Tìm đột phá cho vùng đông nam
Việc thực hiện các dự án trọng điểm vùng đông nam cũng như định hướng giải pháp triển khai trong thời gian tới sẽ là một trong những nội dung được bàn thảo tại Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh (khóa IX), khai mạc vào ngày mai 6.12.
Hạ tầng ở Khu công nghiệp Tam Thăng được đầu tư bài bản.Ảnh: TRẦN HỮU |
Tạo mọi thuận lợi
Từ ngày 6 đến 9.12, diễn ra Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh (khóa IX). Kỳ họp lần này sẽ xem xét, đánh giá các nội dung: tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, bàn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016, dự toán, ngân sách nhà nước và phương án phân bổ dự toán ngân sách tỉnh năm 2017; báo cáo về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016; báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri năm 2016; xem xét các báo cáo công tác năm 2016 của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Đồng thời xem xét, quyết định một số nội dung khác theo luật định. |
Năm 2016, vùng đông nam của tỉnh (tập trung ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ) khởi động hàng loạt dự án mang tầm chiến lược. Đó là dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, dự án may mặc của Tập đoàn Panko tại Khu công nghiệp Tam Thăng, mở rộng diện tích của Nhà máy sản xuất ô tô Trường Hải. Tại Khu công nghiệp Tam Thăng, đến nay đã thu hồi 125ha diện tích bàn giao cho nhà đầu tư. Và sau hơn một năm có 6 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đưa nhà máy vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 3.600 lao động. Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng cho biết, nằm ở địa bàn TP.Tam Kỳ và huyện Thăng Bình, Khu công nghiệp Tam Thăng sẽ là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. Thời gian qua, chủ đầu tư gần như tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và không có việc doanh nghiệp than phiền về mặt bằng. Riêng khu vực xây dựng nhà ở cho công nhân ở phường An Phú (TP.Tam Kỳ) vướng do Tập đoàn Xuân Thành tập kết vật liệu xây dựng hiện đã giải quyết dứt điểm.
Tuy chưa có dự án lớn triển khai ở địa bàn xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) nhưng từ đầu năm đến nay, chính quyền địa phương tập trung phần lớn thời gian cho giải quyết hồ sơ đất đai để quản lý chặt chẽ hiện trạng. Chủ tịch UBND xã Tam Phú - ông Nguyễn Đức Vương khẳng định, đến nay chính quyền đã xét duyệt xong 6.160 hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp xã, đến cuối năm đạt chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân hơn 70% tổng hồ sơ cần cấp theo chỉ đạo của thành phố. “Gần đây, ngày thứ Bảy cán bộ địa chính, xây dựng cũng làm việc để giải quyết dứt điểm hồ sơ đất đai. Đơn vị thi công, tư vấn hợp đồng với tỉnh chuyển hồ sơ đo vẽ về là hội đồng tư vấn đất đai của xã triển khai họp xét ngay, chứ không có hồ sơ ứ đọng tại xã” - ông Vương cho hay. Còn tại huyện Thăng Bình, để gấp rút hoàn thành tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngành chức năng địa phương cùng các xã vùng đông hợp đồng với đơn vị tư vấn phối hợp chủ hộ trực tiếp tham gia xác định ranh giới, mốc giới thửa đất ngoài thực địa nhằm tránh tình trạng chồng lấn, tranh chấp đất đai. Ông Hồng Quảng Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, về việc bố trí người dân tại xã Bình Dương ra các khu tái định cư để nhường đất sạch cho nhà đầu tư dự án Nam Hội An, chính quyền đã chỉ đạo cơ quan chức năng xác định giá đất và có thể xem xét giải quyết quyền lợi, nguyện vọng chính đáng cho một số hộ dân. “Về lâu dài, cần thiết điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020; giữa Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và các địa phương vùng đông (trong đó có Thăng Bình) phải có quy chế quản lý đất đai cụ thể” - ông Cường nói.
Các khu tái định cư đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng. TRONG ẢNH: Mặt bằng khu tái định cư thôn 2, xã Bình Dương, Thăng Bình. |
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, nhờ có quỹ đất sạch mà chỉ trong tháng 1.2016, đơn vị cấp phép 4 dự án với tổng vốn hơn 839 tỷ đồng, trong đó có 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc và Singapore. Sang tháng 4.2016, “dự án tỷ đô” Nam Hội An đã khởi công giai đoạn 1 tại 2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải (Duy Xuyên). Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho rằng, sau khi có định hướng phát triển nhóm dự án vùng đông nam, ngoài huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đơn vị còn xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư các dự án có vốn lớn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp FDI. “Khi đã có quỹ đất sạch mới hấp dẫn nhà đầu tư. Đất lành thì chim mới đậu. Có nguồn lực đất đai cái lợi là mình được quyền lựa chọn, quyết định nhà đầu tư chứ không phải như trước đây thu hút bằng mọi giá” - ông Diện nói.
Đa dạng hóa nguồn đầu tư
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, vùng đông nam của tỉnh dự kiến cần 9.500 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất sạch. Trong đó, vốn Trung ương 3.000 tỷ đồng (từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu cho khu kinh tế, ưu đãi ODA, trái phiếu chính phủ...) và vốn ngân sách tỉnh huy động 6.500 tỷ đồng. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, về vốn cho vùng đông nam, đến năm 2020 cần ít nhất 9.500 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng và giải phóng mặt bằng. Nhiệm vụ sắp đến là tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng; điều chỉnh ranh giới và quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai. Trước mắt sẽ ưu tiên tuyến giao thông đường bộ ven biển 129 (còn gọi đường cứu nạn cứu hộ ven biển) từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và các tuyến từ đường cao tốc đến quốc lộ 1; kết nối thông suốt, rút ngắn thời gian lưu thông giữa sân bay Chu Lai với cảng Đà Nẵng ở phía bắc, cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai ở phía nam; nạo vét sông Trường Giang, luồng cảng Kỳ Hà để tàu vận chuyển 2 - 3 vạn tấn có thể ra vào được. Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để bổ sung nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn hỗ trợ có mục tiêu và vốn từ các chương trình mục tiêu để đầu tư các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, phòng chống thiên tai, môi trường, phát triển nguồn nhân lực. “Tỉnh sẽ cân đối hợp lý vốn ngân sách địa phương để ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế mở Chu Lai. Có cơ chế trích lại từ nguồn thu phát sinh ngân sách tỉnh, vay vốn tồn ngân, vốn Ngân hàng Phát triển và các tổ chức tín dụng để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cạnh đó, huy động tốt các nguồn lực của các nhà đầu tư bằng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP)” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nêu giải pháp.
Về giải pháp đầu tư, ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho rằng, để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn (nhất là vốn vay ODA), cần tập trung đầu tư có trọng điểm, không dàn trải. Các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho địa phương từ khâu chuẩn bị dự án đầu tư, đàm phán đến khâu triển khai thực hiện. Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề xuất thêm, trước việc Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách kiểm soát chặt chẽ, cần đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, thống nhất chủ trương vay vốn tồn ngân từ các năm trước, vốn Ngân hàng Phát triển và các tổ chức tín dụng để thực hiện bồi thường. Sử dụng phần quỹ đất dư thừa sau khi đã bố trí tái định cư đưa ra đấu giá thu tiền sử dụng đất để tái đầu tư hạ tầng. Đồng thời khai thác có hiệu quả nguồn lực theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Riêng vốn giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, chủ yếu sử dụng vốn tăng thu ngân sách tỉnh. Ngoài ra, chính quyền tỉnh sẽ vận động các nhà đầu tư đủ mạnh để ứng trước vốn thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư các dự án ở khu công nghiệp, đô thị gắn với lợi ích sử dụng trực tiếp của nhà đầu tư. Sau khi tạo quỹ đất sạch, tổ chức đấu thầu dự án gắn liền với quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.
TRẦN HỮU