Chật vật thu hồi đất

TRẦN HỮU 28/09/2016 08:48

Nhiều địa phương rất vất vả thu hồi đất do lúng túng trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và chậm hoàn thiện cơ sở quản lý hồ sơ đất đai. Vì vậy, chính quyền địa phương các cấp lẫn cơ quan chức năng đang tập trung tháo gỡ những vướng mắc về chính sách đất đai.

Tiến độ cấp bìa đỏ cho người dân xã Bình Dương (Thăng Bình) rất chậm.  TRONG ẢNH: Khu tái định cư xã Bình Dương.  Ảnh: TRẦN HỮU
Tiến độ cấp bìa đỏ cho người dân xã Bình Dương (Thăng Bình) rất chậm. TRONG ẢNH: Khu tái định cư xã Bình Dương. Ảnh: TRẦN HỮU

Ứ đọng hồ sơ

Thống kê sơ bộ từ Chi cục Quản lý đất đai (thuộc Sở TN&MT), các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và TP.Tam Kỳ tồn đọng 9.953 hồ sơ (TP.Tam Kỳ: 6.850 hồ sơ, Duy Xuyên 420 hồ sơ, Thăng Bình 2.728 hồ sơ) chưa họp thông qua hội đồng tư vấn cấp xã và ký xác nhận vào đơn đăng ký, lập thủ tục chuyển cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố thẩm định, trình UBND cấp huyện và Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ).

Vướng mắc tập trung ở địa bàn Thăng Bình. Địa phương có 11 xã triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có 6 xã đang thực hiện gồm: Bình Đào, Bình Hải, Bình Minh, Bình Sa, Bình Dương, Bình Nam, với hơn 22.500 hồ sơ đã kê khai đăng ký. Tuy nhiên đến nay, mới cấp cho nhân dân được gần 3.100 hồ sơ, đã ký duyệt hơn 1.100 hồ sơ, thẩm định được 9.600 hồ sơ, còn gần 650 hồ sơ chưa thẩm định. Ngoài ra, 6 xã này người dân chưa kê khai đăng ký đất đai với 3.509 hồ sơ. Các xã đo đạc lập bản đồ địa chính mới gồm Bình Giang, Bình Phục, Bình Triều, Bình Tú, Bình Trung nhưng thời điểm này mới có xã Bình Trung hoàn thành được công tác đo đạc, xã Bình Nam đạt hơn 98%, các xã còn lại tiến độ đo đạc từ 41% đến 72%. Đáng nói, phần lớn các xã trên chưa xác lập được hồ sơ để cấp bìa đỏ cho dân. Thời gian qua, các xã ven biển như Bình Minh, Bình Dương dù tỉnh quy hoạch đầu tư dự án nhưng vẫn chưa động đậy, gây bức xúc về nơi ở, sản xuất của người dân. Diện tích cho dự án quá lớn trong khi người dân thiếu đất sản xuất, không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng gây lúng túng cho chính quyền trong quản lý hiện trạng đất đai.

Tương tự, tại vùng đông Duy Xuyên, nơi đang triển khai một số dự án lớn, tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư rất chậm. Hiện tại xã Duy Hải còn gần 200 hồ sơ đất đai của người dân chưa thẩm định tại Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Duy Xuyên. Việc đo đạc các thửa đất nằm trong dự án Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) và dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai để cấp bìa đỏ còn dở dang. Thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 8.2016, các xã Duy Hải, Duy Nghĩa còn 417 hồ sơ chưa kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và tiến độ cấp bìa đỏ của 2 địa phương này chỉ đạt dưới 70% tổng giấy cần cấp. Ông Phạm Bê - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai nhìn nhận, tiến độ cấp bìa đỏ ở vùng đông, đặc biệt 2 huyện Duy Xuyên và Thăng Bình quá chậm, hồ sơ ứ đọng nhiều. Dù cơ quan quản lý đất đai có văn bản hướng dẫn giải quyết từng trường hợp vướng cụ thể nhưng chính quyền địa phương và đơn vị tư vấn, thi công cấp giấy vẫn rề rà trong thực thi nhiệm vụ. Nhiều trường hợp đến nay vẫn chưa xác định ranh giới, mốc giới thửa đất ngoài thực địa và kê khai đăng ký, cấp bìa đỏ.

Tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, các nhà thầu của dự án Nam Hội An đang cần bàn giao mặt bằng sớm để đầu tư xây lắp, nhưng theo ông Huỳnh Bửu - Phó Giám đốc  Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai (đơn vị kiểm kê bồi thường), đến cuối tháng 9.2016, trong phạm vi nhà đầu tư cần mặt bằng xây dựng thì có 8 hộ dân xã Duy Hải bị ảnh hưởng về đất ở, nhà ở với tổng diện tích 4,1ha vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng. Đây là điểm ách tắc chính kéo dài nhiều tháng nay. Người dân cho rằng, giá bồi thường hiện hành thấp hơn so với thị trường, tiền bồi thường không thể đủ để xây mới nhà cửa, nên họ kiến nghị được bồi thường phần diện tích tăng thêm sau khi cấp bìa đỏ, theo loại đất vườn ao liền kề. Trên thực tế đây là diện tích đất khai hoang trái phép nhưng do chính quyền quản lý lỏng lẻo nên người dân lấn chiếm.

Nhiều dự án triển khai chậm do vướng thu hồi đất. TRONG ẢNH: Khu tái định cư xã Tam Quang (Núi Thành) đang thi công.Ảnh: HỮU PHÚC
Nhiều dự án triển khai chậm do vướng thu hồi đất. TRONG ẢNH: Khu tái định cư xã Tam Quang (Núi Thành) đang thi công.Ảnh: HỮU PHÚC

 Vì xác định nguồn gốc đất để bồi thường kéo dài dai dẳng nên thu hồi đất của tỉnh không như ý muốn. Điển hình, năm 2015, các địa phương phải thu hồi hơn 2.000ha cho các dự án khả thi, nhưng diện tích thu hồi thực chất mới được hơn 640ha (đạt 31%). Theo thống kê của các huyện Đại Lộc, Hiệp Đức, Phú Ninh, Quế Sơn, Nam Giang, Đông Giang và thị xã Điện Bàn, tỷ lệ diện tích đất thu hồi chỉ đạt dưới 50% so với chỉ tiêu diện tích thu hồi đất. Giải thích về thực trạng này, Sở TN&MT cho rằng, nhiều nơi có tâm lý đăng ký trước rồi sẽ kêu gọi đầu tư sau. Hệ lụy là danh mục đăng ký nhiều, diện tích lớn, trong khi chưa xác định được chủ trương đầu tư, cũng như không biết lấy vốn xây dựng ở đâu. Cá biệt có danh mục thu hồi đất nằm ngoài quy hoạch sử dụng đất được duyệt. Mặt khác, thu hồi đất vất vả do lúng túng trong áp giá bồi thường, tái định cư cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn  cho biết, lãnh đạo tỉnh đang chỉ đạo chính quyền các địa phương Thăng Bình, Duy Xuyên yêu cầu hội đồng tư vấn từng xã và tổ công tác cấp huyện tăng cường phối hợp trong xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai ở từng địa phương. Khâu bàn giao hồ sơ của đơn vị thi công với UBND xã phải lập đầy đủ biên bản giao nhận, trường hợp UBND các xã, đơn vị thi công có vướng mắc thì báo cáo ngay với tổ công tác cấp huyện giải quyết.

Tập trung triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND cấp xã triển khai thực hiện tốt các nội dung về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BT, HT&TĐC) trên địa bàn theo Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 16.9.2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trong vùng dự án hiểu đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chương trình, dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tạo sự đồng thuận trong việc chấp hành và thực hiện tốt công tác BT, HT&TĐC trên địa bàn. Tổ chức công bố công khai rộng rãi các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn giá BT, HT&TĐC trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại trụ sở sinh hoạt cộng đồng và tại nơi triển khai dự án để nhân dân biết, thực hiện; tổ chức quản lý tốt hiện trạng sử dụng đất theo quy hoạch, có biện pháp, chế tài cụ thể để xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp sai phạm; đẩy nhanh công tác cấp bìa đỏ cho nhân dân. Chủ động đầu tư và huy động các nguồn vốn để xây dựng các khu tái định cư theo hướng căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác BT, HT&TĐC trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đảm bảo hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh...

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU