Tìm vốn đầu tư phát triển

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG 24/12/2016 07:38

Hiện tại, ngân sách trung ương (TW) hỗ trợ cho Quảng Nam đã bị sụt giảm khá nhiều. Nguồn lực ngân sách địa phương phải điều tiết về TW, xử lý các khoản nợ và thanh toán khối lượng công trình. Chính quyền, cơ quan quản lý đã tính toán, đưa ra những biện pháp để huy động nguồn lực đầu tư cho toàn xã hội và chọn dự án, công trình nào để đầu tư, phát huy hiệu quả cho năm 2017. Tuy nhiên, việc tìm vốn đầu tư phát triển năm 2017 là điều cũng sẽ chẳng dễ dàng gì.

Vốn năm 2017 chủ yếu trả nợ và thanh toán khối lượng cầu Cửa Đại, đường giao thông ven biển...Ảnh: T.D
Vốn năm 2017 chủ yếu trả nợ và thanh toán khối lượng cầu Cửa Đại, đường giao thông ven biển...Ảnh: T.D

TOAN TÍNH HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC

Nguồn đầu tư từ ngân sách ngày càng suy giảm, vốn FDI chưa thể xác lập, kinh tế tư nhân chưa biết có đủ khả năng phát triển hay không đang là những khó khăn được nhìn thấy trước mắt.

Ngân sách hạn hẹp

UBND tỉnh dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 sẽ vào khoảng 25.000 tỷ đồng. Con số ước lượng này chỉ chiếm 28,5 - 29% GRDP, nhưng cũng tăng gần 14% so với năm 2016. Đây là mức tăng khá cao, phải dồn mọi nỗ lực mới có đủ khả năng để huy động. Theo phân tích của Sở KH&ĐT, dự kiến sẽ huy động từ nguồn vốn ngân sách TW đầu tư trên địa bàn Quảng Nam hơn 6.800 tỷ đồng (27,2%), ngân sách địa phương quản lý hơn 5.200 tỷ đồng (20,8%), nguồn ODA 500 tỷ đồng (2%). Số còn lại phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (7,2%) và 10.700 tỷ đồng (42,8%) thuộc về đầu tư của doanh nghiệp và nhân dân.

Như vậy, nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước đã có sự sụt giảm khá lớn khi dự kiến khoảng 3.901 tỷ đồng, chỉ bằng 86% kế hoạch 2016. Vốn đầu tư cân đối trong ngân sách địa phương chiếm nhiều nhất, khoảng 2.713 tỷ đồng, tăng 13% so với kế hoạch 2016, vốn chương trình mục tiêu quốc gia tăng đến 60% (393 tỷ đồng) nhưng vốn ngân sách TW đầu tư theo các chương trình mục tiêu giảm đến 48% và nước ngoài chỉ khoảng 333 tỷ đồng, giảm 44%. Theo phân tích của Sở KH&ĐT, vốn cân đối đầu tư trong ngân sách địa phương gia tăng chủ yếu nhờ vào nguồn thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết và nhiều nhất nhờ bổ sung từ nguồn vượt thu năm 2016 khoảng 1.400 tỷ đồng, chỉ trả nợ khoảng 330 tỷ đồng, còn lại đưa vào cân đối kế hoạch năm 2017. Ngoài ra sự gia tăng này còn tính đến nguồn vượt thu năm 2015 thực hiện cải cách tiền lương chuyển sang đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Nhưng đã trả nợ các dự án 1.400 tỷ đồng. Còn lại đưa vào cân đối kế hoạch năm 2017 chỉ khoảng 100 tỷ đồng và 12 tỷ đồng nguồn ngân sách TW hỗ trợ thông qua ngân sách tỉnh và vay tín dụng ưu đãi dự kiến 171 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & Ngân sách HĐND cho hay, theo thẩm tra cho thấy có sự sụt giảm khá nhiều nguồn vốn cân đối cho đầu tư công. Năm 2017, Quảng Nam chính thức tự cân đối, điều tiết về ngân sách TW, kéo theo tỷ lệ phần vốn ngân sách đối ứng của Quảng Nam sẽ tăng lên so với các năm trước. Một phần ngân sách TW đã bị cắt giảm, gây áp lực rất lớn cho việc cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương.

Tìm vốn ngoài nhà nước, dễ hay khó?

Theo các chuyên gia kinh tế, kích cầu vốn từ khu vực FDI và tư nhân là nguồn bù đắp chính cho sự gia tăng tổng vốn đầu tư xã hội. Hai khu vực này chiếm đến 50% tổng nguồn vốn trong dự báo. Sở KH&ĐT cho hay, sức đề kháng của 116 dự án FDI còn hiệu lực hơn hẳn doanh nghiệp nội địa, tránh được những tác động chính sách, bất ổn kinh tế vĩ mô và không thiếu vốn đầu tư. Uy tín, quan hệ giao thương, cung cầu bền chặt giữa nhà sản xuất và tiêu thụ nước ngoài đang là lợi thế, giúp các doanh nghiệp này chiếm đến 65% tổng giá trị xuất khẩu Quảng Nam và đủ khả năng duy trì, mở rộng đầu tư. Ông Byung Tae Kim - Giám đốc Sedo Vinako ở Đông Yên (Duy Xuyên) nói, môi trường đầu tư kinh doanh ở Quảng Nam vẫn đang hấp dẫn. Doanh nghiệp này đã quyết định mở rộng đầu tư thêm nhiều dự án, nhà máy ngay trong năm 2017.

Không như những đồn đoán, lo ngại, thu hút FDI vào Quảng Nam vẫn tiếp tục sôi động. 13 dự án FDI với vốn đăng ký gần 149 triệu USD được cấp phép năm 2016 đã khởi công, sẵn sàng giải ngân, đi vào hoạt động năm 2017. Hay 46 nhà cung cấp linh kiện, vật tư cho Tập đoàn Mazda (Nhật Bản), 50 nhà đầu tư khác thuộc Tổng thương hội Đài Loan cũng đã đến Chu Lai xúc tiến đầu tư và nhiều nhà đầu tư khác cũng chuẩn bị đầu tư. Các cơ quan quản lý cho rằng, số dự án này thực sự có đủ khả năng phát triển và hội nhập, sẽ giúp Quảng Nam tiếp nhận làn sóng đầu tư mới. Đây là chỉ dấu, tín hiệu tích cực của dòng vốn FDI bắt đầu khai thông sau nhiều năm bị nghẽn dòng. 1.800 tỷ đồng đầu tư từ khu vực này năm 2017 sẽ không còn là chuyện khó!

Trong khi đó, khối tư nhân cũng đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn lực đầu tư. Dự kiến, năm 2017 sẽ có thêm 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Mỗi năm số doanh nghiệp mới sẽ tăng thêm 10% hay 20%, đồng nghĩa sẽ có thêm một lượng vốn lớn từ khu vực này được đưa vào thị trường. Ngoài ra, 30 dự án đầu tư nội địa được cấp phép năm 2016 sẽ nhanh chóng đổ vốn vào đầu tư… Ông Lương Đình Đường - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - cho biết, thu ngân sách nội địa năm 2016 hơn 13.000 tỷ đồng. Con số ấn tượng này (thu lớn hơn chi và chỉ mới có 10/63 tỉnh, thành có số thu nội địa hơn 10.000 tỷ đồng) thể hiện rõ năng lực nội sinh, sức khỏe của doanh nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng 15,5%. Ngoài Thaco, các ngành kinh tế khác cũng tăng trưởng đến 21%. Điều ấy chứng tỏ không phải cả cộng đồng doanh nghiệp đều rơi vào hoàn cảnh khốn khó.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho hay, kinh tế duy trì ở mức tăng khá, năng lực sản xuất nhiều ngành kinh tế chuyển biến tích cực, nhưng 96% doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ. Số thu ngân sách được giao tăng đột biến, lại phải điều tiết về TW nên rất khó khăn trong việc tạo nguồn tăng thu cho đầu tư phát triển và nguồn lực huy động cho đầu tư không dễ, tác động rất lớn đến chính sách đầu tư công.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: “Hiệu quả Kinh tế - Xã hội là thước đo của nguồn lực đầu tư”

Cơ hội thu hút dòng vốn từ khu vực FDI và tư nhân đầy triển vọng. Dự án khí điện sẽ triển khai. Những dự án động lực tại vùng đông nam Chu Lai sẽ tiếp tục khởi công, thu hút thêm vài tỷ USD nữa không còn là chuyện khó. Năm 2017 cơ bản kết thúc đầu tư các tuyến giao thông kết nối từ đường cao tốc xuống vùng đông. Thaco sẽ tiếp tục đổ vốn vào dự án mở rộng khu công nghiệp cơ khí ô tô, chuẩn bị nạo vét luồng lạch cho tàu có tải trọng 30.000 tấn. Sân bay Chu Lai cũng đã được xúc tiến dự án từ Vietjet Air. Cho dù TW có cắt giảm 52% vốn thì cũng không thiếu vốn, có thể bù đủ từ nguồn tăng thu. Việc tăng cường huy động vốn từ FDI, doanh nghiệp sẽ đủ khả năng để gia tăng đầu tư công, tạo điều kiện phát triển. Đặt mục tiêu huy động được tổng vốn đầu tư toàn xã hội 28,5 - 29% thể hiện rõ quyết tâm, không có lý do gì sụt giảm đầu tư.

Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án tác động lên mức sống của người dân mới chính là thước đo, tiêu chí để phê duyệt hay bác bỏ một dự án đầu tư. Chỉ những dự án, công trình nào có trong danh mục và dự toán đầu năm, xác định rõ nguồn vốn mới tiến hành đầu tư, còn không thì sẽ phải dừng triển khai dự án, để không phát sinh thêm nợ. Chính quyền sẵn sàng loại bỏ hay tạm thời dừng lại tất cả dự án nào xét thấy dàn trải, kéo dài. Tất cả đều phải tự cân đối nên toàn bộ công trình đầu tư xây dựng cơ bản phải tự lực ngay trong gói ngân sách đã được giao và tìm kiếm từ các nguồn thu khác bằng nỗ lực của chính địa phương. Các địa phương phải chủ động tài chính trong gói ngân sách đã được duyệt. Không trông chờ vào nguồn hỗ trợ.

Cục trưởng Cục Thống kê Đinh Văn Đào: “Chỉ có thể dự báo chính xác vốn ngân sách địa phương”

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 dự kiến tăng 14% nhưng không phải tất cả nguồn vốn tăng đồng đều. Trong tất cả nguồn vốn nhà nước (vốn ngân sách, Trái phiếu Chính phủ, vốn vay, vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và vốn khác) thì chỉ có thể dự báo chính xác vốn ngân sách địa phương. Còn lại, địa phương sẽ không dễ dàng tính toán cho việc thu hút các nguồn lực từ khu vực FDI hay tư nhân cụ thể là bao nhiêu. Nhiều loại hình doanh nghiệp ổn định, dẫn đến quy mô đầu tư không sụt giảm nhiều và còn đủ khả năng mở ra triển vọng. Theo số liệu điều tra mới đây, tổng tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp chiếm 28% so với 20% như trước đây và khu vực dân cư góp 15% so với 10%, cho thấy xu hướng đầu tư của hai khu vực này ngày càng lớn. Tuy nhiên, hiện tại, doanh nghiệp lớn chỉ mới đang khởi sự đầu tư. Khả năng tìm vốn từ khu vực này sẽ không dễ dàng như dự báo. Nếu khả năng hấp thu nguồn đầu tư này không được cải thiện, khả năng hồi phục và phát triển của nền kinh tế sẽ lại rơi vào trạng thái khan hiếm.

Phó cục trưởng Cục Thuế Lê Mai Khắc Hưng: “Không dễ tăng thu”

Thu đúng, thu đủ, chống thất thu… nhiệm vụ hàng đầu. Ngành thuế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đưa vào quản lý thu thuế, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế. Trong khai thác khoáng sản, sẽ tìm giải pháp đấu thầu, khoán sản lượng khai thác để tính ra thuế cụ thể phải thu…

Quảng Nam không thể trông chờ vào các khoản tăng thu đột biến như năm cũ. Cho dù cơ quan quản lý đã tính toán kín kẽ và đưa ra những biện pháp cụ thể để tăng thu, nhưng tăng thu không phụ thuộc vào nỗ lực của cơ quan tài chính mà chính là dựa trên sức khỏe của doanh nghiệp. Nhưng năng lực doanh nghiệp nằm ngoài khả năng “kiểm soát” của ngành thuế. Việc tận thu hay cố tăng thu bằng mọi cách là điều dễ hiểu, nhưng nếu muốn ngân sách nhà nước nhiều hơn thì các chính sách hỗ trợ phải được ưu tiên thực hiện nhanh nhất. Cách duy nhất để tạo ra sự bền vững của ngân sách, chính là việc tháo nút từ khu vực sản xuất. Vì vậy, bên cạnh biện pháp quyết liệt tăng thu, cần một biện pháp khác quan trọng không kém đó là giải cứu doanh nghiệp gặp khó khăn, giải cứu người đóng thuế!
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Diện: “Không thiếu vốn, chỉ sợ không có dự án đầu tư”

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017 nhiều hay ít luôn phụ thuộc vào sức khỏe và năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp. Ngân hàng sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu vốn hay nói cách khác là đáp ứng đủ vốn cho các dự án đầu tư hiệu quả. Tỷ lệ tăng trưởng trên 11,5% - 12%  GRDP ấn định cho năm 2017 sẽ tăng thêm nhiều vốn tương ứng và nhu cầu vốn sẽ không bị hạn  chế. Ngay cả việc huy động vốn không tăng nhiều thì vốn các ngân hàng cũng sẽ không thiếu vì có sự điều phối, bơm vốn từ các hội sở.

Năng lực quản trị, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh hiệu quả của từng doanh nghiệp sẽ quyết định đến mối quan hệ với ngân hàng. Suy cho cùng, kinh doanh ngân hàng là kinh doanh niềm tin. Nếu có niềm tin thì ngân hàng sẵn sàng cho vay (kể cả tín chấp), nhưng doanh nghiệp phải có uy tín, có dự án hiệu quả và quản lý đồng vốn vay đúng mục đích xét trên chu trình sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Ngân hàng không thiếu tiền, chỉ sợ không có dự án tốt để cho vay.

“TUYÊN CHIẾN” ĐẦU TƯ DÀN TRẢI

Kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ ngày trở nên khó khăn hơn khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách ngày càng hạn hẹp. Đầu tư vào đâu để hiệu quả, đang là bài toán khó giải.

Đầu tư mới rất hạn chế

Sau sự kiện thông tuyến cầu Cửa Đại và đường 129 kết nối hai đầu nam - bắc, khai thông vùng đông, thì đầu tư hạ tầng năm 2016 không có gì đáng kể. Hơn 1.000 dự án đầu tư công còn hiệu lực kéo dài từ nhiều năm qua, nhưng có quá ít dự án hoàn thành và đều mắc nợ, song lại chưa công bố chính thức về bao nhiêu dự án trong số này không thể tìm được nguồn vốn đầu tư. Năm 2016, không mấy dự án mới được khởi công. Đó là chưa kể đến số nợ đọng xây dựng cơ bản trước 30.12.2014 còn phải thanh toán 967 tỷ đồng và chưa biết được con số nợ đọng phát sinh trong năm 2015 và 2016 là bao nhiêu để toan tính cho việc trả nợ. Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, tốc độ đầu tư hạ tầng hiện tại vẫn không mạnh vì thiếu nguồn lực đầu tư. Công trình thiếu vốn, điều chỉnh quy mô dự án ngày càng có xu hướng gia tăng và tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng, tạm ứng xây dựng cơ bản ngày càng khó kiểm soát.

Các dự án vùng đông và Chu Lai tiếp tục mở rộng đầu tư sẽ góp lượng vốn không nhỏ vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo đúng như dự định.  TRONG ẢNH: Dự án sắp xếp dân cư, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai ven biển. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Các dự án vùng đông và Chu Lai tiếp tục mở rộng đầu tư sẽ góp lượng vốn không nhỏ vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo đúng như dự định. TRONG ẢNH: Dự án sắp xếp dân cư, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai ven biển. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

UBND tỉnh công bố nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ TW năm 2017 đã bị cắt giảm khá nhiều. Chủ yếu chỉ bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, đối ứng các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài. Không bố trí các dự án khởi công mới (trừ các dự án thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng các chương trình dự án ODA, dự án đầu tư theo hình thức PPP). Vốn ngân sách TW hỗ trợ đầu tư trong kế hoạch trung hạn (2016 – 2020) cũng đã giảm gần 27% so với kế hoạch của tỉnh - chỉ 9.100 tỷ đồng/12.396 tỷ đồng. Nguồn vốn này quá nhỏ so với yêu cầu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 - 10,5%/năm của tỉnh, là 130.000 tỷ đồng - 135.000 tỷ đồng.

Một bất lợi khác là tổng nguồn vốn ngân sách địa phương dành cho đầu tư phát triển khoảng 2.713 tỷ đồng, tăng 13%, nhưng gần như chỉ dành cho việc thanh toán các dự án hoàn thành, trả nợ đọng, nợ vay, dự phòng và đối ứng. Ngay cả hai khoản lớn nhất là nguồn vượt thu năm 2016 khoảng 1.400 tỷ đồng và 2015 (cải cách tiền lương chuyển sang đầu tư 1.500 tỷ đồng) cũng chỉ để thanh toán khối lượng dự án cầu Cửa Đại, Giao Thủy, dự án tổng thể sắp xếp dân cư, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai ven biển, giải phóng mặt bằng tiểu dự án Tam Kỳ… Số còn lại ít ỏi mới dành cho những dự án khởi công mới. Như vậy, có thể thấy nguồn lực cho đầu tư phát triển năm 2017 rất hạn chế.

Kiểm soát nguồn vốn

Ngân sách đang khá “bế tắc” trước việc trả nợ, tiếp vốn cho các dự án chuyển tiếp và đầu tư thêm những công trình bức thiết trong năm 2017. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, quan điểm của tỉnh là thực hiện 4 chữ không. Đó là: không quyết định chủ trương đầu tư dự án khi xét thấy không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không cân đối được nguồn thu; không quyết định đầu tư dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công; không gia hạn tiến độ thi công đối với các dự án do ảnh hưởng của tiến độ giải phóng mặt bằng hoặc nhà thầu vi phạm các cam kết trong hợp đồng. Các cơ quan, chuyên môn, đơn vị theo quy định và nhiệm vụ được giao cần tăng cường công tác kiểm tra hiện trường, giám sát đánh giá đầu tư, đấu thầu công trình, quản lý chất lượng thi công, bảo đảm tính công khai.

UBND tỉnh công bố năm 2017 chỉ dành khoảng 199 tỷ đồng cho danh mục khởi công mới từ nguồn ngân sách địa phương (tất cả dự án này được cho là cấp bách, xác định được nguồn và khả năng cân đối vốn)… Điều này thể hiện, không còn nhiều nguồn lực và sự kiên nhẫn để tiếp sức cho những dự án đầu tư công dàn trải, manh mún. Sự thay đổi này được cân nhắc kỹ lưỡng, trên cơ sở chiến lược quy hoạch, kế hoạch, lộ trình trọng tâm và ưu tiên bức thiết. Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - cho hay, Quảng Nam sẽ gặp khó trong việc triển khai các công trình trọng điểm. Tất cả dự án đầu tư công đều phải được cân đối trên cơ sở nguồn lực tài chính địa phương, dự báo tiến độ thi công, thời gian trả nợ và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Dự án sử dụng ngân sách TW chuyển tiếp năm 2017 cần phải được rà soát chặt chẽ, xem xét điều chỉnh quy mô đầu tư, cắt danh mục dự án chưa cần thiết, không bố trí ngân sách tỉnh để thực hiện. Không bố trí vốn cho những dự án không bức thiết và loại bỏ những dự án không thể kiểm soát được nguồn vốn. Không thể muốn là phê duyệt và khởi công dự án, bất chấp nguồn lực ở đâu.

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG