Kích hoạt cho đô thị

HỮU PHÚC 30/06/2016 09:55

Mặc dù hai vùng đông - tây phát triển chênh lệch, các đô thị đều có quy mô dân số nhỏ, tỷ lệ đô thị hóa thấp so với mặt bằng chung của khu vực, song tiến trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển động theo hướng chú trọng chất lượng và bền vững.

Đô thị cổ Hội An “lấy điểm” trong mắt của nhiều người bởi vẻ đẹp cổ kính, thân thiện với môi trường.
Đô thị cổ Hội An “lấy điểm” trong mắt của nhiều người bởi vẻ đẹp cổ kính, thân thiện với môi trường.

Mất cân đối

Phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung

“Mặc dù đô thị trong tỉnh thay đổi về chất và lượng, nhưng quy mô còn khiêm tốn, phần lớn chức năng của đô thị chủ yếu là trung tâm hành chính - chính trị cấp huyện, sức hút của đô thị chưa cao. Cho nên thời gian đến phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung gắn với Chương trình phát triển đô thị, đảm bảo quản lý đầu tư phát triển đô thị theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ; lồng ghép các giải pháp nâng cao năng lực thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện tuyến phố văn minh”. (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn)

Đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật

“Nâng cao chất lượng đô thị bằng cách đầu tư hệ thống hạ tầng khung; cải tạo, tái thiết các khu vực đô thị cũ; kiểm soát phát triển các khu vực đô thị mới trên cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Huy động các nguồn tài chính từ ngân sách, từ các thành phần kinh tế và nội lực trong nhân dân tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cao chất lượng, tiện nghi môi trường sống cho dân cư đô thị”. (Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Bá Tú)

Không phải là thành phố xa hoa, tráng lệ nhưng đô thị cổ Hội An vẫn “lấy điểm” trong mắt của nhiều người bởi vẻ đẹp cổ kính, thân thiện với môi trường. Giữa vòng quay của nhịp sống hiện đại, Hội An không hối hả, xô bồ mà “kéo” thời gian trôi chầm chậm. Khách trong và ngoài nước nườm nượp về tham quan phố cổ đã tạo ra dòng “dân số ảo” đô thị cho vùng đất này. Vì vậy, ở khu vực phố cổ, cảm giác không gian sống như chật chội bởi lối sống thị dân. Ở phía nam, sinh sau đẻ muộn, thành phố trẻ Tam Kỳ (vừa mới được công nhận đô thị loại 2) cũng đang cố gắng xây dựng đô thị có bản sắc, theo tiêu chí xanh, sinh thái. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, các đô thị của tỉnh vẫn còn hạn chế chất lượng, đặc biệt là các thị trấn. Ở các thị trấn thường thấy không gian đô thị quy hoạch nhỏ, quy mô dân số khoảng trên dưới 7.000 người. Phần lớn các thị trấn ở miền núi, trung du thiếu hấp dẫn, thiếu lợi thế trong thu hút đầu tư bởi do yếu kém về hạ tầng kỹ thuật, cũng như đảm bảo các tiện ích tối thiểu của một đô thị hiện đại. Đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03/NQ-UB ngày 17.5.2011 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị, Sở Xây dựng cho rằng, có sự cách biệt khá lớn giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển của đô thị. Nghĩa là quy hoạch mất chức năng kiểm soát quá trình phát triển đô thị. Thêm nữa, tỷ lệ đô thị hóa trên toàn tỉnh là 19,17% (năm 2013) thấp hơn so với mức bình quân toàn quốc là 32,19% và thấp hơn so với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là 36,94%. Tốc độ đô thị hóa trên toàn tỉnh là 1,62% (2013) thấp hơn so với mức bình quân toàn quốc là 3,26% và thấp hơn so với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là 3,1%. Quảng Nam được đánh giá đang ở thời kỳ “dân số vàng”, là yếu tố phát triển nguồn nhân lực, lao động dồi dào phục vụ cho phát triển kinh tế, cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai. Thế nhưng, tốc độ đô thị hóa quá chậm do các chính sách chưa kích hoạt và tạo môi trường làm ăn hấp dẫn nhà đầu tư, người lao động khắp nơi tìm về.

Phát triển đô thị ở các vùng mất cân đối và tỷ lê đô thị hóa còn thấp so với khu vực, nhất là các đô thị ở miền núi.
Phát triển đô thị ở các vùng mất cân đối và tỷ lê đô thị hóa còn thấp so với khu vực, nhất là các đô thị ở miền núi.

Ông Trần Bá Tú - Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhìn nhận, đô thị hóa chưa thực sự chuyển biến mạnh mẽ do các hành lang phát triển liên kết đông - tây hình thành chưa rõ nét. Mối liên kết giữa các đô thị, giữa các đô thị với các khu chức năng khác còn yếu. Ngoài ra, 3 trung tâm phát triển, 3 cụm động lực như định hướng quy hoạch vùng chưa thực sự tạo sức hút, lan tỏa. Cạnh đó, phân bố đô thị không đồng đều giữa vùng đông và vùng tây; sự chênh lệch lớn giữa đô thị với khu vực ngoại vi và vùng nông thôn.

Cần chuyển động mạnh mẽ

Theo Sở Xây dựng, để thúc đẩy đô thị hóa phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư và cơ cấu phát triển kinh tế. Những năm gần đây, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) phát triển rất năng động. Hàng chục nghìn công nhân lao động làm việc ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị trường bất động sản sôi động trở lại, hệ thống đường sá nâng cấp, mở rộng... đã hút lượng lớn lao động về đây sinh sống và làm việc. Theo chính quyền thị xã Điện Bàn, chính phát triển công nghiệp - dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp ở vùng ven đã thu hút lao động nông thôn, hạn chế sự di động nhân lực từ nông thôn vào thành thị, giảm bớt áp lực về dân số, việc làm cũng như áp lực quản lý cho các thành phố lớn. Hiện nay, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có tổng diện tích 2.700ha, trong đó Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc chiếm 420ha với các khu dân cư mới, nhà cao tầng san sát mọc lên dọc đường ĐT607A, đường ven biển tại khu vực giáp ranh với TP. Đà Nẵng kéo theo đời sống đô thị nơi đây thêm nhộn nhịp. Các chính sách bất động sản, việc làm đa dạng ở các khu - cụm công nghiệp đã lôi kéo dòng người di cư đến tìm việc làm ngày càng đông, làm cho tốc độ đô thị hóa nơi đây phát triển mạnh.

Một góc đô thị Tam Kỳ.
Một góc đô thị Tam Kỳ.

Tại TP.Tam Kỳ, nhiều năm nay không đảm bảo tiêu chí dân số đô thị. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, dân số không phải là vấn đề đáng lo do thành phố xuyên suốt chủ trương phát triển đô thị theo hướng bền vững, trọng chất hơn lượng. Cùng một thời điểm nên thực hiện theo thứ tự ưu tiên, chú tâm phát triển đô thị xanh thân thiện với môi trường hơn. Không thể đẩy mạnh tỷ lệ đô thị hóa nếu như nội lực, nguồn lực của địa phương còn yếu và thiếu. Thành phố sẽ mở rộng đô thị về phía đông, khi trục đường Điện Biên Phủ hoàn thành sẽ kiến nghị xây dựng quảng trường biển, đồng thời sắp xếp lại dân cư đô thị. “Giải pháp cấp bách là địa phương phát triển mạnh các Khu công nghiệp Tam Thăng, Thuận Yên để thu hút đầu tư, kéo lao động về, phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch đáp ứng thị trường hàng hóa. Nói chung, định hướng phát triển đô thị đảm bảo tiêu chí bền vững, chất lượng; đẩy mạnh thương mại - dịch vụ, công nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý” - ông Nam nói.

Cụ thể hóa giải pháp thực hiện bằng 5 nhóm nội dung

Nghị quyết 03/NQ-UB của Tỉnh ủy là nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý, phát triển đô thị Quảng Nam, trong đó xác định các nguyên tắc mang tính định hướng về phát triển đô thị. Nội dung nghị quyết đặt ra các mục tiêu cụ thể trong công tác phát triển đô thị giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các ngành cụ thể hóa giải pháp theo nghị quyết thông qua 5 nhóm nội dung trọng tâm:

- Định hình cấu trúc không gian đô thị và hoàn chỉnh quy hoạch, Chương trình phát triển tổng thể hệ thống đô thị toàn tỉnh.

- Rà soát các quy hoạch đô thị, trung tâm huyện, khu vực dự kiến nâng cấp đô thị và các khu chức năng đặc thù mang tính động lực phát triển lan tỏa.

- Rà soát toàn diện thực trạng chất lượng từng đô thị, làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, đảm bảo cảnh quan, văn hóa đô thị.

- Phát triển đô thị đi đôi với nâng cao chất lượng; gìn giữ cảnh quan, văn hóa truyền thống; chính trị, an ninh - quốc phòng.

- Phát huy vai trò động lực phát triển của các đô thị đối với khu vực nông thôn, miền núi; đảm bảo an sinh xã hội và an ninh - quốc phòng.B.T.V

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC