Quản lý hiện trạng đất đai vùng đông: Rối như tơ vò! (Bài cuối)
BÀI CUỐI: SIẾT CHẶT QUẢN LÝ HIỆN TRẠNG
Trước các vướng mắc về quản lý hiện trạng đất đai ở vùng đông, cũng như ách tắc về mặt bằng, ngành chức năng đang hướng dẫn các địa phương tập trung tháo gỡ, xây dựng dữ liệu hồ sơ đất đai, siết chặt quản lý hiện trạng, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) cho người dân.
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường chủ trì làm việc giải quyết những vướng mắc về quản lý đất đai ở vùng đông Thăng Bình. Ảnh: TRẦN HỮU |
Không “đàm phán” kéo dài
Trong số 23 trường hợp tại 2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải (Duy Xuyên) chưa đồng ý nhận tiền bồi thường (BT) bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, có một số hộ có nhiều nhân khẩu nhưng chưa lập gia đình hoặc gia đình có nhiều con nhưng còn nhỏ, bị thu hồi đất ở, đất trồng cây hàng năm, đất rừng... Theo chính sách bồi thường, hỗ trợ (HT), những trường hợp này sau khi giải tỏa chỉ được bố trí lại 1 lô đất tại khu tái định cư (TĐC) theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Bửu, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai, để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, đơn vị đề xuất với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai thống nhất ngoài lô chính còn bố trí thêm 1 lô đất TĐC có thu tiền sử dụng đất mà không thông qua đấu giá. “Với các trường hợp Nhà nước đã vận dụng đúng, đầy đủ các quy định về chính sách BT-HT, chính quyền cấp xã, huyện đã vận động tuyên truyền giải thích nhiều lần nhưng vẫn không chịu bàn giao mặt bằng thì phải cương quyết tổ chức cưỡng chế, chứ “đàm phán” kéo dài như hiện nay không biết bao giờ mới giải tỏa xong” - ông Bửu nói. Theo Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT), những trường hợp vướng ở Duy Hải chủ yếu là đối tượng đất có nhà ở xác nhận thực tế trước năm 1980 nhưng chẳng có bất cứ loại giấy tờ pháp lý nào. Ngoài giải quyết theo đúng tinh thần của pháp luật, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương và các ngành khác nghiên cứu giải quyết quyền lợi cho người dân một cách thỏa đáng, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Tại các xã thuộc vùng đông Thăng Bình, nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng chung trên một thửa đất không có ranh giới sử dụng rõ ràng; do vậy tình trạng đo bao, đo gộp nhiều chủ sử dụng đất vào một thửa còn khá phổ biến. Việc xác định ranh giới sử dụng đất của hộ, cá nhân chưa chính xác, cũng như trong quá trình đo đạc đơn vị tư vấn xác định chưa đúng chủ sử dụng đất. Mặt khác, nhiều hộ gia đình, cá nhân tự phân chia đất nông nghiệp để tặng cho con nhưng chưa lập các thủ tục tặng cho theo quy định. Đây là nguyên nhân gây cản trở tiến độ xác lập hồ sơ địa chính và cấp bìa đỏ cho người dân. Ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình phân trần: “Thực tế, khâu kê khai, đăng ký cấp bìa đỏ về đất nông nghiệp phát sinh khối lượng lớn, nhưng đội ngũ cán bộ địa chính ở cơ sở mỏng nên không đáp ứng được thời gian, kế hoạch đề ra. Riêng xác định nguồn gốc đất hội đồng tư vấn đất đai cấp xã họp đi họp lại mất nhiều thời gian”.
Để gấp rút hoàn thành tiến độ cấp bìa đỏ, các ngành chức năng của huyện Thăng Bình cùng với các xã vùng đông hợp đồng với đơn vị tư vấn phối hợp với chủ hộ trực tiếp tham gia xác định ranh giới, mốc giới thửa đất ngoài thực địa, tránh tình trạng chồng lấn, tranh chấp đất đai. Lãnh đạo huyện Thăng Bình cũng cho rằng, xây dựng dữ liệu hồ sơ đất đai, tiến tới cấp bìa đỏ cho dân sẽ là điều kiện thuận lợi trong quản lý hiện trạng, dễ thu hồi đất sau này. Cho nên, giải pháp lâu dài nên quy hoạch vùng đông rõ ràng và xây dựng đồng bộ các khu TĐC để người dân an tâm chuyển đến nơi ở mới. Theo đó, cần thiết điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020; giữa Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và các địa phương vùng đông (trong đó có Thăng Bình) phải có quy chế phối hợp làm việc, quản lý lãnh thổ cụ thể.
Gấp rút hoàn thiện hồ sơ địa chính
Ông Phạm Bê - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai nhìn nhận, một thời gian dài các xã vùng đông đã buông lỏng quản lý đất đai, không xác lập hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai và tiến hành đăng ký kê khai đất đai chưa đầy đủ. Bây giờ các dự án vào triển khai thì lúng túng trong thu hồi đất. Vì vậy, chính quyền cần phải tổ chức quản lý hiện trạng sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng đất, có biện pháp chế tài cụ thể để xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp cố ý lấn chiếm đất công cộng hoặc xây dựng cơi nới trái phép, trồng cây trên đất đã công bố quy hoạch. Phương án BT-HT và TĐC cho người bị thu hồi đất tuyệt đối phải công bằng và đảm bảo tính thống nhất.
Vừa qua, UBND tỉnh phân bổ kinh phí 7,4 tỷ đồng cho các xã vùng đông Tam Kỳ, Duy Xuyên, Thăng Bình triển khai công tác kê khai đăng ký, cấp bìa đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Tuy nhiên, theo các địa phương tổng hợp thì hiện mới có 66.431 hồ sơ đã đăng ký kê khai, 27.914 hồ sơ chưa kê khai đăng ký. Trong đó, 4 xã vùng đông Tam Kỳ (Tam Phú, An Phú, Tam Thanh và Tam Thăng) chiếm 10.425 hồ sơ chưa đăng ký kê khai. Theo thống kê, hiện đơn vị thi công đã bàn giao cho hội đồng tư vấn cấp xã 6.805 hồ sơ đất đai, đang trình lên các ngành chức năng thẩm định để cấp bìa đỏ. Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.Tam Kỳ xung quanh giải quyết những vướng mắc trong tiến độ cấp bìa đỏ ở các xã vùng đông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép UBND xã Tam Thanh tiến hành đo đạc, quản lý hiện trạng sử dụng đất tại khu vực thôn Tỉnh Thủy đến thôn Hà Thanh 2 với quy mô diện tích 200ha, kinh phí do UBND TP.Tam Kỳ phân bổ, đồng thời yêu cầu UBND xã Tam Thanh phải có cam kết thực hiện không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, quản lý hiện trạng, hoàn thiện hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, cấp bìa đỏ cho dân... là nhiệm vụ tối quan trọng cần giải quyết cấp bách cho các địa phương vùng đông. Thu hút đầu tư mà không tạo ra quỹ đất sạch thì cũng bằng không. “Trước đây cùng một lúc ta cho nhà đầu tư vào vừa xây dựng hạ tầng gặp không ít rào cản. Bây giờ làm khác đi, trước hết là quản lý tốt hiện trạng, đầu tư hạ tầng rồi mới mời, chọn nhà đầu tư” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý.
TRẦN HỮU