Thăng Bình: Xuống cấp nhiều đoạn đường tuyến 14E

HOÀNG LIÊN 29/07/2016 16:09

(QNO) - Tuyến đường 14E, đoạn từ ngã tư Hà Lam đi qua các xã vùng đông Thăng Bình xuống cấp trầm trọng thời gian qua do ảnh hưởng lớn từ việc vận chuyển vật liệu xây dựng thi công công trình cầu Cửa Đại và tuyến đường 129 ven biển, song lâu nay vẫn chưa có giải pháp cải thiện rốt ráo. 

Tuyến 14E, đoạn qua ngã ba Bình Đào bị hư hỏng dù đã được vá lấp. Ảnh: Hoàng Liên
Tuyến 14E, đoạn qua ngã ba Bình Đào bị hư hỏng dù đã được vá lấp. Ảnh: Hoàng Liên

Từ ngã tư Hà Lam đi qua các xã Bình Phục, Bình Triều, Bình Đào, Bình Minh và Bình Dương, tuyến 14E trải dài chừng dưới chục cây số nhưng có đến phân nửa tuyến đã hư hại, xuống cấp, xuất hiện những ổ voi, ổ gà chằng chịt; nhiều nơi mặt đường biến dạng, rạn nứt, bong tróc toàn bộ nhựa đường… khiến cho việc lưu thông khó khăn, vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Trên tuyến này, có rất nhiều “điểm đen” với hàng chục vụ tai nạn giao thông mỗi năm, trong đó có những vụ gây chết người thương tâm, một phần cũng bởi đường hẹp, xuống cấp. Suốt một đoạn dài gần cây số dẫn từ ngã tư Hà Lam vào xã Bình Phục, tuy chưa đến mức nghiêm trọng nhưng mặt đường nơi đây gồ ghề, hình thành những vết nứt sâu khiến người và phương tiện lưu thông qua đây khá vất vả, phải chạy xe với vận tốc rất chậm.

Tại khu vực ngã ba Bình Đào (trạm thuế cũ), nhiều người sống xung quanh tỏ ra bức xúc với thực trạng này. “Nói là đường quốc lộ (cũ) mà còn thua đường bê tông giao thông nông thôn do người dân chung sức chung tay xây dựng nên. Đường giao thông, bộ mặt của huyện mà hư nát thì đời sống, kinh tế khó phát triển được” - một người dân nói. Cũng theo một chủ quán ăn ở khu vực ngã ba Bình Đào này, có nhiều đoàn xe quá tải, quá khổ, chạy quá tốc độ; chính xe tải lưu thông với mật độ dày đặc mới làm đường hư và xuống cấp nhanh như hiện tại.

Ngoài ngã ba Bình Đào, khu vực qua thôn 2 - Trà Đỏa, khu vực tổ 5 (thôn 1), điểm Trường THPT Nguyễn Thái Bình cũng là những "điểm đen" do đường hư hỏng nặng nề. Khu vực đường qua thôn 2 - Trà Đỏa, mặt đường bong tróc, thay vào đó là những ổ voi to tướng, là “điểm đen” về tai nạn giao thông… Lo lắng, nhiều người dân ở khu vực này bèn góp tiền thuê xe chở đất đá dăm vá đường, tạo điều kiện cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Nhưng cùng với đó thì họ phải chịu cảnh “nắng bụi mưa lầy” bởi đường không có hệ thống thoát nước.

Ông Phạm Thanh Hào (thôn 2, Bình Đào) chia sẻ: “Nghĩ rằng được cái này thì mất cái kia nên chẳng ai làm khó dễ gì, chỉ kiến nghị lên trên để mong nhà nước đầu tư nâng cấp, sửa đường chứ sức dân thì chỉ có thể khắc phục trong khả năng của mình. Nhiều nhà dân quanh đây đã bỏ tiền túi ra đổ đất, đá dăm để đường dễ đi chứ lâu nay chưa thấy đơn vị nào đứng ra sửa sang, trả lại hiện trạng cho dân đi”.

Đoạn qua tổ 5, thôn 1, Bình Đào bị hư hỏng nặng được người dân đổ đá cấp phối nắng bụi mưa lầy. Ảnh: Hoàng Liên
Đoạn qua tổ 5, thôn 1, Bình Đào bị hư hỏng nặng được người dân đổ đá cấp phối nắng bụi mưa lầy. Ảnh: Hoàng Liên

Được biết, trên tuyến này, cách đây không lâu, mỗi ngày hàng trăm lượt xe tải chở vật liệu thi công công trình cầu Cửa Đại, đường 129, có nhiều trường hợp người dân đã phản đối, chặn xe vì tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, tình trạng làm hư nát đường, đổ vật liệu ra lòng đường và tình trạng bụi bẩn khiến đời sống người dân ảnh hưởng. “Từ khi các công trình hoàn thành, đến nay vẫn chưa thấy ai đứng ra sửa sang đường” - một người dân nói. Một chủ quán cà phê tại tổ 5, thôn 1, Bình Đào không khỏi bức xúc: “Mỗi ngày, tôi và nhiều nhà dân phải dùng bơm tưới nước chứ nếu không bụi bẩn chịu không được. Nắng bụi mưa lầy, không biết cái cảnh này đến bao giờ mới chấm dứt”.

Ông Nguyễn Tấn Thu - Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết, có thông tin tuyến 14E cũ qua địa bàn các xã vùng đông đang nằm trong gói thầu sửa chữa của tỉnh. Năm 2015, khu vực tại Chợ Được, Bình Triều đã sửa chữa một số đoạn. Tuyến qua Bình Đào khoảng 2 cây số hiện hư hỏng nghiêm trọng do xe chở vật liệu thi công tuyến đường ven biển và cầu Cửa Đại. Các đợt tiếp xúc, cử tri kiến nghị rất nhiều, xã đã nhiều lần đề xuất lên trên có hướng sửa chữa, khắc phục. 

Tuyến 14E qua xã Bình Minh, tình hình cũng chẳng khá hơn, giao thông trở thành nỗi ám ảnh của người dân nhiều năm qua. Lòng đường tuyến này quanh co, nhiều lối rẽ, có đoạn chỗ rộng chưa tới 3m chỉ đủ một làn xe cơ giới lưu thông, dễ xảy ra tai nạn. Lề đường bị xói tạo độ vênh lớn với mặt đường. Khu vực này có lượng lưu thông qua lại rất lớn do chạy dọc theo khu dân cư, trường học, công sở, chợ, quán xá.

Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, đường 14E (vốn là bộ mặt của cánh trong, hình thành cách đây đã 60-70 năm) đã xuống cấp nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được tu sửa triệt để, dù mấy năm qua, cử tri xã đã nhiều lần kiến nghị. Với hiện trạng đường xuống cấp nghiêm trọng và khá chật hẹp, ngoằn ngoèo hiện nay, việc "vá lấp" chỉ là giải pháp tạm thời, bởi chỉ sau một mùa mưa thì hiện trạng trở lại như cũ. Chỉ có mở rộng đường, bê tông hóa thì mới có thể cải thiện được bộ mặt giao thông vùng đông Thăng Bình.

Mỗi ngày, lượng người và phương tiện cơ giới qua lại cầu tạm Bình Đào rất lớn. Ảnh: Hoàng Liên
Mỗi ngày, lượng người và phương tiện cơ giới qua lại cầu tạm Bình Đào rất lớn. Ảnh: Hoàng Liên

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Phú Hòe - Phó trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho hay, năm 2015, trước thực trạng và bức xúc của người dân, đơn vị đã tham mưu kiến nghị lên Sở GT-VT để sở có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng. "Từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ, Sở GT-VT đã có một số hoạt động sửa chữa, duy tu một số đoạn. Tuy nhiên, đến nay những đoạn đường này hư hỏng trở lại. Kinh phí sửa chữa, nâng cấp đã khó, làm mới thì càng khó vì không có nguồn. Tuyến này lại thuộc tỉnh quản lý, địa phương không có điều kiện bảo trì, nên chỉ có thể kiến nghị lên trên để Sở GT-VT xem xét, sửa chữa mà thôi" - ông Hòe nói.

Với chiều dài chỉ gần 10 cây số từ ngã tư Hà Lam về các xã vùng đông Thăng Bình nhưng thực tế lưu lượng người và phương tiện qua lại trên tuyến 14E rất lớn, nhất là xe cơ giới. Để tạo động lực cho vùng, cải thiện bộ mặt giao thông liên xã, đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, thiết nghĩ tuyến này cần sớm được nâng cấp, cải tạo, trả lại hiện trạng.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN