Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 4: Chênh lệch giá bồi thường, hỗ trợ
Tuy đã có các quy định rõ ràng trong vận dụng Luật Đất đai hiện hành nhưng mỗi nơi chi trả bồi thường - hỗ trợ (BT-HT) tái định cư (TĐC) mỗi kiểu, thiếu tính thống nhất nên nhiều địa phương rất lúng túng trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB).
|
Vướng mắc về cơ chế
Không tạo thành “điểm nóng” về áp lực GPMB như các xã vùng đông của huyện Duy Xuyên, Thăng Bình nhưng TP.Tam Kỳ vẫn gặp không ít vướng mắc về thu hồi đất, BT-HT, TĐC cho người dân. Trước khi thu hồi đất, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và các ngành chức năng tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân trong vùng dự án bị thu hồi đất về phương án TĐC (xây dựng khu TĐC riêng, bố trí TĐC xen ghép trong các dự án khu dân cư đã được xây dựng hoàn thiện hoặc tự tìm chỗ TĐC bằng hình thức nhận tiền hỗ trợ). Theo thống kê của UBND TP.Tam Kỳ, từ năm 2016 đến nay, địa phương đã phê duyệt 96 phương án BT-HT, TĐC; thực hiện thu hồi đất 753 hộ gia đình, cá nhân cho 70 dự án, công trình trên địa bàn; đã chi trả được hơn 247 tỷ đồng. Có tổng cộng 416 hộ bị giải tỏa di dời, đã bố trí TĐC cho 316 hộ. Vướng mắc khi triển khai thu hồi đất là khó xác nhận nguồn gốc sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện công tác BT-HT.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế các khu tái định cư tại xã Tam Hiệp mới đây. Ảnh: H.PHÚC |
Phần lớn các khiếu nại, kiến nghị của người dân bị thu hồi đất trên địa bàn Tam Kỳ đều cho rằng, giá BT về đất còn thấp, chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, không đồng ý về xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất; đề nghị công nhận lại hạn mức đất ở và bố trí cho hộ phụ thứ hai, thứ ba trở lên. Cơ chế chính sách BT luôn thay đổi dẫn đến chính sách, đơn giá BT không thống nhất, thiếu đồng bộ như dự án đường Điện Biên Phủ, kè sông Bàn Thạch, khu dân cư - TĐC và đường dẫn vào cầu Kỳ Phú 1 & 2...
Chính sách BT-HT, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện thiếu thống nhất ở các dự án. TRONG ẢNH: Một góc hạ tầng khu tái định cư xã Duy Hải giai đoạn 1. |
Tại TP.Tam Kỳ, trước đây tiến độ GPMB một số dự án lớn như đường Điện Biên Phủ, cầu Kỳ Phú 1 & 2, nút đường Tôn Đức Thắng - Duy Tân chậm chạp do khung giá đất chung hàng năm của UBND tỉnh chưa thực sự phù hợp với giá thực tiễn. Giá đất BT thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế. Giá đất giữa các vị trí đường chênh lệch lớn, chẳng hạn nút đường Tôn Đức Thắng - Duy Tân, phía bắc giá 5,5 triệu đồng/m2, nhưng phía nam chỉ ở mức giá 3,6 triệu đồng/m2. Kiệt hẻm của các trục đường chính cao hơn giá đất của các trục đường khác. Thêm nữa, có nơi đất vườn, đất nông nghiệp tổng mức BT thiệt hại còn cao hơn giá đất ở liền kề.
Bất hợp lý trong chính sách đất đai tại Tam Kỳ còn ở chỗ, giá đất BT mỗi nơi có sự chênh lệch nhưng khi đưa vào khu TĐC đều mua chung một giá nên khiến người dân so bì quyền lợi, khiếu nại. Nhìn nhận bất hợp lý này, từ năm 2017, Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh TP.Tam Kỳ đã tính toán phần chênh lệch đơn giá đất TĐC để đảm bảo tính công bằng. Ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh TP.Tam Kỳ cho hay, mỗi dự án khác nhau có sự BT-HT chênh lệch tùy thuộc vào vị trí, quy mô loại đường, nhưng từ khi xác định giá đất cụ thể sát thị trường đã không còn tính chênh lệch lớn trong giá BT-HT giữa các dự án trong cùng khu vực.
Trước những vướng mắc nêu trên, ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ đề xuất: “Đề nghị cho phép UBND TP.Tam Kỳ xây dựng điều chỉnh bảng giá đất thời kỳ 2015 - 2019 trên địa bàn trình thẩm định, phê duyệt theo hướng sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường để thuận lợi cho công tác thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể thực hiện BT khi Nhà nước thu hồi đất và giá đất để bố trí TĐC”.
Mỗi nơi mỗi kiểu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn giá BT loại đất nông nghiệp bị thu hồi ở huyện Thăng Bình thấp hơn địa bàn huyện Duy Xuyên. Cụ thể, Thăng Bình được BT đất trồng rừng là 12 nghìn đồng/m2, đất trồng cây hàng năm 28,6 nghìn đồng/m2; còn Duy Xuyên đất trồng rừng 18 nghìn đồng/m2 và đất trồng cây hàng năm 30 nghìn đồng/m2. |
Tại xã Duy Hải (Duy Xuyên) nhiều hộ dân không chịu nhận tiền BT, bàn giao mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Cùng một khu vực có hạ tầng tương đối tương đồng, các cơ quan cũng áp giá BT theo đơn giá khác nhau. Hộ ông Nguyễn Bá Lời (ở thôn Tây Sơn Tây, xã Duy Hải) phân bua: “Trên địa bàn xã cùng khu vực với nhau, nhưng tại sao cơ quan chức năng áp giá BT đất trồng cây hàng năm theo vị trí 2 với đơn giá 26 nghìn đồng/m2 trong khi nhiều hộ dân khác được chi trả 30 nghìn đồng/m2. Tiền BT đất nông nghiệp quá thấp không biết gia đình sẽ xoay xở ra sao”. Không riêng gì hộ ông Lời mà hơn 10 hộ dân khác trên địa bàn thôn Tây Sơn Tây đều so đo sự chênh lệch giá BT. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải xác nhận, có tình trạng người dân không thống nhất phương án BT đất nông nghiệp do chênh lệch giá khi các đơn vị làm chủ đầu tư áp dụng. Tại Duy Hải, có nhiều đơn vị làm chủ đầu tư dự án TĐC như Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai; Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai có trung tâm BT- GPMB và trung tâm phát triển hạ tầng. “Riêng dự án khu TĐC ven biển Bình Dương (thuộc hai huyện Duy Xuyên và Thăng Bình), GPMB tại địa bàn xã Duy Hải do Trung tâm Phát triển hạ tầng làm chủ đầu tư, nhiều trường hợp người dân chỉ được BT đất trồng cây hàng năm 26 nghìn đồng/m2, trong khi khu vực lân cận do Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai làm chủ đầu tư thì BT với giá 30 nghìn đồng/m2” - ông Thống nói.
Bất hợp lý nữa là cách tính giá thành của đất TĐC hiện nay khá cao, chênh lệch lớn so với giá đất ở được BT. Những trường hợp nhận đất TĐC nhưng không thuộc diện được HT theo Quyết định số 02/UBND của UBND tỉnh phải nộp tiền sử dụng đất đều không thống nhất nhận đất TĐC, gây khó khăn đến tiến độ GPMB. Theo quy định tại Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND, Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22.12.2014 của UBND tỉnh thì diện tích TĐC không vượt quá 2 lần hạn mức đất ở theo quy định, đồng thời trong trường hợp giá đất ở bị thu hồi thấp hơn giá đất TĐC thì phần chênh lệch được HT. Quy định này tạo thuận lợi cho những người có diện tích đất ở thu hồi ít (dưới 2 lần hạn mức đất ở) nhưng tại 2 huyện Duy Xuyên và Thăng Bình nhiều hộ có diện tích đất ở bị thu hồi nhiều (trên 2 lần hạn mức đất ở) phần diện tích bị thu hồi vượt quá diện tích TĐC được BT theo đơn giá quy định của tỉnh, trong khi giá đất quy định chưa sát với giá thị trường nên chưa nhận được sự đồng tình của người dân.
Theo các địa phương vùng đông, đơn giá BT về đất nông nghiệp vẫn còn thấp. Việc xác định giá đất cụ thể, thẩm định và phê duyệt để BT đối với đất nông nghiệp chủ yếu căn cứ vào đơn giá quy định tại Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 25.12.2014 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về giá đất, bảng giá đất thời kỳ 5 năm (2015 - 2019) trên địa bàn tỉnh. Ông Huỳnh Bửu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai (đơn vị làm công tác BT-HT, GPMB dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An) thừa nhận, có chênh lệch về đơn giá nhưng giá đất từng khu vực khi làm BT có đơn vị dịch vụ tư vấn khảo sát xây dựng giá đất cụ thể để áp dụng BT. Giá đất nông nghiệp được BT có sự chênh lệch giữa các địa phương vùng đông.
TRẦN HỮU
Bài 5: Chờ đất tái định cư