Lỗi tại… kinh phí

SÁU CÒI 25/04/2017 08:21

Sáu tôi đã từng đề cập nỗi bất an về tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) trên một số tuyến đường tại địa bàn Đại Lộc, nhất là tuyến ĐT609B do phương tiện tăng đột biến khi cầu Giao Thủy đưa vào sử dụng. Dù đã cảnh báo và lường trước nguy cơ mất ATGT nhưng tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra do không có kinh phí đầu tư.

Trước khi cầu Giao Thủy hoàn thành, nhiều đoạn phía tây cầu Ái Nghĩa thuộc tuyến ĐT609 chưa được nâng cấp, khu vực qua địa bàn các xã Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Hưng và nhất là Đại Nghĩa, Đại Quang bị hư hỏng nặng. Trên ĐT609B, đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông nhiều năm qua xuống cấp toàn diện, mặt đường sụt lún nghiêm trọng do thường xuyên bị ngập nước, xe tải chở vật liệu quá tải trọng lưu thông với mật độ dày đặc. Đến lúc cầu Giao Thủy đưa vào khai thác, ĐT609 phía tây cầu Ái Nghĩa vẫn như cũ. ĐT609B, đoạn ngã ba Hòa Đông - ngã ba Đại Hiệp được chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng -  Quảng Ngãi hoàn trả nguyên trạng mặt bê tông nhựa, khỏa những“ổ voi” rộng 5,5m. Đoạn tuyến này kết nối liên hoàn ĐT610, cầu Giao Thủy và quốc lộ 14B ra Đà Nẵng và ngược lại, cho nên lưu lượng phương tiện đi lại tăng đột biến. Chưa kể hằng ngày có hàng nghìn lượt xe tải nặng vận chuyển cát ra vào Đại Lộc (địa bàn Đại Lộc có 17 mỏ cát) khiến giao thông thêm hỗn loạn.

Theo thống kê, 4 tháng đầu năm, trên địa bàn Đại Lộc xảy ra 10 vụ TNGT làm chết 8 người và làm bị thương 4 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ TNGT tăng 3, tăng 7 người chết. Số liệu cho thấy, TNGT nghiêm trọng gây tử vong tăng rất cao. Cuối tháng 3 đến ngày 19.4, toàn huyện xảy ra 4 vụ khiến 4 người chết thì tuyến ĐT609B xảy ra 3 vụ làm 3 người chết, 2 người bị thương; riêng “đoạn đường đen” ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông chiếm 2 vụ, gây tử vong cho 2 trường hợp và làm bị thương 2 trường hợp khác. Người dân sinh sống ven tuyến còn cho biết, đó là chưa kể nhiều trường hợp tự té ngã hoặc va chạm chưa đến mức nguy kịch đã tự thỏa thuận giải quyết hậu quả. Họ đặt câu hỏi: Nếu đem so sánh hơn 4,5km của “đoạn đường đen” với con số tương đương trên quốc lộ 1 sẽ thấy hậu quả khủng khiếp đến mức nào. Cử tri nơi đây đã biết bao lần lên tiếng đề nghị đầu tư nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn lý do cũ là không có kinh phí. Vì vậy, hơn một năm qua người dân 2 lần cầu cứu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thông qua tiếp xúc với đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam. Và cả 2 lần trả lời, Bộ GTVT khẳng định: Chức trách thực hiện thuộc thẩm quyền của Quảng Nam, bởi rõ ràng tỉnh lộ (ĐT) do tỉnh quản lý.   

Đối với Sở GTVT, ngành chức năng này đã nhiều lần kiến nghị cần nâng cấp, mở rộng đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông, trước để giải quyết nhu cầu đi lại, “đón đầu” cầu Giao Thủy thông xe, sau là hạ nhiệt vấn nạn. Nhưng năm 2016, văn bản mà ngành đã tham mưu không thành. Cuối tháng 3 vừa qua, Sở GTVT tiếp tục có văn bản xin chủ trương đầu tư xây dựng mương thoát nước dọc và gia cố lề vừa để bảo vệ bê tông nhựa khỏi bị nước đọng gây hư hỏng, lại vừa mở rộng được phần đường xe chạy từ 5,5m lên 9 - 10,5m, nhưng lại ách tắc ở nguồn vốn. “Nước đã đến chân”, còn người có trách nhiệm lại loay hoay bài toán kinh phí thì chẳng rõ “đoạn đường đen” sẽ tiếp tục gây ra hậu quả nghiêm trọng gì nữa.

SÁU CÒI

SÁU CÒI