Phát triển hạ tầng đường bộ: Đầu tư có trọng điểm

KHẢI KHIÊM 13/04/2017 08:36

Loại bỏ dần cách làm dàn trải, hạ tầng đường bộ những năm gần đây đã được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài thành quả đầu tư giao thông nông thôn (GTNT), việc kiên cố hóa đường huyện (ĐH) và nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ (ĐT) cũng tạo động lực để nhiều địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Kiên cố hóa ĐH

Nhờ chương trình kiên cố hóa GTNT, đường sá ở khu dân cư được đổ bê tông xi măng cứng cáp. Trong khi đó, ĐH nắm vai trò cốt yếu nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính xã, cụm xã hoặc nối các trung tâm hành chính của các huyện lân cận với nhau; kết nối mạng lưới GTNT với quốc lộ (QL) và ĐT nhưng nhiều tuyến chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến xuống cấp, ách tắc giao thông về mùa mưa.

 Một tuyến ĐH được kiên cố hóa khang trang.Ảnh: K.KHIÊM
Một tuyến ĐH được kiên cố hóa khang trang.Ảnh: K.KHIÊM

Hiện toàn  tỉnh vẫn còn hơn 643/1963,2km ĐH có bề mặt chủ yếu là đất và cấp phối. Đơn cử như ở Thăng Bình, là địa phương có diện tích rộng nên nhiều tuyến ĐH chưa được đầu tư, nâng cấp. Vào mùa mưa, nhiều tuyến đường lầy lội khiến lưu thông giữa các xã trong huyện, các thôn trong xã có thời điểm bị tắc nghẽn, gây khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. “Bản thân tôi cũng đã bao lần bị đường “cản trở” khi xuống cơ sở. Huyện thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân song “lực bất tòng tâm” vì không có kinh phí” - nguyên Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, ông Nguyễn Văn Ngữ có lần tâm sự.

Đề án kiên cố hóa ĐH đã tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho địa phương.
Đề án kiên cố hóa ĐH đã tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho địa phương.

Trước bức xúc về giao thông cấp huyện, từ năm 2012, UBND tỉnh có chủ trương giao cho UBND huyện Thăng Bình tổ chức bê tông hóa một số tuyến ĐH với cơ chế tự xây dựng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách huyện bố trí 50%. Qua 3 năm triển khai cho thấy, hệ thống giao thông của Thăng Bình cải thiện rõ rệt, được nhân dân đồng tình. Từng trải qua nỗi nhọc nhằn xen lẫn bức xúc do đường từ Bình An đi Bình Quế đầy đất và sình lầy, người dân 2 địa phương bây giờ thở phào nhẹ nhõm vì bề mặt đã đổ bê tông xi măng theo cơ chế tỉnh hỗ trợ “đặc biệt”. ông Võ Công Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính Sở Giao thông vận tải cho biết, trên cơ sở hiện trạng, nhu cầu và kết quả thí điểm tại huyện Thăng Bình, UBND tỉnh giao cho ngành lập Đề án kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH giai đoạn 2015 - 2020. Tại kỳ họp thứ 12 (khóa VIII) năm 2014, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua đề án để thực hiện.

Ông Mai Đình Lự - nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc cho rằng đề án đã trợ lực kịp thời cho các huyện vì kinh phí của cấp quản lý trực tiếp này quá hạn hẹp. Sau 2 năm (2015 – 2016) triển khai, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 96km mặt đường, 1 cầu (Cẩm Kim, Hội An) với tổng kinh phí hơn 296,6 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 163,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 132,8 tỷ đồng. Việc kiên cố hóa ĐH đã tháo được “điểm nghẽn” để tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn; tạo điều kiện để nhân dân khu vực nông thôn tiếp cận với hệ thống ĐT, QL; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nâng cấp, mở rộng ĐT

Hệ thống giao thông ngày càng được hoàn thiện

Năm 1997, hệ thống QL và ĐT trên địa bàn tỉnh có 886km, trong đó 284km là đường nhựa (chiếm 32%). Tuyến đường huyết mạch QL1 qua Quảng Nam mới đạt tiêu chuẩn cấp IV, rộng 9m. Đến năm 2016, chiều dài 988km hệ thống QL và ĐT đã được nhựa hóa 100%, tiêu chuẩn tối thiểu cấp V, phổ biến đạt cấp IV, nhiều tuyến đạt tiêu chuẩn cấp II, cấp III. Trước đây, tỉnh chỉ đưa vào quản lý 2.245km các tuyến ĐH và GTNT, mặt đường chủ yếu là đất thì bây giờ xây dựng bổ sung và quản lý chiều dài lên đến 8.558km (gấp 3,8 lần năm 1997). Trong đó, có 5.486km chiều dài bê tông xi măng và nhựa hóa (đạt tỷ lệ 64%); khu vực đồng bằng hầu như không còn tuyến đường bị lầy bị lội về mùa mưa. Cú hích “Cơ chế 19” và đề án đột phá kiên cố hóa mặt đường đã đưa GTNT vươn đến các đồng ruộng, khu sản xuất. Và đó là “thời cơ” để giao thông nội đồng hình thành kết nối, bước đầu cứng hóa 571km phục vụ đắc lực cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Cơ chế tài chính của Đề án kiên cố hóa ĐH được quy định như sau: Đối với các huyện đồng bằng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng), ngân sách huyện, xã 40%; đối với các huyện miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng), ngân sách huyện, xã là 20%. Theo kế hoạch năm 2017, Quảng Nam dự kiến kiên cố hóa 65,3km một số tuyến ĐH, trong đó mặt đường rộng 3,5m là 17,05km; mặt đường rộng 5,5m là 48,29km. Tổng kinh phí cần huy động là 170,71 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp huyện 50,71 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 120 tỷ đồng.

Xác định hạ tầng giao thông là ngành kinh tế mũi nhọn, là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng, các cấp, ngành, địa phương đến các tầng lớp nhân dân đều vào cuộc, đóng góp sức người, sức của cho sự phát triển. Tuy nhiên, mặt đường nhiều tuyến ĐT còn nhỏ hẹp, quanh co; chất lượng và công trình trên tuyến chưa đáp ứng với tốc độ gia tăng của các phương tiện cơ giới. Mạng lưới xuống cấp nhanh, có tuyến quan trọng đi lại khó khăn, tính cơ động chưa cao gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, mất an toàn giao thông. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho rằng, Quảng Nam có diện tích tự nhiên lớn, dân cư phân bố gần như hầu khắp các vùng, vì vậy cần phải làm nhiều tuyến đường. Nhưng nguồn lực của tỉnh có hạn, kinh phí dùng cho nâng cấp, làm mới phải luôn “liệu cơm gắp mắm” nên cấp đường thấp. “Chúng ta đã từng tính tới chuyện mở rộng các tuyến ĐT, nhưng cũng vì kinh phí hạn hẹp nên chỉ sửa chữa lớn bề mặt trên hiện trạng cũ” - ông Võ Hồng nói. Nhưng cũng xảy ra các trường hợp “ăn xổi ở thì” trong nhiều dự án đầu tư. Có trường hợp một nguồn kinh phí chỉ dùng đủ cho nâng cấp, mở rộng vài ki lô mét bề mặt đường thì “dàn trải” ra cả hàng chục cây số. Mặt đường không đảm bảo độ dày cần thiết, còn chiều rộng vẫn bê y nguyên. Hệ quả là khai thác chưa bao lâu, công trình hư hỏng trở lại.      

Sau thời gian đầu tư dàn trải, Quảng Nam đã rút ra được nhiều bài học trong lựa chọn phương thức phân bổ kinh phí xây dựng các tuyến ĐT cho phù hợp, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, một số tuyến bức xúc được nâng cấp, mở rộng như ĐT611, ĐT616, ĐT615, ĐT603… Nếu không đủ tiền thực hiện một lần, Quảng Nam đã tập trung thực hiện từng giai đoạn, coi trọng chất lượng chứ không “đuổi theo” số lượng chiều dài tuyến. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, từ năm 2009 đến cuối năm 2013, Quảng Nam làm mới 7km và thực hiện nâng cấp, mở rộng hơn 130km tuyến (ĐT) dựa vào nguồn cân đối ngân sách địa phương và nguồn vốn vay của Bộ Tài chính với tổng kinh phí hơn 140 tỷ đồng. Tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương và nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, cầu Gò Nổi xây dựng mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện qua lại an toàn trên ĐT610B. Thời gian gần đây, ngoài sửa chữa khẩn cấp một số đoạn tuyến ĐT bị xuống cấp nặng, Quảng Nam tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để tháo những “nút thắt” khác. Tiêu biểu là các dự án ĐT610 (nối Duy Xuyên - Nông Sơn), ĐT609, ĐT608, ĐT605… Từ lúc thay đổi điểm nhìn, công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư cho ĐT đã được thắt chặt và tính toán hợp lý hơn, đảm bảo thứ tự ưu tiên, đồng bộ. Nhiều tuyến ĐT được thay màu áo mới, lại vừa giải quyết những vấn đề an sinh xã hội.

KHẢI KHIÊM

KHẢI KHIÊM