Duy Xuyên: Không có chuyện cưỡng chế để thi công đường

CÔNG TÚ 03/04/2016 13:54

(QNO) - Trước thông tin người dân phản ánh chính quyền thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) chưa thông báo chủ trương, thực hiện đền bù hỗ trợ mà chuẩn bị cưỡng chế để thi công tuyến ĐH3.DX qua địa bàn khối phố Long Xuyên 1 (có tên đường Hoàng Sa), phóng viên Báo Quảng Nam đã vào cuộc tìm hiểu thực hư.

Đầu tuyến đường Hoàng Sa giao với quốc lộ 1.
Đầu tuyến đường Hoàng Sa giao với quốc lộ 1. C.T

Ngày 8.4.2015, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án kiên cố hóa mặt đường các tuyến đường huyện (ĐH) trên địa bàn Quảng Nam (giai đoạn 2015 - 2020), sau khi HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua đề án vừa nêu. Nguồn vốn và cơ chế huy động vốn đầu tư được nêu rõ: “Vốn đầu tư cho các công trình chủ yếu là ngân sách nhà nước. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vận động tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ủng hộ thực hiện”.

Cơ chế huy động vốn ở các huyện đồng bằng là, ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% (không bao gồm chi phí GPMB), ngân sách huyện, xã và huy động nhân dân đóng góp 40%. Địa phương liên quan có trách nhiệm phổ biến rộng rãi chủ trương của tỉnh về đầu tư kiến cố hóa các tuyến ĐH; vận động cộng đồng, nhân dân trong vùng dự án hiến đất, giải tỏa cây cối, vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Chỉ triển khai đầu tư khi có sự thống nhất tự chịu trách nhiệm GPMB của cộng đồng dân cư, thôn, xóm. Có thể khẳng định, đề án này đã mở “nút thắt” về nguồn tài chính cho các huyện kiên cố hóa các tuyến ĐH. Nhờ ngân sách tỉnh hỗ trợ, nhiều địa phương triển khai thành công, trong đó vai trò đóng góp của nhân dân là rất quan trọng và phục vụ lại chính nhu cầu đi lại sản xuất, sinh hoạt, học tập và kinh doanh của cộng đồng dân cư.

Quay trở lại ĐH3.DX, tuyến có điểm đầu nối từ quốc lộ 1, thuộc thị trấn Nam Phước xuống xã Duy Phước về vùng đông Duy Xuyên. Hạ tầng giao thông huyết mạch này những năm về trước xuống cấp trầm trọng, bề mặt lại nhỏ hẹp gây khó khăn cho người và phương tiện lưu thông đông đúc, nhà cửa của cư dân sinh sống ven tuyến có nguy cơ mất an toàn, mỹ quan nhếch nhác. Do khó khăn vốn đầu tư, huyện chủ yếu sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông. Nhờ vào nguồn vốn thông qua đề án của tỉnh và sự đồng thuận cao từ phía người dân, huyện Duy Xuyên đã triển khai hoàn thành kiên cố hóa, mở rộng mặt đường qua địa bàn xã Duy Phước (chỉ còn một đoạn ngắn giáp thị trấn Nam Phước).

Ngày 4.3 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - ông Nguyễn Công Dũng ký Quyết định số 595/QĐ-UBND về phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình ĐH3.DX, lý trình km0+000-km0+558 (đoạn còn lại lên giáp quốc lộ 1). Quyết định ghi rõ, phần thẩm định hồ sơ và chi phí quản lý dự án do Phòng Kinh tế và hạ tầng Duy Xuyên đảm nhận có giá trị thực hiện là 0 đồng; chi phí đền bù, GPMB do UBND huyện thực hiện cũng có giá trị là 0 đồng. Trước đó, trong văn bản số 102/UBND-KTHT ký ngày 24.2, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - ông Nguyễn Bốn yêu cầu địa phương liên quan thống kê, tổ chức họp và vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc… để mở đường.

Một số hộ dân đã đập phá vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng.
Một số hộ dân đã đập phá vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng. Ảnh: C.T

Tâm tư với chúng tôi, một số hộ dân bị ảnh hưởng khẳng định, họ không hề kiện cáo gì và cho biết 34 gia đình đều đã được thông báo chủ trương mở đường, được vận động hiến đất, thu dọn cây cối, tháo dỡ vật kiến trúc để có mặt bằng thi công. Qua cuộc họp giữa các bên liên quan, các hộ dân đều thể hiện sự đồng thuận về hiến đất. Tuy nhiên, một số gia đình bày tỏ mong muốn được hỗ trợ kinh phí di dời, làm lại vật kiến trúc. Nói thêm về điều này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, hộ bà mua đất ở có "sổ đỏ" hẳn hoi. Nay mở đường, diện tích đất bị ảnh hưởng không nhỏ. “Gia đình đồng thuận hiến đất, chỉ mong cấp trên hỗ trợ tiền để chúng tôi thuê người tháo gỡ vật kiến trúc, làm lại phần mái ki ốt phía trước phải đập phá” - bà Nguyệt kiến nghị.

Trả lời câu hỏi có hay không việc chính quyền chưa thông báo chủ trương, lại còn đòi cưỡng chế hộ nào chậm bàn giao mặt bằng, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước - ông Văn Bá Thanh khẳng định: “Chúng tôi còn không dám nói tiếng to nữa đằng khác”. Ông Văn Bá Thanh cho hay, sau khi có chủ trương của cấp trên, thị trấn đã triệu tập các cán bộ chủ chốt khối phố Long Xuyên 1 để quán triệt và bước đầu tạo ra dư luận trong cộng đồng dân cư. Ngày 13.3 vừa qua, địa phương tổ chức họp 34 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án cùng Chi ủy, Ban dân chính và hội đoàn thể khối phố Long Xuyên 1 nhằm thông báo chủ trương, vận động các hộ ủng hộ, đồng thời ghi nhận một số ý kiến kiến nghị, giải đáp thắc mắc (có biên bản cuộc họp - PV).

Được biết, ngay sau cuộc họp dân ngày 13.3, thị trấn tiếp tục giao cho khối phố tuyên truyền, giải tỏa… tâm lý chờ đợi. Ngày 29.3, địa phương triệu tập các ngành, hội đoàn thể họp bàn về phương thức vận động. Thị trấn còn giao đoàn viên thanh niên tiếp cận, giúp đỡ người dân di dời vật kiến trúc, bắt đầu ngày 3.4 này. Trước đó, ngày 31.3, thị trấn Nam Phước lập 2 đoàn trực tiếp xuống nói chuyện với từng gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước, địa phương làm việc hết sức dân chủ, chủ trương nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ trong bối cảnh dự án “trắng” kinh phí đền bù, hỗ trợ để GPMB. Từ kiến nghị của một số hộ dân, thị trấn tiến hành thống kê có 14 hộ cần được hỗ trợ về nhân công, gồm có 2 hộ nghèo, 5 hộ không có lao động, 1 hộ già neo đơn, 6 hộ ảnh hưởng nặng. Không có tiền, những người có trách nhiệm, nhất là lực lượng thanh niên sẽ ra quân trợ giúp người dân di dời công trình, vật kiến trúc. Đơn cử, hộ ông Nguyễn Thanh sẽ được hỗ trợ 20 công, hộ ông Võ Vị (hộ nghèo) là 8 công… Ngày 3.4, nhà thầu bắt đầu triển khai từ quốc lộ 1 trở xuống dài khoảng gần 100m, thuộc đoạn thuận GPMB để mọi người tin tưởng công trình chắn chắc thi công, tạo khí thế lan tỏa trong nhân dân. Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm, hộ nào đòi hỏi đền bù, hỗ trợ (bằng tiền) thì địa phương không còn cách nào khác là phải kiên trì “khai thông” lòng dân.

Cũng cần nhắc thêm rằng, trong văn bản số 102/UBND-KTHT, ông Nguyễn Bốn lưu ý, địa phương nào không thể vận động nhân dân GPMB được, Phòng Kinh tế và hạ tầng Duy Xuyên báo cáo UBND huyện xem xét đề nghị điều chỉnh dự án về địa phương khác. Thực ra, khuyến cáo của chính quyền Duy Xuyên là không thừa, bởi nguồn vốn hỗ trợ kiên cố hóa ĐH phân bổ hằng năm khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu cần được đầu tư tại các xã, thị trấn lại rất nhiều. Chính vì vậy, việc mở rộng, nâng cấp hạ tầng ĐH sẽ không thành công nếu xa rời phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Được biết, dự án nâng cấp, mở rộng ĐH3.DX, lý trình km0+000-km0+558 (hạng mục nền, mặt đường, công trình trên tuyến) do Phòng Kinh tế và hạ tầng Duy Xuyên làm đại diện chủ đầu tư. Cấp công trình cấp IV, bề rộng mặt cắt ngang 13,5m (lòng đường rộng 9,5m). Dự án được thực hiện theo đề án kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015 - 2020.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ