Thi công đường nối quốc lộ 1 qua Thăng Bình: Đang chờ mặt bằng
Ngoài bất lợi thời tiết, nhà thầu chưa thể đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nối quốc lộ (QL) 1 qua Thăng Bình do đang chờ giao mặt bằng sạch.
Nhiều khó khăn
Tại địa bàn Thăng Bình, đang triển khai 2 dự án gồm đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến QL1 (tại ngã ba Cây Cốc) và đường nối từ QL1 (tại ngã ba cây Cốc) đến nút giao giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14E. Quy mô xây dựng đường nối QL1 đến nút giao giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14E có chiều dài 3,8km, đi qua thị trấn Hà Lam và xã Bình Quý. Công trình hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thăng Bình nói riêng và khu vực vùng đông của tỉnh nói chung. Trải qua nhiều bước chuẩn bị theo quy định, chủ đầu tư Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã chọn được liên danh Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam và Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam làm nhà thầu chính thức. Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (đại diện quản lý dự án) cho biết, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình và chính quyền địa phương hiện bàn giao xong 1,7km chiều dài mặt bằng thực tế. Trong đó, Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam đảm nhận chiều dài 0,2/1,8km; Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam là 1,5/2km. Còn theo ông Nguyễn Đình Chi - Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình, các bên liên quan cũng đã bàn giao hơn 3km chiều dài mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công (gồm liên danh 2 nhà thầu, 1 nhà thầu độc lập) dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến QL1.
Công nhân Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam thi công đúc cống. Ảnh: C.T |
Nhận bàn giao 1,5km chiều dài công địa, Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam đã huy động trang thiết bị máy móc, nhân lực tập trung trên công trường cuối tháng 10. Sau thời gian ngắn, đội ngũ công nhân triển khai bóc đất hữu cơ đạt chiều dài 500m, hoàn thiện cống bản thủy lợi qua địa bàn thôn Quý Thạnh 1, xã Bình Quý. Tuy nhiên, Chỉ huy trưởng công trình - Kỹ sư Ngô Đình Khiêm cho biết, thời tiết mưa liên tục gần như cả tháng vừa rồi gây khó khăn cho khâu đắp đất mới vào đoạn đã bóc đất hữu cơ qua ruộng đồng. Có chỗ, đơn vị vừa đổ xuống đã phải xúc đất lên lại vì ô tô tải bị lầy không thể chở nguyên vật liệu vào bãi tập kết. Để khắc phục tình trạng này, nhà thầu đã chỉ đạo công nhân tranh thủ đúc cống trên công trường, chuẩn bị sẵn sàng lắp ghép khi tiến hành đến hạng mục thi công nền, mặt đường. Mặt khác, doanh nghiệp đành phải chờ mặt bằng ách tắc còn lại (0,5km) qua khu dân cư được khai thông. Về phần mình, Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam chỉ có thể tập trung máy móc trên công trường và chờ đợi có thêm công địa sạch. Mới nhận bàn giao 0,2km, việc triển khai thi công rầm rộ là điều bất khả thi. Trước diễn biến trên, chủ đầu tư đề nghị đơn vị bồi thường và chính quyền sở tại tiếp tục khai phóng mặt bằng đoạn tuyến qua các khu dân cư. Có như vậy, những đơn vị sở hữu hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, cáp quang) mới có chỗ di dời vào vị trí khác.
Địa phương phải vào cuộc
Nằm phía đông QL1, dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến QL1 khi xây dựng hoàn thành sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề. Trong đó, công trình chắc chắn giảm tải lưu lượng phương tiện đang lưu thông trên QL14E, đoạn ngã tư Hà Lam xuống đường 129 vốn xuống cấp nhiều năm rồi. Tuyến đường đi hoàn toàn mới này có tổng chiều dài hơn 6,67km sẽ là trục kết nối QL14E lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Để thực hiện dự án, công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến các xã Bình Đào, Bình Triều, Bình Phục và thị trấn Hà Lam. Diện tích bàn giao hơn 3km chiều dài vừa qua chủ yếu là đất ruộng. Vậy nhưng, các nhà thầu chưa có động thái nào thật sự mạnh mẽ trên công địa đã nhận. Nguyên do hai đầu tuyến dự án bị “bịt kín” bởi nhà dân chưa khai phóng, đơn vị thi công không có đường công vụ để di chuyển trang thiết bị chuyên dụng, xe máy đi vào công trường. Chưa kể, diện tích đất chưa bàn giao còn lại chẳng hề dễ dàng vì liên quan đến nhà ở, đất ở, đất sản xuất, mồ mả... Để khai thông ách tắc mặt bằng cả 2 dự án, đại diện Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình cho rằng, các phòng, ban liên quan của huyện, các xã, thị trấn vừa nêu cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chấp hành chủ trương chung. Đặc biệt, các địa phương sớm tổ chức họp xét thời điểm xây dựng vật kiến trúc đối với các hộ trên đất do địa phương quản lý. Phòng ban và đơn vị chức năng phải thường xuyên cử cán bộ tham gia, hướng dẫn các địa phương về kiểm tra hiện trạng, xác nhận chính xác nguồn gốc đất ở, đất vườn ao theo luật định nhằm tránh những hệ lụy đáng tiếc.
Qua nắm bắt tình hình, chúng tôi được biết lãnh đạo huyện Thăng Bình rất quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng của 2 dự án kết nối vào QL1. Bởi, tiến độ khơi thông nhanh chóng thì mới đảm bảo mặt bằng sạch để thi công hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng hiệu quả, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh - ông Trần Cảnh Hà thông tin, đích thân Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình thường xuyên xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Công tác trên cần tiếp tục được phát huy để huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc mạnh mẽ, tạo niềm tin nơi người dân. Có như thế, tiến độ khơi thông mặt bằng mới được thúc đẩy và bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công 2 công trình có tổng mức đầu tư gần 244 tỷ đồng này.
CÔNG TÚ