiều nhiệm vụ khác nhau (đường thủy nội địa, thanh tra chuyên ngành, tổ liên ngành…), hiệu quả công việc của các thanh tra viên khó đảm bảo. Ngược lại, chính quyền một số địa phương chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt, chỉ đạo xuyên suốt đối với công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm liên quan. Mỗi lực lượng, mỗi địa phương làm mỗi kiểu khác nhau vô tình tạo ra lỗ hổng, để rồi nhiều tuyến ĐT, ĐH xuất hiện nhan nhản xe chở quá tải trọng. Những bộ cân xách tay mà Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT cấp huyện trang bị chưa được phát huy tối đa hiệu quả. Trạm cân không còn thường trực trên QL1. Đồng thời hai trạm thu phí án ngữ hai đầu nam - bắc Quảng Nam chưa được tích hợp làm trạm cân tải trọng phương tiện dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát vi phạm.
Để tiếp tục lập lại trật tự ATGT đường bộ, ông Lê Văn Sinh cho biết đã kiến nghị Bộ GTVT đưa vào quy hoạch và tích hợp 2 trạm thu phí Điện Bàn và Núi Thành trên QL1 làm trạm cân tải trọng phương tiện. Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh còn kiến nghị Ủy ban ATGT quốc gia có chỉ đạo và hướng dẫn tiếp tục duy trì hoạt động phối hợp các lực lượng liên ngành làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý vi phạm về xe tự ý cơi nới kích thước thành, thùng xe. Một người có trách nhiệm thì cho rằng, đã đến lúc công an các địa phương có cân xách tay hãy thôi phó thác hay “đổ lỗi” hết cho lực lượng thực thi công vụ từ phía tỉnh. Có như thế, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện triển khai trong thời gian tới mới đồng bộ, quyết liệt và triệt để hơn.
NGỌC BÍCH