Đại Lộc: Xe quá khổ quá tải tiếp tục "bức tử" đường ĐT609, ĐT609B
(QNO) - Tết Nguyên đán đã cận kề, trong khi bộ mặt của nhiều tuyến giao thông huyết mạch ĐT609, ĐT609B ở Đại Lộc chưa được cải thiện tích cực, điểm hư hỏng chỉ được vá lấp tạm thời bằng đá dăm thì mỗi ngày, đoàn xe quá tải quá khổ chở cát, đất sét vẫn hùng hục "bức tử" đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Lâu nay, việc lưu thông qua tuyến ĐT609 (từ ngã ba Ái Nghĩa lên tiếp giáp với xã Đại Nghĩa), ĐT609B (từ ngã ba Hòa Đông đi Đại Hiệp, tiếp giáp với Đà Nẵng) luôn trong tình trạng mất an toàn bởi đường sá bị cày nát. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên “đoạn đường đen” này, nhất là thời điểm ban đêm và mưa gió. Song, trong khi người đi đường và người dân sống ven đường phải gồng mình gánh chịu hậu quả thì bất kể đêm ngày, mưa nắng, những đoàn xe quá tải quá khổ chở cát (từ bãi tập kết Giao Thủy) và đất sét vẫn cứ hì hục trên đường.
Tuyến ĐT609B từng xuất hiện những "ao tù" giữa lòng đường, nay đã được vá lấp tạm thời bằng bột đá dăm. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Những ngày này, những ổ voi, sống trâu trên tuyến huyết mạch ĐT609B qua địa phận xã Đại Hiệp đã được vá lấp tạm thời bằng bột đá dăm, giảm đáng kể những ao tù chứa nước vốn là những "cái bẫy" chết người. Song, một thực tế khác mà người đi đường và người dân sống ven tuyến này phải gánh chịu là cảnh "mưa lầy nắng bụi". Đường chỗ lồi chỗ lõm, chỗ còn nhựa đường, chỗ toàn đất, đá dăm khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn mỗi khi mưa xuống. Chưa kể, chỉ cần nắng ráo là bụi bặm, ô nhiễm môi trường hết sức khủng khiếp. Lưu lượng xe quá tải quá khổ chở cát, đất sét trên tuyến này không hề giảm mà có chiều hướng tăng lên vào những ngày cuối tuần, bất kể sớm tối, nắng mưa.
Tuyến ĐT609B qua Đại Hiệp bị "bức tử" nặng nề, tại khu vực chợ Đại Hiệp chỉ được vá lấp sơ sài. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Theo ông Phạm Thúy - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Đại Lộc, việc hư hỏng này có một phần là do các xe chở đất đá, vật liệu xây dựng cho dự án đường cao tốc và các công trình khác gây ra, cộng thêm đợt mưa lũ đầu tháng 12.2016 khiến đường tiếp tục bị xói lở nghiêm trọng. Huyện đã làm việc với các chủ xe và yêu cầu tuân thủ nghiêm về trọng tải. Nhìn chung, các chủ xe đủ tiêu chuẩn lưu thông trên đường và không vi phạm tải trọng, song do lưu lượng xe quá lớn nên đường nhanh xuống cấp.
Trong khi đó, theo ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, hiện tuyến ĐT609, ĐT609B là hai tuyến do tỉnh quản lý. Huyện đã nhiều lần có văn bản kiến nghị tỉnh sớm sửa chữa, khắc phục hai tuyến huyết mạch, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông dịp tết. Thời điểm này, tỉnh đã đồng ý cho sửa chữa, nhưng trước mắt chỉ đổ đá dăm lấp ổ voi, ổ gà cho người dân đi tạm, qua tết sẽ tiến hành trải nhựa. Nhưng cụ thể là thời điểm nào sẽ thi công trải nhựa, trả lại nguyên trạng cho những tuyến đường huyết mạch, cải thiện bộ mặt của huyện Đại Lộc và cải thiện dân sinh thì chính quyền vẫn chưa rõ.
Người dân từng chặn xe, yêu cầu các chủ xe phải dọn sạch đất đá rơi vãi trên đường. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Tết Nguyên đán đã cận kề. Những tuyến huyết mạch hư hỏng chỉ vừa được vá lấp bằng đất, đá dăm tạm thời, nay tiếp tục bị "bức tử" thêm mỗi ngày. Cảnh "mưa lầy nắng bụi" diễn ra trên những tuyến này hết sức khủng khiếp, ô nhiễm môi trường đe dọa cao đến sức khỏe người dân sống lân cận và người đi đường. Câu hỏi đặt ra là có hay không sự lơ là, buông lỏng về mặt quản lý, kiểm soát về lưu lượng, tải trọng xe vận chuyển vật liệu của chính quyền và ngành chức năng? Và dù những “đoạn đường đen” có được sửa chữa, khắc phục thì trước tình trạng hoạt động mạnh của xe tải với lưu lượng, tải trọng lớn mà thiếu sự kiểm soát thì sự an toàn của những tuyến đường được xây dựng từ tiền thuế, tiền ngân sách của nhà nước sẽ tiếp tục bị đe dọa. Và trách nhiệm của các chủ bến, chủ mỏ khoáng sản cũng như các chủ xe ở đâu trong việc "tiếp tay" phá hủy những tuyến đường huyết mạch? Cần phải làm rõ, bởi việc phá hủy một đồng ngân sách của nhà nước, một đồng tiền thuế của dân thì đó là hành động cần lên án.
Tết Nguyên đán cận kề song đoạn ĐT609 qua Ái Nghĩa lầy lội, nhếch nhác, môi trường sống bị ô nhiễm nặng chủ yếu do tình trạng vận chuyển vật liệu. Ảnh: TRIÊU NHAN |
TRIÊU NHAN