Hành lang pháp lý quản lý đô thị
Cùng với việc lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, TP.Tam Kỳ cùng đã ban hành một “Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị”, hành lang pháp lý cho cơ quan chuyên môn và các địa phương thực hiện quản lý đô thị.
TP.Tam Kỳ lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tạo cơ sở cho các địa phương quản lý đô thị. Trong ảnh: Thi công xây dựng khu dân cư Tây An Hà - Quảng Phú.Ảnh: X.T |
Lập quy hoạch phân khu và chi tiết
Vị trí của Tam Kỳ được xác định trong Quy hoạch vùng Đông tỉnh Quảng Nam (phê duyệt năm 2014) với vai trò là một đô thị thuộc cụm động lực số 3. Tam Kỳ cũng được xác định là trung tâm hành chính của tỉnh, đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cùng với đô thị Núi Thành, Tam Kỳ sẽ phát triển các tuyến du lịch kết nối với Khu kinh tế mở Chu Lai, hình thành trung tâm dịch vụ hàng hóa hỗ trợ cho các đô thị vừa và nhỏ xung quanh.
Chính từ vị trí đặc biệt này nên công tác quy hoạch đô thị cho Tam Kỳ cũng gặp những khó khăn và thuận lợi nhất định. Theo ông Lê Tú - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn tỉnh, Quảng Nam cấu trúc không gian chiến lược phát triển trên cơ sở ba hành lang phát triển và ba cụm động lực. Theo mô hình này, Tam Kỳ nằm trên hành lang phát triển nam Quảng Nam và là hạt nhân của Cụm động lực Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành. Từ đó, Tam Kỳ có khá nhiều tiềm năng, lợi thế và động lực phát triển trong mối tương quan với cả tỉnh, Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất và TP.Đà Nẵng. Do vậy, để lập các quy hoạch chi tiết cho Tam Kỳ phải dựa trên những nguyên tắc phát triển này.
Trong thời gian qua, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam đã lập nhiều quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu trên địa bàn TP.Tam Kỳ như: quy hoạch phân khu 2 thuộc phân vùng 1 phát triển công nghiệp cửa ngõ phía tây thành phố, quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu đô thị mẫu Tây Bắc, quy hoạch phân khu xây dựng phường Hòa Hương… Các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu này không chỉ cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung mà còn tạo cơ sở cho các địa phương thực hiện công tác quản lý đô thị. Ông Trương Công Thành - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hương - cho biết: “Quy hoạch phân khu phường sau khi được công bố đã tạo điều kiện cho nhiều dự án, công trình triển khai, góp phần phát triển kinh tế, phát triển đô thị. Trên cơ sở quy hoạch, UBND phường cũng gặp nhiều thuận lợi để quản lý đất đai, quản lý xây dựng”.
Xây dựng quy chế quản lý đô thị
Cuối tháng 11.2015, “Chương trình phát triển đô thị Tam Kỳ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4482/QĐ-UBND. Mục tiêu của chương trình trong giai đoạn 2015-2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 18% đối với công nghiệp - xây dựng, hơn 16% đối với thương mại dịch vụ và hơnn 6% đối với nông nghiệp. Ngay sau khi có kế hoạch phát triển, nhiều dự án, công trình đã được triển khai thực hiện trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều khu dân cư, khu đô thị bắt đầu hình thành, công trình dân sinh được xây dựng. Tuy nhiên, những công trình này sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực về cảnh quan đô thị, phá vỡ các nguyên tắc không gian nếu như không có một quy chế quản lý phù hợp, chặt chẽ.
Nhận thấy nhu cầu bức thiết này, cuối năm 2015, UBND TP.Tam Kỳ đã xây dựng một quy chế quản lý đô thị để làm công cụ quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị phù hợp với Quy hoạch chung thành phố. Quy chế đề ra những quy định cụ thể đối với khu vực đô thị hiện hữu, đô thị mới, các trục đường, tuyến phố chính, công trình kiến trúc và quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xem xét cấp phép xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trong đô thị, đồng thời là một trong các căn cứ để xác lập nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế đô thị. Ông Dương Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng quản lý đô thị TP.Tam Kỳ - cho biết: “Việc triển khai Quy chế quản lý đô thị Tam Kỳ đã kiểm soát được sự phát triển không gian, kiến trúc cũng như cơ cấu sử dụng đất của đô thị Tam Kỳ theo đúng quy hoạch được duyệt. Đồng thời đã tạo ra một cơ chế để người dân xây dựng nhà ở dân cư hoặc các công trình dân sinh không ảnh hưởng đến quy hoạch chung của thành phố. Do vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, công trình phát triển đô thị trên địa bàn”.
Với việc thực hiện các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu cùng với việc xây dựng một quy chế quản lý đô thị, TP.Tam Kỳ đã tạo được cơ sở, hành lang pháp lý cho các địa phương quản lý tốt hiện trạng, đảm bảo cho sự phát triển chung của thành phố trong tương lai.
XUÂN TRƯỜNG