Thi công hạ tầng giao thông phía tây bắc của tỉnh: Cần tháo gỡ những rào cản
Tín hiệu khả quan về khối lượng thực hiện các dự án hạ tầng giao thông ở phía tây bắc của tỉnh rất rõ. Tuy nhiên, tiến độ thi công sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu những ách tắc không sớm được khai thông.
Đẩy nhanh tiến độ
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh là đại diện chủ đầu tư nhiều dự án về hạ tầng giao thông, chủ yếu tập trung tại địa bàn các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn. Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi đi cùng ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Trưởng phòng quản lý dự án 2 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) khảo sát thực tế trên các công trình nâng cấp, mở rộng các tuyến ĐT609, ĐT609B, ĐH3.ĐL, xây dựng cầu Giao Thủy. Xuyên qua vùng B, dự án đường từ trung tâm huyện Đại Lộc đi các xã vùng lũ ven sông Vu Gia (ĐH3.ĐL) được giao cho Công ty TNHH Kỹ thuật xây dựng Quang Đại Việt thi công. Bắt đầu triển khai từ ngày 15.7 năm trước (hoàn thành tháng 10.2017), khối lượng thực hiện phần đường nay đạt 60.64% và phần cầu Lừ đạt 50.89% so với giá trị hợp đồng. Để đẩy nhanh xây dựng mới cầu Lừ, nhà thầu tập trung thiết bị máy móc, công nhân trên công trường, nỗ lực hoàn thành vài dầm bản còn lại, đồng thời tiếp tục làm bệ móng mố M2. Trên dự án cầu Giao Thủy, kỹ sư Nguyễn Văn Hiển - đại diện đơn vị tư vấn giám sát cho hay, hạng mục thi công phần cầu chính tiếp tục có những tiến triển rất tích cực. Công ty CP 479 (thành viên liên doanh nhà thầu) đã ra xe đúc và gia công cốt thép khối. Dự kiến ngày 10.6 sẽ tiến hành hợp long nhịp chính trụ T5. Còn theo quan sát của chúng tôi, tại đường dẫn phía bắc cầu Giao Thủy, cầu Phốc (tuyến ĐT609B) đang bước vào giai đoạn thi công đập đầu cọc và đào bệ móng mố M1.
Phần cầu chính cầu Giao Thủy đang vượt tiến độ đề ra. |
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT609, gói thầu đoạn km8+360 - km13+ 581.13 (qua 2 xã Điện Thọ, Điện Hồng của Điện Bàn) đến nay đã đạt gần 52% giá trị xây lắp. Liên doanh nhà thầu là Công ty TNHH MTV Duy Dũng và Công ty THNH Xây dựng Thanh Sơn vừa hoàn thiện toàn bộ nền từ km10+00 - km13+581,13 và thảm xong bê tông nhựa lớp 1 mặt đường khoảng 2,5km cuối tuyến. Qua 2 phường Vĩnh Điện và Điện An cùng 2 xã Điện Phước và Điện Thọ, gói thầu đoạn km0+0.00 - km8+360 (bao gồm cầu Bình Long mới), liên doanh Công ty TNHH Thanh Tùng và Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương đã tiến hành đắp đất K95 với hàng chục nghìn mét khối, đồng thời bóc đất yếu và phong hóa. Để thi công cầu Bình Long, những ngày qua, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân của doanh nghiệp Thanh Tùng ra sức san ủi, tiến hành các bước làm đường tránh. Gần giữa tháng 6, khi hạng mục này đưa vào sử dụng, nhà thầu sẽ tháo dỡ cầu cũ quá nhỏ hẹp và xuống cấp để xây dựng cầu mới.
Công nhân trên công trường cầu Giao Thủy. Ảnh: C.T |
Cần giải tỏa ách tắc
Gỡ vướng cho cầu Giao Thủy Vừa qua, UBND tỉnh có văn bản thống nhất về nguyên tắc cho thực hiện hỗ trợ bổ sung đối với các hộ dân được Xí nghiệp ươm tơ Giao Thủy (cũ) bố trí nhà ở tập thể nhưng sau giải thể chưa giải quyết các thủ tục liên quan, nay phải di dời để thực hiện dự án xây dựng cầu Giao Thủy. Đáng chú ý, UBND tỉnh cho phép vận dụng một số quyết định liên quan để giải quyết hỗ trợ khoản chênh lệch bằng tiền giữa số tiền hỗ trợ về đất với suất tái định cư (TĐC) tối thiểu tương ứng diện tích 70m2 cho 13 hộ gia đình, cá nhân chưa có chỗ ở nào khác trên địa bàn xã Đại Hòa và các xã tiếp giáp lân cận để họ tự lo chỗ ở mới. Giao UBND huyện Đại Lộc xác định giá đất để tính suất TĐC tối thiểu bằng giá đất thấp nhất tại khu TĐC gần nhất trong cùng khu vực. Trường hợp không thống nhất mà có nguyện vọng được bố trí đất ở TĐC, UBND tỉnh thống nhất cho phép UBND huyện Đại Lộc bố trí đất xen cư tại các khu vực lân cận. Các hộ này được hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất giữa giá đất TĐC và đơn giá hỗ trợ về đất tương ứng với diện tích 70m2, phần diện tích đất ở còn lại (nếu có) thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp 100% tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước theo giá đất TĐC. Tiếp đó, ngày 2.6, UBND tỉnh có thông báo thống nhất cho phép UBND huyện Đại Lộc (chủ đầu tư) chọn địa điểm lập thủ tục khai thác quỹ đất ở và bố trí đất TĐC cho các hộ dân khu tập thể Xí nghiệp ươm tơ Giao Thủy (cũ) phải di dời để xây dựng cầu Giao Thủy. Vị trí nằm tại xã Đại Hòa có tổng diện tích đất khoảng 5.820m2. UBND huyện Đại Lộc chỉ đạo làm các thủ tục đất đai để bố trí TĐC theo đúng quy định của pháp luật. |
Có thể khẳng định, giải phóng mặt bằng luôn là nỗi lo của các bên liên quan để triển khai các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có khu vực tây bắc. Đại diện nhà thầu tuyến ĐH3.ĐL cho biết, nhiều đoạn còn nham nhở là do mặt bằng qua các xã Đại Phong, Đại Minh, Đại Cường chưa được giải tỏa và bàn giao dứt điểm. Vừa qua, xã Đại Phong xác nhận xong nguồn gốc đất của 23 hộ tại cầu Lừ; huyện Đại Lộc đã phê duyệt phương án chi tiết và đang chờ kinh phí tỉnh cấp để chi trả cho dân. Trên công trình trọng điểm cầu Giao Thủy, phần đường dẫn phía bắc qua địa phận Đại Lộc vướng mặt bằng đoạn từ đầu tuyến (km0+0.00) đến mương thủy lợi (km1+245,17) thuộc thị trấn Ái Nghĩa và xã Đại An. Nan giải nhất là trường hợp những hộ dân ở khu tập thể Xí nghiệp ươm tơ Giao Thủy cũ (gần mố M1). Do còn nhiều gia đình chưa đồng thuận nhận tiền, huyện triển khai họp, lên “kịch bản” giải quyết với nhiều phương án. Theo đó, UBND xã Đại Hòa và các ngành liên quan đã trình tỉnh xin thỏa thuận vị trí điểm khu tái định cư (TĐC) để bố trí đất ở cho các hộ dân. Lập phương án sửa chữa khu nhà tập thể cũ mà trước đây Công ty TNHH Phú Nghĩa thuê và mới trả lại, phòng trường hợp các hộ dân không đồng ý nhận đất thì có nơi di dời vào để có mặt bằng thi công đường dẫn.
Theo hợp đồng, ngày 25.6.2016, dự án nâng cấp mở rộng tuyến ĐT609B, đoạn từ ngã ba Hòa Đông đến ngã tư Ái Nghĩa sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nhưng xem ra, cam kết trên có nguy cơ bị phá vỡ cũng vì mặt bằng chưa sạch, dù chiều dài còn lại không nhiều (đạt gần 93% khối lượng thực tế). Sau thời gian dài “ách” lại, Công ty TNHH MTV Duy Dũng làm lại được một đoạn bên trái tuyến thì đụng phòng lồi nhà của dân. Hiện trạng cho thấy, một góc phòng nằm sát mép trong vỉa hè, còn một góc nằm trên vỉa hè 60cm. Đại diện chủ đầu tư cho hay, địa phương chưa tính giải tỏa bởi nếu vậy thì phải “xóa” toàn bộ ngôi nhà. Cho nên, các bên liên quan đề nghị tìm giải pháp thi công và chừa lại phòng lồi này để tính sau. Tuy nhiên, nhà thầu không dám đào mương và lắp đặt ống cống chịu lực do sợ sụp đổ hoặc gây nứt nhà. Gói thầu ĐT609, đoạn km0+000 - km8+360 đang vấp phải nhiều lực cản. Riêng đoạn km0+000 - Km3+000 bị vướng mặt bằng do có hộ chưa nhận tiền hoặc đang tranh cấp đất đai... Đoạn từ km3+000 - km8+360, đơn vị tư vấn đo thiếu đất ở của dân, vì xác định hiện trạng ranh giới đất không đúng.
Lãnh đạo các địa phương cho rằng sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách hiệu quả để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng và đề nghị nhà thầu cần tiếp tục quan tâm, giải quyết thấu đáo kiến nghị của chính quyền và người dân. Đơn cử, hạ thấp độ cao cầu Bình Long mới để giảm bớt độ chênh lệch giữa nhà dân, trường học, trụ sở cơ quan ở 2 bên với công trình; lập và đặt bảng tên công trường đầu tuyến ĐT609. Trong đó, ngoài tiến độ thi công chung của dự án, họ tên và số điện thoại của người chịu trách nhiệm, bảng tên cũng phải ghi rõ thời gian hoàn thành phần san lấp mặt bằng và gia cố mái taluy khu đất đầu tuyến. Đặc biệt, dù có thúc đẩy tiến độ nhanh đến đâu, đơn vị thi công phải nghiêm túc tuân thủ khâu an toàn giao thông, vệ sinh môi trường vùng dự án...
CÔNG TÚ