Chiếc cầu khát vọng
Ngày 27.3 tới, UBND tỉnh sẽ khánh thành cầu Cửa Đại, chính thức nối đôi bờ sông Thu Bồn, tạo điều kiện cho Quảng Nam thay đổi căn bản vị thế địa lý, biến vùng bờ biển hoang sơ phát triển năng động hơn.
Nối nhịp đôi bờ
Cuộc kiểm tra, nghiệm thu cầu Cửa Đại vừa diễn ra vào ngày 23.3.2016. Các bộ phận công trình, hạng mục công trình đều được Hội đồng nghiệm thu cơ sở (Ban QLDA 85, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và chính quyền địa phương) nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu. Chất lượng thi công xây dựng bảo đảm an toàn khai thác, sử dụng công trình. Ông Phạm Duy Khánh – Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 85 nói, chất lượng thi công xây dựng bảo đảm an toàn khai thác, sử dụng công trình. Cầu Cửa Đại đã được đơn vị tư vấn kiểm định thực hiện kiểm định chất lượng, thử tải thông qua các tiêu chí như: khoan lấy mẫu bê tông, dùng súng bắn bê tông và máy siêu âm xác định chất lượng bê tông, thử tải động cầu. Tất cả cho thấy, cây cầu này đảm bảo khai thác được với tải trọng thiết kế HL 93 và các hồ sơ hoàn công đã thông qua các cuộc soát xét đạt yêu cầu.
Cầu Cửa Đại. Ảnh: T.D |
Câu chuyện xây cầu giống như một câu chuyện “cổ tích thời hiện đại”. Sau hai trận bão kinh hoàng Xangsane và Chanchu năm 2006 và 2007, Quảng Nam đã quyết định xây dựng cầu Cửa Đại theo dự án đã được phê duyệt tại Quyết định số 2337/QĐ-UBND ngày 17.7.2009. Công trình được giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư, các nhà thầu liên doanh Cienco 5 và Cienco 4, Công ty Đạt Phương thi công, Công ty Cổ phần Tư vấn cầu lớn hầm thiết kế và giám sát, Ban Quản lý dự án 85 thuộc Bộ Giao thông vận tải làm tư vấn quản lý dự án. Ngày 30.8.2009 công trình chính thức động thổ, nhưng ngày 19.6.2011 mới chính thức bắt đầu thi công.
Dự án trọng điểm này (nằm trên đường tránh lũ của dự án Tổng thể sắp xếp dân cư ven biển có chức năng cứu hộ cứu nạn, là đường tránh lũ duy nhất không bị ngập khi Quảng Nam bị lũ quét) sẽ khai thông kết nối đường ven biển từ Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất. Tuy nhiên, địa phương không đủ nguồn lực để xây dựng khi nguồn vốn đầu tư cho công trình quá lớn, nên Chính phủ đã hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư (toàn bộ dự án là 3.450 tỷ đồng (cầu Cửa Đại 1.933 tỷ đồng). Còn lại Quảng Nam huy động từ nguồn khai thác quỹ đất. Công cuộc khai thác này đã được giao cho Cienco 5 đầu tư 830ha đất khu vực phía nam cầu Cửa Đại, tương ứng 624 tỷ đồng. Nhưng, quá trình dự án không hề suôn sẻ. Kế hoạch cung ứng vốn chưa bao giờ đáp ứng tiến độ. Con số thống kê cho thấy từ năm 2009 đến 2012, nguồn vốn trung ương cấp cho dự án chỉ 133 tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và nguồn vốn ngân sách địa phương chỉ dành cho giải phóng mặt bằng. Kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, Cienco 5 không tiếp tục đầu tư, trả lại quỹ đất dự án. Quảng Nam đã lâm vào cảnh thiếu hụt nguồn vốn thanh toán, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm trễ, gặp khó trong điều hành, quản lý dự án. Không thể dừng dự án, Quảng Nam đã “tự lực, tự cường” thu xếp nguồn vốn duy trì tiến độ thi công và sự kiên trì của địa phương đã được “giải cứu” khi công trình đã được chọn vào nhóm công trình cấp bách thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Cộng với sự nỗ lực, chia sẻ từ các nhà thầu, sự đồng thuận của nhân dân địa phương vùng dự án, sự tích cực chỉ đạo của chủ đầu tư (Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai), thông qua việc thi công 3 ca liên tục. Không kể ngày lễ, tết với quân số có lúc lên đến 670 người trên công trường liên tục trong suốt 11 tháng liền (từ tháng 10.2013 – 30.9.2014), cầu đã hợp long ngày 28.9.2014 và hoàn thành ngày 30.8.2015. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói, cầu Cửa Đại không chỉ phục vụ giao thông, phòng tránh lụt bão, an ninh quốc phòng…mà là một công trình mang bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương, là điểm nhấn trên con đường hành trình di sản với các lan can của cầu được đúc bằng gang, kết hợp với các tấm phù điều với họa tiết, các bồn hoa trên các dải phân cách được chọn lựa các loại cây với màu sắc mềm mại.
Động lực lan tỏa
- Cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và và bê tông cốt thép dự ứng lực. - Tiêu chuẩn thiết kế: 22TCN272-05. - Tải trọng thiết kế: HL-93. - Tần suất thiết kế: P = 1%. - Tần suất động đất thiết kế 500 năm tương ứng với hệ số gia tốc A=0,0324. - Yêu cầu thông thuyền cấp và đảm bảo chiều cao tĩnh không cho thuyền du lịch hoạt động III, lựa chọn BxH = 50x20m - Quy mô mặt cắt ngang: B = 25m, với 04 làn xe chạy (4x3,5)m + phần người đi bộ (2x3,0)m + giải phân cách giữa (1,5 + 2x0,75)m + dải an toàn (2x0,75)m + lan can cầu (2x0,25)m. Cầu chính dạng cầu dầm khung liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng. Cầu dẫn sử dụng dầm Super T chiều dài L=40m, bản mặt cầu liên tục nhiệt. Trụ chính đỡ nhịp dầm liên tục: trụ thân đặc bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, móng sử dụng móng cọc khoan nhồi đường kính bằng 2,0m. Trụ dẫn đỡ nhịp dầm Super T: dạng thân đặc bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, móng cọc đóng bê tông cốt thép (45x45)cm, riêng các trụ T2, T3 sử dụng móng cọc khoan nhồi đường kính D=1m (được điều chỉnh phù hợp trong quá trình thực hiện). Hai mố có dạng mố thân đặc bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, mố M1 móng cọc khoan nhồi đường kính D=1m (được điều chỉnh phù hợp trong quá trình thực hiện), mố M24 móng cọc đóng bê tông cốt thép (45x45)cm. Xây dựng đồng bộ các công trình an toàn giao thông như hệ thống biển báo, vạch sơn, lan can, đèn báo hiệu… Đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41-2012. Bố trí đèn chiếu sáng, đèn trang trí trên cầu và trồng cây xanh giải phân cách trên cầu. |
Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã đánh giá khá cao về cầu Cửa Đại. Ông Dương Viết Roãn – Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khẳng định, chất lượng và các tiêu chuẩn khác của cầu Cửa Đại đạt yêu cầu. Vấn đề quan trọng là thường xuyên theo dõi, xử lý kịp thời các sự cố (nếu có). Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước Lê Quang Hùng cho rằng, những ý kiến đánh giá thẩm định của các chuyên gia, cơ quan giám sát, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn quản lý công trình đã đủ điều kiện để nghiệm thu công trình này đưa vào sử dụng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn nói, công trình cầu Cửa Đại thiếu tiền nên buộc lòng địa phương phải chia ra hai gói thầu nên chưa kết nối đồng bộ. Thi công kéo dài. Nhưng đây là cây cầu mơ ước của người dân Quảng Nam. Có thể nói rằng, việc xây dựng thành công cầu Cửa Đại với quy mô mặt cắt ngang 25,5m, khẩu độ vượt nhịp đúc hẫng 150m lớn nhất nước hiện nay, trong điều kiện vùng địa chất thủy văn phức tạp, thiên tai, bão lũ khó lường và trong điều kiện nguồn vốn gặp nhiều khó khăn thì đó là trí tuệ, là quyết tâm cao với tinh thần dám nghĩ, dám làm của chủ đầu tư, của các đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công… Có cầu sẽ có dự án trên vùng đất 10.000 – 20.000 ha đất vàng chưa được khai thác. Chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát tải trọng trước tiến độ xây dựng các dự án lớn đang triển khai tại vùng đất này.
Cầu đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Ngày 27.3.2016 sẽ chính thức khánh thành cầu và đường, nối thông Hội An – Tam Kỳ, là mắc xích trong toàn tuyến ven biển quốc gia. Hy vọng chắc chắn rằng, chỉ mươi năm nữa thôi, trước sự thôi thúc của đầu tư phát triển và sự kiên quyết của chính quyền trong việc lập lại “trật tự” môi trường đầu tư, một “thành phố resort” sẽ mọc lên trên vùng gió cát, góp phần đưa Quảng Nam sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và góp phần tạo động lực lan tỏa phát triển cho các tỉnh miền Trung.
TÙY PHONG – PHẠM ÂN