Kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sai phạm tiếp diễn
Qua thanh tra, lực lượng chức năng của Sở Giao thông vận tải (GTVT) phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động từ phía các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô tại các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp.
Vi phạm tràn lan
Đặt trụ sở ở xã Tam Xuân 2 (Núi Thành), doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Vĩnh Phúc đầu tư 15 ô tô tải tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường. Đến kiểm tra hoạt động của đơn vị này, Thanh tra Sở GTVT phát hiện toàn bộ lái xe chưa hề được đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội; lý lịch hành nghề của đội ngũ trên không được cập nhật đầy đủ để quản lý, đơn cử là chạy quá tốc độ, nắm vô lăng quá thời gian làm việc... Khi trích xuất dữ liệu từ hệ thống quản lý giám sát, thanh tra viên nhận thấy trong vòng một tháng có một số phương tiện mà tài xế vi phạm về thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ. Tại DNTN Bảo Châu Trường Xuân (thôn 5, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) tham gia kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định, tổng cộng có 9 xe đang hoạt động. Thế nhưng, tài xế không được tham gia BHYT, BHXH; 1/8 tài xế không có lý lịch hành nghề, còn lý lịch hành nghề từ 7 tài xế khác chưa cập nhật đầy đủ. Cạnh đó, có tới 5 phương tiện không lưu hồ sơ đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Ở thời điểm kiểm tra, 2 phương tiện vận chuyển khách du lịch của Công ty TNHH Victoria Hội An (phường Cửa Đại, Hội An) là 92LD-000.17 và 92LD-000.16 không niêm yết khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” theo quy định.
Thanh tra viên kiểm tra một phương tiện kinh doanh vận tải khách tuyến cố định. |
Theo cán bộ Thanh tra Sở GTVT, qua kiểm tra 24 đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trong tỉnh tất cả đều vi phạm ở mức độ khác nhau. Điều đáng lo là cả 3 “bà đỡ” bị thanh tra đợt này, gồm HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ, HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp Duy Xuyên, HTX Vận tải thủy bộ và du lịch Hội An đều sai phạm. Cụ thể: HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ là đơn vị kinh tế tập thể sở hữu phương tiện nhiều nhất với 117 xe hoạt động kinh doanh vận tải buýt (30 xe), hợp đồng (35 xe), cố định (33 xe), hàng hóa thông thường (18 xe), container (1 xe). Chưa tính kinh doanh container, toàn bộ 132 tài xế thuộc HTX đều không tham gia BHYT, BHXH. Trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên máy chủ của đơn vị này, thanh tra viên phát hiện xe buýt 92B-005.41 trong vòng một tháng vi phạm 63 lần mở cửa khi xe đang lưu thông (tốc độ cao nhất lúc không đóng cửa là 59km/giờ). Cùng với đó, 23 xe chạy hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách “quên” thông báo cho Sở GTVT. Ở HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp Duy Xuyên, hầu hết tài xế xe buýt, xe tuyến cố định, hợp đồng hay chở hàng hóa đều chưa đóng BHYT và bảo hiểm tai nạn. Thuộc vận tải khách tuyến cố định, xe 43B-022.05 bỏ qua việc niêm yết số điện thoại của Sở GTVT và khối lượng hành lý miễn phí theo quy định. Cạnh đó, nhiều phương tiện vi phạm tốc độ, điển hình là lái xe 92B-024.25 chạy quá tốc độ đến 208 lần/15.543,66km, 22 lần vi phạm thời gian điều khiển xe liên tục quá 4 giờ chỉ trong 30 ngày…
Kiên quyết xử lý
Đến thời điểm ban hành kết luận kiểm tra, HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ, HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp Duy Xuyên đã chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính và nộp phù hiệu, biển hiệu của xe vi phạm. Đồng thời ban lãnh đạo liên hệ đăng ký và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho hầu hết lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. “Hiện tại, một số đơn vị có sai phạm chưa thấy báo cáo khắc phục theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, hoặc có báo cáo song không có hồ sơ chứng minh. Chúng tôi đề nghị đoàn thanh tra tiếp tục hậu kiểm, nếu họ vẫn ù lì thì dứt khoát phải xử lý nghiêm” - ông Võ Quang Lâm khẳng định. |
“Qua kiểm tra cho thấy, một số đơn vị còn lúng túng khi áp dụng triển khai thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành; nếu có thực hiện cũng chỉ mang tính đối phó với cơ quan chức năng. Mặt khác, một số đơn vị chỉ khoán trắng cho lái xe và thu tiền phí, thờ ơ chuyện xe đó và tài xế hoạt động như thế nào, đặc biệt là HTX (chủ yếu kinh doanh vận chuyển khách theo hợp đồng, du lịch, hàng hóa) và các đơn vị có thuê xe” - Chánh Thanh tra Sở GTVT, ông Võ Quang Lâm nói. Những trường hợp bị kiểm tra trước đây và đã nhắc nhở, hoặc cơ quan chức năng có văn bản thông báo nhưng không chấn chỉnh và tiếp tục vi phạm thì Thanh tra Sở GTVT đề xuất hướng xử lý kiên quyết. Cả 3 HTX nêu trên và DNTN Bảo Châu Trường Xuân có nhiều phương tiện vi phạm về tốc độ, thời gian làm việc của tài xế, mở cửa khi xe chạy hoặc thiết bị giám sát hành trình không truyền tín hiệu, lực lượng chức năng đề nghị Sở GTVT áp dụng biện pháp đình chỉ khai thác tuyến, hay thu hồi phù hiệu…
Bên cạnh đó, 3 HTX nêu trên cùng các doanh nghiệp đóng chân tại Hội An là Công ty CP Thương mại dịch vụ Cát Vàng, Công ty CP Tập đoàn Hoàng Gia Hội An, Công ty TNHH Victoria Hội An, Công ty TNHH Châu Phương Travel sử dụng ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên để thực hiện hợp đồng vận chuyển (xe hợp đồng, du lịch) nhưng không thông báo cho Sở GTVT trước lúc vận chuyển khách. Theo quy định, các trường hợp trên sẽ bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu 1 tháng. Tuy nhiên, do lộ trình triển khai quy định trên mới áp dụng nên các đơn vị chưa cập nhật, nắm bắt để thực hiện. Vì vậy, ngành chức năng sẽ cảnh cáo họ và yêu cầu người đứng đầu nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan dẫn tới sai phạm. Bên cạnh lập biên bản vi phạm hành chính trong lúc thực thi công vụ, vừa qua, Thanh tra Sở GTVT còn đề nghị cấp thẩm quyền có hình thức phạt bổ sung bằng cách tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) 1 tháng đối với một số phương tiện của HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ, HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp Duy Xuyên. Bởi lẽ, họ sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô mà chưa được tập huấn về nghiệp vụ; việc làm trên đã vi phạm các nghị định có liên quan.
CÔNG TÚ