Đô thị hội nhập

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC 16/10/2016 09:22

Nằm ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam đang chuyển động mạnh mẽ về nhiều mặt, dần hình thành mạng lưới đô thị theo hướng hiện đại, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Không phải lúc nào ý tưởng quy hoạch cũng được hiện thực hóa, nhưng tầm nhìn xa đã buộc các nhà hoạch định chiến lược lựa chọn con đường phát triển đô thị có bản sắc, tận dụng ưu thế của vùng đất mở, có bề dày văn hóa. “Chân dung” đô thị xứ Quảng sẽ là mở cửa hội nhập, phát triển đô thị thông minh và thân thiện với môi trường.

Hội thảo khoa học với chủ đề “Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Quảng Nam trong quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh tổ chức vừa qua đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý về kiến trúc, xây dựng, kinh tế...

Một góc đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Một góc đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

CẠNH TRANH ĐÔ THỊ

Các địa phương trong tỉnh đang xác lập quy hoạch theo hướng cạnh tranh về thế mạnh đặc thù. Tuy nhiên, phần “xác” và phần “hồn” đô thị còn có nhiều điều đáng bàn.    

Phát triển nhanh nên đánh đổi

Với lợi thế về đầu mối giao thông quan trọng như sân bay, cảng biển, đường sắt, có cửa khẩu thông thương với Lào và kết nối với vùng đông bắc Thái Lan, Quảng Nam có điều kiện phát triển đô thị. Một số đô thị đã khẳng định được thương hiệu, điển hình như Hội An - đô thị cổ - thành phố sinh thái và văn hóa; Chu Lai - Khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước; Tam Kỳ - thủ phủ xanh... Tuy nhiên, xét tổng thể, quá trình đô thị hóa hiện nay chủ yếu gắn liền với mở rộng địa giới hành chính và không gian, nâng cấp và hình thành mới các đô thị. Ở hầu hết địa phương, phát triển đô thị không tách rời sự ra đời của các ngành công nghiệp. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là “tín hiệu” cho nhịp sống đô thị. Kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, xu hướng đầu tư nhanh, thu hút dự án bằng mọi giá ở khu vực ven biển trước đây một mặt vừa đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, mặt khác để lại nhiều bài học đắt giá, phá vỡ không gian đô thị, ô nhiễm nặng môi trường. Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp gần khu dân cư tại các địa phương đã băm nát cảnh quan, không gian đô thị. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư eo hẹp, thiếu đồng bộ “chia cắt” các điểm dân cư, hệ thống giao thông với các điểm phát triển công nghiệp tập trung.

Đô thị cổ Hội An đang nỗ lực đầu tư đồng bộ hạ tầng.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đô thị cổ Hội An đang nỗ lực đầu tư đồng bộ hạ tầng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Vùng ven biển tỏa sáng nhờ động lực phát triển kinh tế nên tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh. Những tòa nhà cao vút chọc trời với mảng khối sắc màu rực rỡ bám dọc theo sông, biển từ nền quy hoạch hiện đại nhưng trông nó “yếu ớt” trước bão lũ. Hệ lụy nhãn tiền là một số resort, khách sạn sang trọng ở Cửa Đại (TP.Hội An) đã không chống đỡ nổi triều cường, bão biển. Nhiều phố mới ở Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn... dễ bị ngập. Vấn đề trị thủy xem ra quá bức bách với các đô thị hiện nay. Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phú nhìn nhận: “Chất lượng hạ tầng các đô thị còn thấp, đặc biệt phía tây của tỉnh. Hệ thống giao thông khung thiếu khớp nối; phần lớn các đô thị chưa có hệ thống thu và xử lý nước thải, rác thải. Liên kết đô thị - nông thôn, khả năng cung ứng hạ tầng đến từng điểm dân cư còn yếu”. Lý giải nguyên nhân làm chất lượng hạ tầng đô thị xuống cấp nhanh, các nhà khoa học cho rằng, lỗi trước đây nôn nóng đầu tư, tranh thủ nguồn vốn, giải quyết chắp vá những bức bách của hạ tầng nên không đồng bộ các hạng mục hạ tầng. Phát triển đô thị nhanh một thời nên đã đánh đổi nhiều thứ.

“Định giá” tài sản đô thị

Nhiều đô thị của tỉnh đang cố gắng khai thác và phát huy thế mạnh của các điều kiện tự nhiên, cũng như đặc sắc riêng của vùng đất. Ngoài hoàn thiện phần “xác”, các địa phương nỗ lực xây dựng phần “hồn” đô thị bằng xây dựng lối sống, nếp sống đô thị, tạo ra các “đặc sản” riêng để tăng sức canh tranh với đô thị lân cận. Vậy các đô thị nhỏ trong tỉnh có thể cạnh tranh với đô thị cổ - Hội An hay đô thị trẻ - Tam Kỳ không? Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Bộ VH-TT&DL), hoàn toàn có thể ra sân chơi cạnh tranh. Tài sản đô thị có thể là công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, có thể là những cảnh quan tự nhiên, sự trong sạch của môi trường, hệ sinh thái, hình ảnh đô thị hay thậm chí nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân bản địa. So với các thành phố lớn, các đô thị nhỏ trong tỉnh có lợi thế về các “tài sản” liên quan đến cảnh quan sinh thái, hay các tiêu chí đảm bảo chất lượng cuộc sống, như ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội ở mức thấp, chi phí về nhà ở và sinh hoạt không đắt đỏ. Ngược lại, đô thị nhỏ thường bất lợi hơn về cơ hội việc làm - thu nhập, sau đó là các dịch vụ giải trí, chữa bệnh. Cạnh tranh ở đây là đô thị đó có gì độc đáo, hấp dẫn và đáp ứng các tiện ích xã hội hiện đại hay không.

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu (Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng, đô thị trung bình như thị xã Điện Bàn không thể  là “đối thủ” cạnh tranh với “thành phố đáng sống” Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An. Dù vậy, địa phương cần cách tiếp cận chiến lược, khai thác lợi thế thông qua sản phẩm cụ thể, đặc biệt là sản phẩm ít gắn với quy mô kinh tế. “Chính quyền thị xã cần có sự liên kết và liên minh với các đô thị lân cận một cách chủ động, phát huy sự khác biệt của địa phương. Cần tạo điều kiện để doanh nghiệp khai thác khả năng cạnh tranh ở các sân chơi tiềm năng. Trên thực tế, chất lượng sống cao nhất không tập trung ở các siêu đô thị mà ở các đô thị trung bình” - ông Hiếu nói.

LIÊN KẾT KHÔNG GIAN VÙNG

Nhiều đô thị đã liên kết không gian vùng trong quy hoạch xây dựng, tương trợ trong phát triển và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Áp lực

Nhiều năm gần đây, các đô thị nằm ven sông chịu tác động của lũ lụt, ven biển chịu xâm thực mạnh của thủy triều. Hội An là một trong những đô thị bị thiệt hại nặng nhất về BĐKH. Vào mùa mưa, “rốn lũ” thường xuất hiện ở các phường Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Kim, Sơn Phong, Minh An, Cẩm Phô... Từ năm 2016, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Cục Phát triển đô thị thuộc Bộ Xây dựng, Quỹ châu Á đã tiến hành đánh giá khả năng chống chịu của thành phố và xây dựng bộ chỉ số. Thách thức nhất là tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố thấp; nhà cổ nhiều nhưng xuống cấp gây khó khăn cho trùng tu, ứng phó mỗi khi có mưa bão, lũ lụt. Ngành thương mại - dịch vụ chiếm gần 68% cơ cấu kinh tế Hội An, tuy nhiên du lịch phát triển cũng tạo ra nhiều áp lực lên đô thị.

GS-TS-KTS. Đỗ Hậu (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cảnh báo, sự chuyển dịch lao động từ các ngành nghề và vùng miền khác đổ về Hội An làm tăng áp lực giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Sức ép tăng dân số cơ học trong khi hạ tầng của thành phố chưa theo kịp với tốc độ gia tăng dân số. “Chính quyền dù có phương án ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo cấp độ rủi ro song chưa xây dựng được kế hoạch ứng phó với BĐKH cho toàn thành phố. Năng lực tài chính hạn chế, gần như các khoản đầu tư hạ tầng ứng phó với BĐKH phụ thuộc nhiều vào Trung ương. Tỷ lệ người dân di dời cao (30% so với tổng dân số) cũng hạn chế khả năng chống chịu với thiên tai” - GS-TS-KTS. Đỗ Hậu nêu bất cập. Cũng theo chuyên gia này, để là đô thị thông minh, cần thiết kế, sắp xếp lại không gian đô thị cho phù hợp. Với khu vực có cấp độ rủi ro cao, lập tức di dời người dân; mở rộng đô thị xa sông, xa biển.

Đô thị mới Điện Bàn ngày càng hoàn thiện hạ tầng.Ảnh: CÔNG TÚ
Đô thị mới Điện Bàn ngày càng hoàn thiện hạ tầng.Ảnh: CÔNG TÚ

Theo Viện Chiến lược phát triển  (Bộ KH-ĐT), điểm “nhược tiểu” của các đô thị Quảng Nam là vốn huy động cho phát triển kinh tế địa phương thấp. Việc triển khai chính sách đất đai bất cập, thể hiện rõ nhất là chuyển đổi đất nông nghiệp sang phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch. Thêm nữa là chưa có chiến lược phát triển đô thị dài hạn, nên thiếu điều phối và gắn kết trong kết cấu hạ tầng đô thị. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng lớn dẫn đến phát triển đô thị manh mún. Đồng quan điểm này, PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, địa phương vẫn thiếu nhà đầu tư đẳng cấp để có thể làm bệ phóng cho các đô thị lan tỏa. Chính quyền cần làm cuộc tổng kết những được - mất, lợi - hại trong bức tranh toàn cảnh đô thị cả nước, để rút kinh nghiệm triển khai sát sườn hơn. “Làm thế nào để người ta bước vào đô thị có cảm giác ấm áp, bình yên nên cốt lõi là phải định dạng được chân dung đô thị hiện đại” - ông Trần Đình Thiên nói.

Kết nối vùng

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, bất cập trong liên kết vùng, liên kết đô thị đang gây lãng phí đầu tư công. Chất lượng đô thị có mối quan hệ biện chứng với tăng trưởng kinh tế. Liên kết vùng trong hội nhập dựa trên các lợi thế so sánh về nguồn nhân lực, yếu tố địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa... Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phú cho rằng, liên kết các đô thị cùng phát triển là giải pháp đang tính toán. Theo đó, sẽ hình thành nên các cụm đô thị Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh, Hội An - Điện Bàn - Đại Lộc, Thăng Bình - Duy Xuyên - Quế Sơn. Các địa phương này sẽ sử dụng chung hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khung; không ràng buộc trong một đô thị hoặc quản lý hành chính. Xây dựng mạng lưới đô thị đều khắp, có tầng bậc, phân vùng phát triển và vùng động lực, các trục đô thị hóa. Mấu chốt là, đô thị phải theo hướng mở, thông minh và mang tinh thần hội nhập quốc tế. “Phải kết nối vùng, kết nối đô thị để tạo sức lan tỏa. Mở rộng đô thị từ đông lên tây và bám theo các cụm động lực” - ông Phú nhấn mạnh.

Còn theo TS. Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình định cư con người của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, xét cho cùng động lực cho phát triển kinh tế địa phương là phát triển các cụm ngành và cụm đô thị trọng điểm. Phải khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp dệt may (Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành) để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Mở rộng phát triển dịch vụ cảng, hàng không, tài chính, ngân hàng, thông quan và đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao trong các khu kinh tế, đô thị hiện đại. “Để có nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, thúc đẩy mô hình đầu tư BOT, PPP (hợp tác công - tư), đa dạng hóa mô hình FDI bằng các ưu đãi về thuế và quyền sử dụng đất trong các dự án phát triển và huy động các nguồn lực từ xã hội” - TS. Quang góp ý.

CHUYÊN GIA, NHÀ QUẢN LÝ HIẾN KẾ

Bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Tăng sức chống chịu cho đô thị

Việt Nam, đặc biệt Quảng Nam vốn chịu tổn thương trực tiếp do BĐKH  gây ra, cho nên khi quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tầm nhìn quy hoạch  đô thị phải lưu ý tính toán khả năng phòng chống thiên tai. Những “điểm nghẽn” của phát triển, địa phương phải giải quyết rốt ráo, có giải pháp phát triển phù hợp với lộ trình và đặc điểm của mình. Cùng với mở rộng không gian đô thị vùng đông là nâng cao chất lượng, xây dựng cho được thành phố thông minh, đáng sống.

PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Đô thị thông minh là phải hội nhập quốc tế

Lô gíc phát triển kinh tế, đô thị miền Trung không thể như các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ hay Nam Bộ. Quảng Nam có cảng biển, hội tụ các yếu tố cho phát triển kinh tế. Trước đây các nhà quy hoạch đã “vẽ” ra ý tưởng cao siêu, chính quyền thì lựa chọn nhà đầu tư dễ dãi (doanh nghiệp nhỏ lẻ, không có đẳng cấp) nên hậu quả trả giá về môi trường, cũng như làm tắc nghẽn con đường phát triển. Xét cho cùng, đô thị thường gắn với công nghiệp, nhưng thực tế đồng lương của công nhân quá thấp, chất lượng cuộc sống giảm thì không thể gọi là đô thị thông minh được. Một đô thị hiện đại và thông minh phải mở cửa, hội nhập quốc tế.

TS. Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình định cư con người của Liên hiệp quốc tại Việt Nam: Đô thị phải làm cho người dân hạnh phúc

Phát triển công nghiệp và đô thị hóa nếu được quản lý tốt sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế vững chắc, tiến bộ xã hội và môi trường bền vững. Ngược lại, chất lượng quản lý yếu kém sẽ tạo ra sự phân hóa giàu nghèo, đô thị hóa lộn xộn và vô chính phủ; tình trạng ô nhiễm, sử dụng không bền vững các nguồn lực đất đai, nước và các tài nguyên thiên nhiên khác. Giải pháp chiến lược cần thực thi là phát triển các cụm ngành và cụm đô thị trọng điểm làm động lực cho phát triển kinh tế địa phương. Tăng cường liên kết vùng, hợp tác quốc tế, mở rộng các sản phầm địa phương ra thị trường; đồng thời cụ thể hóa sáng kiến về tăng trưởng xanh trong quy hoạch và phát triển các đô thị động lực như Hội An, Tam Kỳ theo hướng thành phố sinh thái. Mặt khác, phải liên kết đô thị - nông thôn và liên kết vùng. Nói chung, cái đích của đô thị là làm cho người dân hài lòng và hạnh phúc.

KTS. Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia: Dịch chuyển lên phía tây

Kết nối đông - tây đi qua địa bàn Quảng Nam thông qua quốc lộ 14D, 14B, 14E giúp tỉnh mở rộng quan hệ với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, có nhiều triển vọng thu hút đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, cần hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng đô thị, kích thích phát triển du lịch, công nghiệp đa ngành, công nghiệp chế biến, cảng và khai thác tiềm năng vùng đông, liên kết không gian vùng trong quy hoạch xây dựng. Về lựa chọn mô hình đô thị, nên dịch chuyển hướng phát triển về phía tây, vùng trung du với quy mô đô thị phù hợp; hình thái không gian đô thị dành nhiều hành lang thoát nước tự nhiên. Nghiêm cấm đô thị hóa xâm lấn đến khu vực dễ bị tổn thương về môi trường.

TS. Lee Dong Youn (Công ty Jungdo UIT, Hàn Quốc): Phát triển “thành phố các - bon thấp”

Kinh nghiệm xây dựng đô thị ở Hàn Quốc là đánh giá hiện trạng, giá trị đất đai trước khi lập quy hoạch phát triển đô thị. Quanh các khu công nghiệp, đô thị là diện tích dành cho cây xanh, mặt nước, hệ sinh thái tự nhiên. Các chính sách phát triển đô thị bền vững tích hợp giữa tăng trưởng xanh và thích ứng với BĐKH; cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị. Thành công của Hàn Quốc là xây dựng được nhiều “thành phố  các - bon thấp” theo hướng tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm khí nhà kính, phát triển “công nghiệp sạch”...

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC