Biển báo cấm ô tô… "cấm né" trạm thu phí
(QNO) - Người đi đường bức xúc, cơ quan chức năng kiến nghị tháo dỡ và báo chí đã phản ánh. Vậy nhưng, biển báo cấm ô tô được thiết lập nhằm ngăn loại phương tiện này “né” trạm thu phí đường bộ đặt tại địa bàn xã Điện Thắng Bắc (Điện Bàn) cứ mặc nhiên tồn tại.
Trưa ngày 6.8, biển báo cấm vẫn mặc nhiên tồn tại. Ảnh: N.B |
Một biển báo cấm ô tô rẽ phải đi vào đường giao thông nông thôn (GTNT), thuộc địa bàn thôn Viêm Tây 1 đã được thiết lập nhiều ngày qua. Điều đáng lưu tâm, biển báo cấm đặt trên quốc lộ 1, nằm cách trạm thu phí đường bộ của Công ty CP Xây dựng công trình 545 (tại km943+957) về phía nam khoảng vài chục mét. Người dân và cánh tài xế bức xúc cho biết, chuyện tồn tại một biển báo trái pháp luật này là do đơn vị thu phí đường bộ tự “trồng”.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Trưởng Công an thị xã Điện Bàn - Đại tá Lê Trung Hai cho biết, qua phản ánh từ phía người tham gia giao thông, tại cuộc họp giao ban cách đây tầm nửa tháng, ngành chức năng đã kiến nghị trạm thu phí tháo dỡ biển báo cấm trái quy định trên quốc lộ 1. Về nguyên tắc, Cục Quản lý đường bộ III (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) mới là đơn vị quản lý có thẩm quyền cấp phép cắm biển báo trên quốc lộ 1.
Một gác chắn được dựng lên trên đường GTNT, cách điểm giao nhau quốc lộ 1 hơn 50m. Ảnh: N.B |
Theo chúng tôi quan sát, đến trưa ngày 6.8, biển báo cấm ô tô rẽ phải vẫn tồn tại, bất cấp phản ứng của người dân, kiến nghị từ ngành chức năng và phản ánh của báo chí. Thuộc tuyến đường GTNT, nằm cách điểm giao nhau với quốc lộ 1 hơn 50m có một gác chắn đã được dựng lên. Một cán bộ thanh tra giao thông bày tỏ, Cục Quản lý đường bộ III sẽ không bao giờ cấp phép biển báo cấm ô tô rẽ vào đường GTNT, nếu làm như vậy là sai quy định. Vì các tuyến đường bộ có sự phân cấp quản lý rõ ràng, ví dụ tỉnh lộ (đường ĐT) là do tỉnh quản lý, huyện lộ (đường ĐH) do cấp huyện quản lý, GTNT do địa phương và người dân quản lý. Nếu thấy xe quá tải trọng chạy làm hư đường GTNT, người dân có thể thiết lập gác chắn để hạn chế chiều cao xe quá tải trọng lưu thông, do đây là con đường “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Họ không thể cấm cả ô tô con hay ô tô tải trọng thấp chở vật liệu, lương thực thực phẩm… phục vụ chính họ.
Nắm được chiêu trò của đơn vị thu phí, cánh tài xế taxi bình tĩnh điều khiển xe rẽ vào đường GTNT. Ảnh: N.B |
Riêng chúng tôi cho rằng, việc đặt biển báo cấm ô tô đi trên quốc lộ 1 rẽ phải vào đường GTNT còn sai cả tình. Chẳng lẽ, ô tô của chính người dân thôn Viêm Tây 1 sắm ra, hay là con cái, người thân và bạn bè không được đi vào để thăm viếng họ. Rồi những đám cưới, lễ hỏi, ma chay liên quan đến địa bàn này cũng cấm ô tô phục vụ lưu thông? Rồi nữa, đường GTNT “ra đời” trước hay sau trạm thu phí, và người dân không được lưu thông trên tuyến đường mà mình bỏ ra bao công sức, tiền của cùng Nhà nước đầu tư? Nắm được chiêu trò “múa rìu qua mắt thợ” của đơn vị thu phí, cánh tài xế xe taxi tại khu vực Điện Bàn và một số ô tô con rõ địa bàn vẫn rẽ vào đường GTNT. Vì họ biết, không có lực lượng chức năng phạt họ khi đó là biển báo “ma”.
Tuyến đường bên cạnh trụ sở xã Điện Thắng Trung (gần đối diện biển báo cấm) là nơi xe ô tô thường sang từ quốc lộ 1 rẽ vào "né" trạm gây mất an toàn giao thông. Ảnh: N.B |
Còn một số trường hợp, vì thấy biển báo cấm ô tô rẽ phải (và gác chắn thấp), tài xế đang di chuyển theo hướng Nam - Bắc phải quay đầu, đánh lái sang trái để qua đường, tiếp tục lưu thông trên tuyến ĐH, nằm cạnh trụ sở xã Điện Thắng Trung để “né” trạm thu phí. Hành động trên gây mất an toàn giao thông. Chiều tối ngày 6.8, PV Báo Quảng Nam đã trao đổi qua điện thoại với ông Tán Hoàng Trưng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.1 (Cục Quản lý đường bộ III) về vấn đề liên quan. Ông Trưng cho hay, bản thân chưa nắm rõ tường tận nên sẽ cử lực lượng đi kiểm tra, đồng thời thông tin lại với chúng tôi trong thời gian nhanh nhất.
NGỌC BÍCH