Nhọc nhằn giữ đô thị đặc thù

CÔNG TÚ 07/05/2016 10:06

Từ sông Hoài…

Từ những năm 1970, kè bảo vệ đô thị cổ được xây dựng một đoạn, còn lũy tiến tiếp giáp phía đông chợ Hội An xuôi về cầu Cẩm Nam (dài khoảng 350m) chưa được đầu tư. Dần theo thời gian, công trình kè cũ không còn đủ sức chống chọi trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên đã hư hỏng trầm trọng. Ven bờ, đặc biệt là đoạn không kè, đất rơi xuống lòng sông, có chỗ nước xâm thực vào sâu khoảng 3m. “Đứng trước thực trạng ấy, chính phủ đã đưa công trình kè bảo vệ khu đô thị cổ Hội An, đoạn từ chùa Cầu đến cầu Cẩm Nam vào danh mục dự án cấp bách được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP-RCC” - ông Đỗ Xuân Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (đại diện chủ đầu tư) cho biết.

Thi công kè khẩn cấp biển Cửa Đại.  Ảnh: C.TÚ
Thi công kè khẩn cấp biển Cửa Đại. Ảnh: C.TÚ

Động thổ ngày 15.11 năm ngoái (dự kiến hoàn thành sau 12 tháng), công trình kè bảo vệ khu đô thị cổ do liên danh nhà thầu Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An và Công ty CP tiến độ quốc tế đảm nhận thi công (giá trị xây lắp 61 tỷ đồng). Không chỉ đơn thuần là kè cứng, dự án này còn triển khai các hạng mục nạo vét lòng sông, thoát nước, thảm tăng cường 1 lớp bê tông nhựa mịn mặt đường Bạch Đằng, rồi được “mềm hóa” với khuôn viên khu vui chơi và bố trí hệ thống điện chiếu sáng trang trí dọc đỉnh bờ kè. Chủng loại cây gì trồng trên vỉa hè dọc bờ sông Hoài cũng được tham vấn kỹ càng. Phó Trưởng phòng quản lý dự án 3 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) - ông Đinh Tường Vũ cho hay, liên danh nhà thầu hiện đã triển khai đạt hơn 50% giá trị xây lắp. “Nhà thầu rất muốn thúc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trước mùa mưa bão thì càng tốt. Nhưng bây giờ, mặt bằng thi công một số hạng mục vẫn còn dở dang - ông Vũ nói. Được biết, công tác giải phóng mặt bằng dự án do UBND TP.Hội An chịu trách nhiệm triển khai. Địa phương cam kết cuối tháng 3 sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, một số “nút thắt” nằm trên vị trí thi công tuyến kè, đấu nối thoát nước ra sông, làm bãi trông xe… chưa tháo gỡ được. Nếu khâu thi công kéo dài qua mùa mưa, công trình đang dang dở thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.     

… đến Cửa Đại

Trở lại biển Cửa Đại cuối tháng 4. Biển vắng hoe, chỉ thấy công nhân của nhà thầu đang hối hả thi công kè bảo vệ đoạn số 2, thuộc dự án xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại. Chỗ bờ chưa sạt lở, ông Nguyễn Viết Sơn cùng 5 hộ khác phải “ghép” chung để bán nước 2 ngày/lần, vì bãi biển bị thu hẹp. Ở phía tây bắc công trường đang thi công, tình trạng sạt lở vẫn tái diễn dù không nghiêm trọng như mùa biển động. Nhìn dọc theo bờ cao, cảnh tượng trông thật ngổn ngang khi mỗi nhà hàng, từng khu đất được cá nhân tiến hành làm kè bảo vệ theo… kiểu riêng. Bà Phạm Thị Lỳ (chủ nhà hàng Mama lỳ) cho hay, gia đình bỏ ra 25 triệu đồng thuê nhân công đóng cọc tre, xếp bao cát với bề ngang dài gần 30m để giữ đất. Bên cạnh Mama lỳ, chủ khu đất chưa xây dựng đã đầu tư số tiền không nhỏ vào việc thi công tường chắn bằng bê tông cốt thép vững chãi. “Họ quá sốt ruột khi mà tính mạng và “nồi cơm” đang bị đe dọa bởi sạt lở, nên phải đứng ra tự cứu mình. Vì lẽ đó, mới xảy ra tình trạng mạnh ai nấy lo, trong lúc đoạn bờ biển tiếp giáp giữa phường Cửa Đại với phường Cẩm An chưa được nhà nước đầu tư xử lý khẩn cấp” - một chủ doanh nghiệp người địa phương cho hay.

Trao đổi về dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển Cửa Đại, một cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP.Hội An cho hay, đoạn số 2 có chiều dài 400m đang được triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 5 năm nay. Trước đó, thành phố đã làm xong đoạn số 1 dài 240m, thuộc vị trí sạt lở nghiêm trọng nhất. Phương pháp thi công tiến hành theo công nghệ của Hà Lan. Phía trong cùng, bờ được gia cố kè bao bằng túi địa kỹ thuật Geobag; cách đó ra xa 60m sẽ là đê giảm sóng và giữ cát tái tạo bãi biển; xa hơn nữa (ra thêm khoảng 40m) có mỏ hàn và đê giảm sóng nhằm mục đích gây bồi tạo bãi phía ngoài. Bước đầu, đoạn kè đưa vào sử dụng đã tạo bồi cát trở lại. Vị cán bộ này cho biết thêm, giai đoạn 2 của dự án còn một đoạn dài 650m, tiền đã có nhưng chưa được triển khai. Nếu tiến hành ngay bây giờ, công trình sẽ xong trước mùa mưa bão. Phương án kè mềm cho tín hiệu khả quan là vậy, song đại diện chủ đầu tư khẳng định phải có quá trình quan trắc, thành lập hội đồng kỹ thuật đánh giá về tính hiệu quả lâu dài chứ không thể nói chung chung. Cư dân thôi chưa hết nghi ngờ, vì họ chẳng thể yên tâm mùa biển động liệu kè… có đứng vững. Ngay cả các nhà chuyên môn, họ cũng đang đau đầu để tìm ra đáp án chính xác nhất.

Chắn sóng từ xa, tăng lượng trầm tích từ thượng nguồn, xây dựng kè chuyển dòng ở cửa sông để chuyển dòng ra hướng bắc… là những hiến kế của các nhà khoa học. Thế nhưng, nguồn lực ở đâu để đầu tư làm kè dài gần 8km bờ biển để bảo vệ đô thị đặc thù thì chưa có câu trả lời. Trong khi đó, giai đoạn 2 của dự án dài 650m (nối ra đến khu du lịch Palm Garden, phường Cẩm An) chưa triển khai trên thực địa. Khu vực đã kè hoàn thành nhưng chưa thể yên tâm vì còn xem thử thách trong mùa biển động thế nào. Còn ở phía tây bắc, bờ biển đoạn qua phường Cẩm An đã, đang tiếp tục sạt lở…

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ