Kiến tạo đô thị vùng đông
Vùng đông Tam Kỳ hiện tại chưa chuyển động mạnh mẽ về đời sống đô thị, vẫn là “bóng làng” thôn quê. Song, ý đồ định dạng nơi đây thành một đô thị trẻ năng động, tiếp cận biển đã dần hiện thực hóa bằng một định hướng quy hoạch rõ ràng.
TP.Tam Kỳ hướng đến mở rộng không gian đô thị về vùng đông. TRONG ẢNH: Một góc làng chài xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ. Ảnh: H.HOÀNG |
Tận dụng lợi thế
Nguồn lực lấy từ đâu và bao giờ mới triển khai xây dựng quy hoạch dịch chuyển không gian đô thị Tam Kỳ về vùng đông, đó luôn là mối quan tâm của cư dân thành phố tỉnh lỵ. Thực tế cho thấy, giữa quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch không phải bao giờ cũng “gặp nhau”. Nhưng, nếu những nhà hoạch định quy hoạch, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương không có tầm nhìn xa trông rộng và phát lộ ý đồ ngay từ đầu thì đô thị cho dù khoác trên mình bằng các dự án lớn cũng chỉ là... cái xác không hồn. Lợi thế của Tam Kỳ là “sở hữu” một đồ án quy hoạch bài bản được quốc tế đánh giá cao. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 của Công ty Niken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản) đoạt giải tác phẩm xuất sắc tại Việt Nam của kiến trúc sư nước ngoài trong cuộc thi Giải thưởng kiến trúc quốc gia Việt Nam năm 2014. Theo đó, đến năm 2020 mở rộng không gian đô thị hiện hữu về phía bắc và về phía nam gắn với không gian phát triển ven sông Tam Kỳ, phát triển một phần phía đông sông Bàn Thạch gắn với các tuyến đường Điện Biên Phủ, ĐT616, Lê Thánh Tông và khu vực ven biển. Đến năm 2030 mở rộng phạm vi nội thành về phía đông sông Bàn Thạch, hoàn thiện các khu chức năng, các trung tâm chuyên ngành theo định hướng quy hoạch. Khu vực sông Bàn Thạch sẽ là vùng lõi xanh của thành phố với những công viên cây xanh rộng lớn, phía bờ tây của sông là khu vực đô thị cũ hiện hữu, bờ đông sẽ phát triển dải sinh thái thiên nhiên rồi mới đến khu vực đô thị mới.
Một lợi thế khác, chương trình phát triển đô thị Tam Kỳ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng được UBND tỉnh phê duyệt. Đô thị dịch chuyển về vùng đông, định dạng được 7 phân khu đầu tư. Ông Nguyễn Văn Lệnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ cho biết, trước mắt thành phố sẽ dành vốn đầu tư công viên văn hóa thể dục thể thao quy mô rộng 50ha (đối diện với công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng); vị trí của trung tâm hành chính thành phố Sở Xây dựng đang làm thủ tục chờ cấp thẩm quyền phê duyệt. Năm 2016 này, đường Điện Biên Phủ triển khai giải phóng mặt bằng, thi công; quốc lộ 129 (đường cứu nạn cứu hộ cũ) kéo dài từ cầu Cửa Đại đến dốc Diên Hồng (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đưa vào sử dụng và năm 2017 theo kế hoạch trung hạn sẽ tiếp tục đầu tư từ Tam Kỳ kéo dài đến Núi Thành. Những hạ tầng này hoàn thiện sẽ là điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển mạnh hành lang đô thị du lịch ven biển, loại hình thương mại - dịch vụ sẽ “lên ngôi”.
Huy động nguồn vốn
Nguồn lực huy động ở đâu? Và bao giờ thì đô thị ra hình hài? Trả lời câu hỏi này, ông Lệnh cho hay, Tam Kỳ sẽ vận động Ngân hàng Thế giới WB, Ngân hàng ADB đầu tư các dự án, công trình mang tính động lực; ngoài ra, tranh thủ các nguồn vốn của trung ương và địa phương. Thời gian qua, dự án phát triển các thành phố loại 2 tại Quảng Nam, Hà Tĩnh và Đắk Lắk, tiểu dự án phát triển TP.Tam Kỳ sử dụng nguồn vốn ADB đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị. Nguồn vốn vay ODA đã đầu tư hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải công suất 8.000m3/ngày đêm tại phường Hòa Hương, nâng cấp mở rộng Nhà máy nước Tam Kỳ đạt công suất 25.000m3/ngày đêm, một số công trình dự án cây xanh, nâng cấp gần 20km vỉa hè, điện chiếu sáng và sẽ đầu tư trục đường Điên Biên Phủ. Theo kế hoạch, trên trục đường Điện Biên Phủ sẽ xây dựng quảng trường biển nằm về phía xã Tam Thanh. Theo các nhà quản lý đô thị, Tam Kỳ lấy vùng đông để dịch chuyển không gian đô thị là sự lựa chọn thông minh, bởi có nhiều công trình giao thông trọng điểm, nhiều dự án chiến lược, nổi bật là Khu công nghiệp Tam Thăng đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc sẽ là động lực để phát triển mạnh mẽ đô thị.
Theo chính quyền TP.Tam Kỳ, tận dụng những kiến tạo của cảnh quan thiên nhiên sông - biển, Tam Kỳ sẽ định hướng quản lý không gian theo từng phân khu. Đường Điện Biên Phủ sẽ phát triển trục thương mại dịch vụ; khai thác cảnh quan ven sông Bàn Thạch trên cơ sở xây dựng các công viên cây xanh ven sông gắn kết với không gian ở làng xóm và sản xuất nông nghiệp. Hiện TP.Tam Kỳ đã lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, bao gồm 4 khu đô thị mới, 4 khu cải tạo chỉnh trang đô thị, 11 không gian công cộng, 20 công trình kiến trúc văn hóa, di tích lịch sử. Phòng Quản lý đô thị làm chủ đầu tư nhiều đồ án quy hoạch, như quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm hành chính, chính trị mới TP.Tam Kỳ; trung tâm dịch vụ du lịch ven sông, ven biển; trung tâm khu đô thị mới phía đông; quy hoạch công viên sinh thái du lịch cánh đồng Nhong. Ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, nhiệm vụ sắp đến của chính quyền là tiếp tục mở rộng không gian đô thị; nâng cao chất lượng đô thị; kiểm soát môi trường; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phát triển nông nghiệp đô thị.
HỮU PHÚC