Bất an giao thông Đại Lộc
Mỗi ngày, địa phận huyện Đại Lộc có hàng nghìn lượt xe tải trọng lớn ra vào. Hậu quả là hạ tầng giao thông xuống cấp trầm trọng, mất an toàn giao thông (ATGT) và kéo theo nhiều hệ lụy.
Quá tải
Từ năm 2014 và 2015, xe tải chở đất phục vụ thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa bàn huyện Đại Lộc với mật độ dày đặc. Tài xế phóng nhanh vượt ẩu, đất đá rơi vãi ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, hạ tầng vốn cấp đường thấp hư hỏng nhanh thêm, ATGT không đảm bảo. Thời điểm ấy, tai nạn giao thông xuất hiện với tần suất dày hơn trên tuyến ĐT609, đoạn từ Ái Nghĩa xuống đến ngã ba Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), giáp quốc lộ 1 cũ và trên ĐT609B, đoạn ngã tư Ái Nghĩa ra ngã ba Đại Hiệp.
Xe chở cát gây ra nhiều hệ lụy cho hạ tầng giao thông qua địa bàn Đại Lộc. Ảnh: N.BÍCH |
Sau này, xe chở đất cho dự án cao tốc ngừng thì đến phương tiện tải cát cho các công trình xây dựng trong và ngoài huyện, vận chuyển đến các trạm trộn bê tông ở TP.Đà Nẵng tung hoành. “Chúng ta từng đổ lỗi hết cho cao tốc làm hư ĐT609B và một phần ĐT609. Nhưng nguyên nhân có cả xe container, xe vận chuyển xi măng từ nhà máy xi măng Xuân Thành, xe chở cát từ các mỏ tại Đại Lộc…” - một người dân sinh sống tại khu 4, thị trấn Ái Nghĩa nói. Năm 2016 trở lại đây, người dân sinh sống ven ĐT609, ĐT609B và những ai có dịp đi qua đây đều cảm nhận rõ ảnh hưởng của xe tải nặng chở cát đối với hạ tầng giao thông của tỉnh và huyện.
“Cả thảy có 10 mỏ cát đang khai thác trên địa bàn huyện. Tôi chỉ tính bình quân 1 mỏ có hơn 100 lượt phương tiện đến “ăn hàng”, thì số lượng chung mỗi ngày sẽ khủng mức độ nào” - một lãnh đạo phòng ban của huyện Đại Lộc đã nghỉ hưu tính toán. Phần lớn xe vận chuyển thuộc đời mới, tải trọng nặng và cộng thêm vận chuyển cát ướt nên mức độ phá hoại đường sá càng cao hơn rất nhiều so với xe chở đất cho đường cao tốc trước đây. Loại phương tiện này đã, đang gây ra nhiều hệ lụy đáng báo động. Người dân lo lắng trước tình trạng bụi bặm, tiếng ồn khiến đời sống, sinh hoạt, buôn bán và nhất là sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đường sá không đảm bảo an toàn nhưng cánh tài xế vẫn phóng nhanh vượt ẩu.
Cần phải siết chặt
Đến ngày 20.3, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã thảm nhựa hoàn trả mặt đường tuyến ĐT609B, đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông được khoảng 2/3 chiều dài. Dự kiến tiến độ triển khai sẽ hoàn thành trước ngày 23.3. Ghi nhận thực tế cho thấy, lệnh tạm dừng lưu thông trên đoạn tuyến này đến ngày 23.3 của Sở Giao thông vận tải đối với xe có tổng tải trọng trên 6 tấn không được chủ xe, người lái tuân thủ nghiêm. |
Sau khi trạm cân tải trọng xe lưu động được lắp đặt tại km35+300 quốc lộ 14B (phía trên ngã ba Đại Hiệp), nhiều phương tiện xe tải lách trạm bằng cách lưu thông trên ĐT609 để xuống thẳng Điện Bàn, hoặc đến ngã ba Ái Nghĩa rồi đi trên đường nội thị, vào ĐT609B ở ngã ba Hòa Đông, tới ngã ba Đại Hiệp và nhập lại quốc lộ 14B ra Đà Nẵng. Người dân địa phương cho biết, bình thường xe chở cát tại các bến bãi ở xã Đại Đồng sẽ ra ngay phía dưới cầu Hà Nha, nhập vào quốc lộ 14B. Cạnh đó, một số xe chở xi măng đi trên quốc lộ 14B xuống Đà Nẵng. Rõ ràng, những phương tiện đó đã chở quá tải trọng cho phép của cầu đường, cho nên tìm cách lách luật. Nay, họ né trạm khiến cho lưu thông trên ĐT609 và ĐT609B càng thêm phức tạp, nhiều vụ va chạm xảy ra. Trú tại thôn Phiếm Ái 2 của xã Đại Nghĩa, ông Trương Khánh thường xuyên mất ngủ vào ban đêm do tiếng xe tải chạy rất ồn. Ngoài ra, gia đình còn phải liên tục thức dậy giúp băng bó vết thương cho người dân đi xe máy bị tai nạn. Theo quan sát của chúng tôi, tuyến ĐT609 qua khu vực nhà ông Khánh có sự chênh nhau rõ rệt giữa nền đường cũ với nền bê tông xi măng đoạn kiên cố hóa “chữa cháy” cuối năm 2016 khoảng 0,3m. Vì vậy, người lạ đi xe máy vào ban đêm sẽ bất ngờ bị xóc, không làm chủ được tay lái dễ dẫn đến tai nạn. Đó là chưa kể, một số đoạn tuyến nằm phía tây cầu Ái Nghĩa chưa được sửa chữa khẩn cấp vào năm 2015 cũng là “điểm đen” nguy hiểm.
Trước diễn tiến ngày càng xấu, UBND huyện, Ban ATGT và Công an huyện Đại Lộc đã có tờ trình Ban ATGT tỉnh và các cơ quan chức năng. Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động Công an Đại Lộc, Trung tá Lê Thành Thảo cho biết, địa phương đề nghị các ban ngành xem xét di dời trạm cân lưu động đến vị trí phù hợp, trong đó có vị trí tại thôn Đông Phú của xã Đại Hiệp để vừa kiểm soát đồng thời tải trọng phương tiện chạy trên quốc lộ 14B và ĐT609B, hoặc đặt trên ĐT609 đoạn gần giáp ranh thị xã Điện Bàn. Tuy nhiên, ban ngành của tỉnh không thống nhất việc đặt tại thôn Đông Phú vì không đảm bảo về an toàn mỗi khi dừng phương tiện, diện tích cũng không đủ theo quy định của Tổng cục đường bộ Việt Nam. “Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, song chỉ có thể xử lý trường hợp cơi nới thùng xe, đậu đỗ xe không đúng quy định, phóng nhanh vượt ẩu. Do không có cân, việc xử lý về tải trọng không thể thực hiện” - Trung tá Thảo nói.
Theo báo cáo chưa đầy đủ, gần một tháng qua lực lượng chức năng đã phát hiện 53 trường hợp vi phạm trên tuyến quốc lộ 14B với số tiền xử phạt là 257 triệu đồng. Trước những kiến nghị của địa phương và ý kiến của lực lượng chuyên trách, Ban ATGT tỉnh thống nhất sẽ tiếp tục duy trì trạm cân ở vị trí hiện tại. Do đây là trạm cân di động, cho nên ban ngành liên quan sẽ tiếp tục tìm những vị trí phù hợp để kiểm soát tình hình. “Trước mắt, Ban ATGT tỉnh đã trang bị cho Công an Đại Lộc một cân xách tay hiện đại và đề nghị huyện sử dụng có hiệu quả trong việc bảo vệ hạ tầng giao thông. Chúng tôi cũng đề nghị Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh phối hợp với địa phương để kiểm soát, chấn chỉnh nhằm hạ nhiệt tình hình” - ông Trương Khuê, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh đề nghị.
NGỌC BÍCH