Khó đầu tư xây dựng khu tái định cư

TRỊNH DŨNG 23/05/2017 14:19

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn khiến nhiều dự án không thể triển khai... có lý do từ việc ách tắc trong đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho dân.

Hiện trạng các dự án khu tái định cư cơ bản hoàn thành tại Hội An. Ảnh: T.D
Hiện trạng các dự án khu tái định cư cơ bản hoàn thành tại Hội An. Ảnh: T.D

Nhiều dự án khó triển khai

Một phần con đường ven biển nối từ Sơn Trà (Đà Nẵng) qua Hội An đã bắt đầu có thêm sinh khí. Nếu như dự án của Vinpearl, Hide Way, IOC… không thể tiến hành như dự kiến do tình trạng biển bị xâm thực mạnh thì nhiều dự án du lịch khát vốn nhiều năm “đứng bánh” không hiểu vì lý do gì đã khởi động trở lại. Vina Capital Hội An, Tri Việt - Qudos, Beach Villas, New Hội An… đang hối hả thi công. Dự án của Công ty CP Thế kỷ 21 sau nhiều năm bỏ dở, những dãy nhà xây đầu tiên đã bị đập bỏ, chuyển về tay một chủ đầu tư khác cũng đã được đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều dự án để lại trên mặt đất trống trơn sau hàng rào gãy đổ hoặc không ít dự án vẫn còn “lạc” vào rừng dương hay lọt giữa những khu dân cư đông đúc. Dự án không thể triển khai, còn người dân địa phương thì loay hoay chuyện đi - ở, không thể làm gì được trên phần đất của mình. Các nhà đầu tư cho rằng chính sự trì trệ trong việc xây dựng các khu tái định cư đã cản trở tiến độ, biến dự án “treo” trong nhiều năm. Còn chính quyền sở tại nói các nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính nên đã “lần lữa” điều chỉnh dự án, tìm cách liên doanh, liên kết… và không loại trừ cả việc găm, giữ đất để chờ sang nhượng. Giám đốc Công ty CP Hội An Thái Bình Dương Nguyễn Phú Quý cho rằng địa phương không giao được đất thì làm sao nhà đầu tư có thể triển khai dự án. Chỉ cần có tái định cư là doanh nghiệp sẵn sàng ứng tiền bồi thường, triển khai dự án.

Câu chuyện trì trệ của công tác giải phóng mặt bằng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nêu lên rất nhiều lần trong các cuộc họp hay hội nghị đầu tư. Người đứng đầu chính quyền Quảng Nam nói hiện tại có đến hàng chục dự án ven biển (có những dự án tại Hội An) “đắp chiếu”, không thể triển khai được vì thiếu mặt bằng. Thậm chí có những nhà đầu tư phải chờ đợi đến 9 hay 10 năm ròng vẫn không thể nhận được mặt bằng. Các nhà đầu tư thực sự ngán ngẩm vì không biết bao giờ địa phương mới có thể giao mặt bằng cho họ triển khai dự án. Các dự án chậm triển khai có một phần lỗi do cơ chế, chính sách phức tạp. Bồi thường, giải phóng mặt bằng nhiều năm bị ách tắc, không giải tỏa nổi bởi địa phương đã không thể trả lời được câu hỏi: đất quy hoạch cho tái định cư ở đâu?

Loay hoay tìm đất, vốn đầu tư

Gió từ mặt sông Đế Võng thổi làm mát dịu cái nắng khô khốc đang “dội” xuống khu tái định cư làng chài (Cẩm An) và khu đô thị Phước Trạch – Phước Hải (Cửa Đại, Hội An) – giai đoạn 2. Trái ngược với hình ảnh hoang vắng, lơ thơ cây cỏ bày ra trên mặt dự án khu đô thị Phước Trạch - Phước Hải (do Công ty CP Đầu tư xây dựng 501 làm chủ đầu tư dự án) thì khu tái định cư làng chài như một công trường ngổn ngang nhà dân đang xây dựng. Hiện tại khu tái định cư này đã bố trí cho 201 hộ với diện tích đất tái định cư và mua thêm 56.600m2.

Theo UBND TP.Hội An, từ năm 2013, Hội An đã bố trí 281 hộ trên diện tích 72.436m2 tại hai dự án tái định cư kể trên. Ba dự án khác là khu dân cư Lâm Sa - Tú Lễ - Xuân Hòa (Cẩm Phô), khu dân cư Nhị Trưng - Cồn Thu (Minh An) và khu đô thị An Bàng (Cẩm An) cũng đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Tổng số hộ bị ảnh hưởng di dời khoảng 869 hộ với tổng diện tích ảnh hưởng của 5 dự án trên là 785.914m2. Tuy nhiên, hiện tại, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng chỉ 590.653m2 và 407 hộ (281 hộ thu hồi đất và 126 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp) đã di dời, bàn giao đất. Dự kiến diện tích bố trí tái định cư trong thời gian đến là 52.915m2 cho 170 hộ. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay các khu tái định cư mở ra nhằm chỉnh trang, sắp xếp, tái định cư cho các hộ tại dự án và bố trí tái định cư cho các hộ giải tỏa dự án kinh tế, dự án du lịch lân cận với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Hình thành khu dân cư mới có không gian kiến trúc cảnh quan phù hợp với quy hoạch tổng thể vệt du lịch ven biển từ thị xã Điện Bàn đến Hội An, đồng thời tạo một đô thị xanh – sạch – đẹp giáp biển, sông Đế Võng và tuyến đường du lịch ven biển.

Theo thống kê, tổng kinh phí đầu tư cho 3 dự án tái định cư An Bàng, Nhị Trưng - Cồn Thu và Lâm Sa - Tú Lễ - Xuân Hòa cần đến hơn 500 tỷ đồng để hoàn tất việc đầu tư xây dựng nhưng hiện tại chính quyền địa phương đang gặp khó. Ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, theo quy định tái định cư phải đi trước một bước khi thực hiện công tác bồi thường, nhưng đa số địa phương không chủ động được quỹ đất tái định cư. Nguyên nhân là không có nguồn kinh phí để xây dựng trước các khu tái định cư để bố trí đất cho người dân. “Không có quỹ đất trống nên không làm tái định cư riêng, chỉ có thể làm từ từ. Nhiều dự án như dự án Thái Bình Dương vẫn còn khá nhiều hộ không nhận tiền bồi thường, số còn lại xin đổi đất. Những dự án mới giải tỏa mặt bằng không thể thực hiện được vì chính sách thấp quá, lạc hậu với giá thị trường. Nguồn lực đầu tư hạn hẹp. Khi phương án bồi thường phê duyệt xong thì chính quyền địa phương vận động, nhưng khi tiền ngân sách rót về để cho Hội An chi thì có mạch bị ngắt quãng. Nếu như tại cuộc vận động, có tiền chuyển cho dân ngay thì sẽ xong. Nhưng thiếu tiền nên vận động xong, giá đất lại lên chóng mặt khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn” - ông Hùng nói.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG